Hiện nay, các thiết bị liên lạc cầm tay thường sử dụng nhiều vật liệu độc hại và kim loại có khả năng ảnh hưởng xấu đến con người và môi trường khi chúng được vứt bỏ. Các nước đang phát triển phàn nàn rằng họ đang trở thành một “bãi rác” điện thoại di động cũ và điều này ảnh hưởng xấu đến toàn bộ cộng đồng dân cư.
Với chu kỳ trung bình cứ 18 tháng/lần người tiêu dùng lại đổi điện thoại mới thì có khoảng 105 triệu thiết bị cũ được loại bỏ mỗi năm ở châu Âu và 130 triệu ở Mỹ.
Các cuộc kiểm tra của một số cơ quan và tổ chức bảo vệ môi trường ở Mỹ phát hiện ra rằng chất cadmium (cát-mi) trong pin điện thoại có thể làm bẩn 600.000 lít nước, tương đương với 1/3 dung tích của một bể bơi theo tiêu chuẩn Olympic. Chất cadmium đang dần dần được loại bỏ khỏi những thế hệ pin điện thoại mới. Tuy nhiên, các vật liệu độc hại và có khả năng gây ung thư khác như chì, chất chống cháy chứa thành phần bromide (bromua) hay beryllium (berili) vẫn tồn tại.
Theo VnExpress, chương trình môi trường của Liên hiệp quốc và các hãng sản xuất điện thoại di động đang phối hợp để xúc tiến việc thiết kế những loại sản phẩm mới với linh kiện an toàn hơn, đồng thời đề ra giải pháp tái chế và xử lý an toàn điện thoại bỏ đi.