Hơn một năm đã trôi qua, nhưng giờ ngồi ôn lại ngày đi tìm gia đình, ông Trần Hùng (sinh năm 1941, ở phố Chợ Khâm Thiên, Hà Nội, nay sống ở Tây Ninh) vẫn đầy cảm xúc. Ông nghẹn lại vì xúc động, lúc ngậm ngùi nhớ về những ngày lang thang sống kiếp bụi đời.
Cha mẹ là người gốc Hà Nội, ông Hùng sinh ra đúng thời đất nước loạn lạc, đói nghèo bám riết. Lên 5-6 tuổi, ông Hùng mồ côi cả cha lẫn mẹ, anh em ruột mất hết vì đói rét, bệnh tật, một mình ông bơ vơ, rồi phải vào trại trẻ mồ côi Khâm Thiên.
Thương đứa cháu nhỏ côi cút, ông Trần Văn Lai (bác ruột ông Hùng) đã vào trại trẻ mồ côi đón cháu về nhà nuôi dưỡng. Khi đó, ông Lai là công nhân nhà ga xe lửa Gia Lâm, vợ ở nhà nội trợ. Cả gia đình hơn chục người trông chờ vào đồng lương còm cõi của ông Lai nên sống vá víu, nghèo khổ.
“Khi đã ý thức được cuộc sống, tôi thấy mặc cảm vì là kẻ không cha mẹ, sống bám vào gia đình nhà bác. Tôi quyết định bỏ đi không một lời từ biệt. Những ngày đầu, tôi lang thang khắp đầu đường xó chợ, có gì ăn nấy, gặp đâu ngủ đấy. Đến năm 1958, lúc đó 17 tuổi, tôi xin vào làm công nhân đường sắt tuyến Đông Anh - Thái Nguyên. Từ đây cuộc sống mới đỡ vất vưởng, tôi tự lao động kiếm tiền nuôi thân”, ông Hùng nhớ lại.
Làm công nhân đường sắt được 5-6 năm, nỗi cô đơn không người thân thích khiến ông Hùng quay lại phố Khâm Thiên, rồi phố Sinh Từ (phố Nguyễn Khuyến ngày nay) tìm người thân. “Nhưng rất tiếc, không còn ai ở đó nữa. Tôi tìm đến ngôi nhà ở ngõ 13, ra đón tôi là một chủ nhà khác. Tôi hỏi về anh Bảo (con ông Lai), rồi những người thân trong gia đình nhưng không ai biết. Ông chủ nhà bảo, hình như họ chuyển về Thái Bình. Thất vọng, buồn bã, tôi quay lại làm công nhân đường sắt, đến năm 1967 thì xung phong vào chiến trường miền Nam”, ông Hùng kể.
Sau giải phóng miền Nam, ông Hùng phục viên với tấm thẻ thương binh, rồi quyết định ở lại vùng biên giới Việt Nam - Campuchia mưu sinh. Hai bàn tay trắng, không người thân, sức khỏe yếu, ông Hùng rất chật vật mới kiếm đủ cái ăn. Năm 1982, khi đã có một ít vốn liếng trong tay và bước qua tuổi 40, ông mới xây dựng gia đình với bà Lâm Thị Hương (sinh năm 1958). Hai vợ chồng ông Hùng định cư luôn ở huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh), phải làm thuê, làm mướn khắp nơi nuôi 5 người con. Hiện những người con của ông đã lập gia đình, công việc ổn định.
Giọng xúc động, ông Hùng kể lại: “Sau những buổi đi làm thuê mệt nhọc, đêm về tôi không thể nào trọn giấc. Những ký ức về Hà Nội, con phố Khâm Thiên, những người anh họ, bạn bè khiến tôi day dứt. Nhưng cuộc sống bộn bề, con thì đông, kinh tế eo hẹp, tiền đâu để đi?”.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, khi con cái đã phương trưởng, bản thân bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông mới trải lòng với con cháu về nỗi khổ tâm của mình: “Tuổi ba đã cao nhưng cũng phải tìm về gốc gác tổ tiên, để sau này con cháu còn biết tìm về cội nguồn”. Hiểu được tâm tư sâu thẳm của chồng, bà Hương cùng các con góp tiền rồi cử người con gái thứ hai đang làm ở TP HCM cùng bố ra Hà Nội tìm lại người thân.
Ông Hùng nhớ lại: “Ra đến Hà Nội, hôm đó là ngày 22/4, tôi đi một vòng phố phường. Tôi hỏi đường về những nơi mình từng sống, nhưng hơn 50 năm rồi, quá khác biệt. Xưa đường Kim Liên, Xã Đàn là ruộng lúa, ruộng rau chứ có phải đường to như bây giờ. Con đường, ngõ phố thay đổi quá nhiều. Lang thang đến đình Kim Liên, tôi dừng chân hỏi một phụ nữ có phải người Khâm Thiên không. Chị ấy gật đầu, sau đó dẫn tôi qua ngõ Trung Phụng. Qua trò chuyện, người này cũng biết con gái ông Lai. May rủi thế nào, vào ngõ 13, tôi hỏi một người phụ nữ khác về ông anh Trần Văn Bảo thì mới biết bà ấy là thông gia với anh tôi".
Rồi qua điện thoại, hai anh em ông nhận ra nhau. Nhưng vì ông Bảo đang ở xa nên ông Hùng qua gặp ông Trần Văn Lợi (em ông Bảo). "Gặp mặt nhau nhưng anh Lợi không nhận ra tôi, bởi lúc tôi bỏ nhà đi, anh ấy còn nhỏ lắm", ông Hùng nhớ lại.
Anh em cứ thế ôm nhau mà khóc như hai đứa trẻ. Câu đầu tiên mà ông Trần Văn Lợi thốt ra là: “Trần Hùng mà bao năm qua gia đình vẫn thờ và cúng giỗ đây mà”. Ông Lợi lấy điện thoại gọi khắp nơi cho anh em họ hàng báo tin vui. Gặp nhau sau hơn 50 năm xa cách, cả khách lẫn chủ mừng mừng, tủi tủi.
Sau giây phút xúc động, ông Lợi đưa ông Hùng lên bàn thờ thắp hương. Ông Lợi lấy gia phả, gạch tên ông Hùng khỏi danh sách những người được… cúng giỗ hàng năm. Ông Lợi kể lại: “Sau khi ông Hùng bỏ đi, cả gia đình đi tìm nhưng không được. Sau này, có nghe tin ông ấy đi bộ đội nhưng không ai biết ông ấy đóng quân chỗ nào. Khi đất nước thống nhất, một người hàng xóm về nói với gia đình là gặp ông Hùng trong chiến trường Tây Nguyên nhưng sau đó đã hy sinh. Gia đình lập bàn thờ, lấy ngày Rằm tháng Bảy là ngày giỗ”.
Không cầm được nước mắt, ông Hùng nhớ lại: “Gặp lại được anh em, họ hàng sau bao nhiêu năm xa cách, tôi như được sống thêm lần nữa. Khi đi trai tráng, khi về gặp lại người mất người còn, ai trẻ nhất thì trên đầu đã hai thứ tóc. Cuộc đời tôi như vậy mãn nguyện rồi, con cái đã có nơi tìm về cội nguồn”.
Ông Hùng cùng con gái ở lại Hà Nội gần một tháng để thăm lại những nơi ông từng mưu sinh. “Hà Nội ngày xưa và Hà Nội ngày nay khác nhau lắm. Nhưng với tôi, mọi thứ đều rất gần gũi, thân thương”, ông nói.
“Cứ nghĩ đến lúc cuối đời, khi nằm xuống liệu có tìm lại được người thân, họ hàng không khiến lòng tôi day dứt. Ngày bé, vì tự ái bản thân, tôi đã đánh mất đi người thân, phải tha phương cầu thực. Được gặp lại mọi người, thấy ai cũng khỏe mạnh, tôi vui mừng, hạnh phúc lắm. Giờ giấc ngủ của tôi đã tròn trịa hơn, dù có đi về thế giới bên kia trong nay mai vẫn thấy an lòng”, ông Hùng nói.
Theo Giadinh.net.vn