Theo thông tin từ Sài Gòn Giải Phóng, khu ký túc xá của học sinh nam tại trường nội trú Rossall ở Lancashire thuộc miền Tây Bắc nước Anh là nơi có điều kiện tốt để học sinh theo học dự bị đại học. Quốc Anh, một sinh viên Việt Nam học dự bị năm cuối, là một trong những người giúp quản lý khu nhà này. Mặc dù vậy, phòng của Quốc Anh cũng chỉ nhỏ chừng 7-8 m2. Đến nay, sinh viên Việt Nam như Quốc Anh không còn xa lạ với thầy cô, đặc biệt như với thầy giáo David Boothroyd.
Hiệu trưởng của Trường Rossal là Tim Wilbur về làm việc ở đây đã 3 năm nay. Ông đánh giá sinh viên Việt Nam có những phẩm chất tốt như chăm học, hòa đồng và theo ông cho tới nay sinh viên Việt Nam đều thành công tại trường. Năm trước, một sinh viên đã được 44/45 điểm trong kỳ thi tú tài quốc tế. Tuy nhiên, một trong những đặc điểm thường gặp ở các ngôi trường Anh là vấn đề cầu kinh theo truyền thống. Trường Rossal yêu cầu tất cả học sinh phải dự các buổi cầu nguyện tại nhà thờ của trường. Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Tim Wilbur, học sinh theo đạo Hồi, đạo Phật không bắt buộc theo nghi lễ này.
![]() |
Quán phở Việt Nam ở làng đại học Cambridge. |
Trong những buổi ăn trưa ở trường, học sinh nhỏ được ưu tiên đi ăn trước sau đó đến các học sinh lớn hơn. Chênh lệch thời gian giữa hai nhóm thường là một tiếng. Với truyền thống từ lâu nay, thầy cô giáo và lớp trưởng có cửa riêng để vào phòng ăn. Cũng tương tự như vậy, trong lúc học sinh bình thường không được giẫm lên cỏ ở quảng trường thì thầy cô và lớp trưởng được ngoại lệ.
Ở một vùng khác là Croyden ở hướng Nam London có trường A-level với vài chục học sinh Việt Nam đang theo học. Trần Việt Hưng đang học năm thứ hai, sang đây từ tháng 1/2003, cho biết: "Khi mới sang em rất bất ngờ vì sĩ số lớp học ít hơn ở Việt Nam nên có nhiều cơ hội để nói chuyện với thầy cô hơn. Thầy cô rất thân thiện và luôn trao đổi với học sinh những điều vướng mắc. Bên cạnh đó, em được làm quen với rất nhiều bạn từ các nước khác nhau, có cơ hội mở rộng tầm mắt và tìm hiểu thêm các nền văn hóa khác. Lúc đầu cũng thấy lạ lẫm, vì ở một nước mới, mà lại lần đầu tiên xa nhà, cho nên nhiều lúc cũng cảm thấy cô đơn, nhớ nhà. Thế nhưng sau đó thì quen dần. Bây giờ thì em cảm thấy có thể thích nghi và sẵn sàng đón nhận ba năm tiếp theo để học".
Nguyễn Vân Anh sang từ tháng 9/2003, nhìn lại những ngày đầu tiên trên đất khách của mình: "Ấn tượng đầu tiên lúc em mới sang là ông bà chủ nhà rất tốt bụng, hướng dẫn, giới thiệu chung cho em về cuộc sống ở Anh. Điều thứ hai là phải dùng tiếng Anh giao tiếp trong mọi tình huống giúp kỹ năng ngôn ngữ của em phát triển hơn. Ở trường, thầy cô dạy rất tận tâm và trả lời mọi câu hỏi của học sinh, cùng thảo luận để đưa ra cách giải quyết cho một vấn đề. Em thấy cách giảng dạy đó rất hay và sĩ số cũng ít, chỉ khoảng 6-7 học sinh trong một lớp, giúp cho mọi người có khả năng phát triển tư duy và khả năng trình bày của mình hơn".
Trong 6 tháng đầu trường yêu cầu phải đóng 3.000 bảng, đến năm nay đóng thêm một khoản nữa là 7.000 bảng. Tổng cộng là 10.000 bảng cho tiền học, còn tiền ăn, ở khoảng 500 bảng nhân với 12 tháng là 6.000 bảng.