![]() |
Bà kể lại: “Khi nhận yêu cầu này chúng tôi không chắc có thực hiện được hay không, vì rà soát tất cả các nguồn trên thị trường Việt Nam những ứng viên có thể đáp ứng tiêu chuẩn đặt ra chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng tôi đã phải trao đổi với khách hàng, phỏng vấn với các ứng viên kéo dài hơn hai tháng mới có được một người phù hợp”. Đốt đuốc tìm nhà quản lý Dù sao trên đây cũng là trường hợp thành công, còn có những tình huống dày công tìm kiếm nhưng không mang lại kết quả. Điển hình một trường hợp cũng do Pricewaterhouse Coopers Vietnam đang thực hiện theo một đặt hàng tìm giám đốc dịch vụ khách hàng (cũng cho ngành tài chính) mà hơn hai tháng trôi qua đến giờ vẫn treo lơ lửng. Navigos Group, một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ nhân lực, đặc biệt là sau khi sáp nhập bộ phận dịch vụ nhân sự của Ernst & Young Vietnam, vừa thực hiện thành công một hợp đồng tuyển dụng quản lý bán hàng cho một công ty sữa sau nhiều tháng tìm kiếm cả các doanh nghiệp trong nước, văn phòng đại diện nước ngoài. Trưởng phòng tư vấn bộ phận tư vấn nhân sự, bà Nguyễn Thị Khả Ái cho biết, những vị trí quản lý thông thường phải mất vài tuần để thực hiện hợp đồng. Nhưng có những vị trí quan trọng thì công ty tuyển dụng thường đặt trước 1-2 quý, thậm chí cả năm. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm hơn đến vai trò nhân lực để nâng cao sức cạnh tranh, nên chính họ đã tạo thêm một lực hút đối với nguồn nhân sự quản lý. Có thể nói đối với hầu hết các doanh nghiệp ở các lĩnh vực đều đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự cho các vị trí chủ chốt. Lương không chưa đủ Trong điều kiện như vậy, các doanh nghiệp buộc phải đẩy mức lương lên cao để thu hút đối tượng này. Khảo sát từ các dịch vụ săn đầu người, mức lương cho đối tượng này tăng bình quân khoảng 30% trong hai năm gần đây. Riêng nhóm đang được thu hút nhiều nhất, là quản lý bán hàng và marketing, tăng đến 60%. Một số doanh nghiệp đến sau còn chấp nhận chào mức lương cao hơn 10-20% so với mức lương mà ứng viên đang được hưởng. Bên cạnh lương, các doanh nghiệp còn mời chào các khoản phúc lợi hấp dẫn hơn. Cách làm này đang trở nên phổ biến đối với nhiều doanh nghiệp tư nhân, cổ phần tốp trên của Việt Nam. Đại diện Navigos Group và Pricewaterhouse Coopers đều xác nhận rằng, bên cạnh dịch vụ tuyển dụng, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng sử dụng nhiều hơn dịch vụ tư vấn nhân lực. Họ quan tâm đến xây dựng các chính sách phúc lợi, tạo môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến cho nhân sự công ty nhiều hơn. Để lọt vào tầm ngắm Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit đặt ra những tiêu chí khi lựa chọn nhân sự cấp quản lý là: Thứ nhất, phải có tầm nhìn về thị trường quốc tế, nhạy bén nhìn ra sự khác biệt, sáng tạo. Thứ hai, thành thạo các kỹ năng về tin học, ngoại ngữ. Thứ ba, am hiểu về các chức năng tài chính, quản trị hành chính. Với những tiêu chí này, ông Viên cho rằng những sinh viên du học nước ngoài thường có ưu thế hơn. Sinh viên đi làm thêm (part time) tại Vinamit trước khi tốt nghiệp, cũng là đối tượng được ông Viên chú ý. Đối tượng này, qua cách xử lý công việc, người quản lý Vinamit sẽ nhận biết những tố chất ban đầu và sẽ tiếp tục đầu tư để phát triển thành nhân sự quản lý trong tương lai. Với công ty dệt Phong Phú, tiêu chí lựa chọn ứng viên làm quản lý là tính chuyên nghiệp, am hiểu những vấn đề chính trị xã hội, khả năng phản ứng nhanh nhạy. Các ứng viên được lựa chọn sẽ được thử việc. Trong giai đoạn này ứng viên phải thể hiện khả năng truyền đạt, thuyết phục các cộng sự. Ứng viên có thể được tiếp tục đào tạo các kỹ năng cần thiết theo các khoá học trong nước cũng như nước ngoài. Bà Trần Thị Đường, phụ trách đào tạo của công ty, cho biết bằng cách này Dệt Phong Phú đã có được nhiều nhân sự quản lý trưởng thành trong vòng 2-3 năm huấn luyện. Một xu hướng đang nổi lên khá rõ là các nhà tuyển dụng đang ngày càng quan tâm hơn đến nguồn nhân sự cao cấp người Việt Nam. Bà Tiêu Yến Trinh cho biết, người nước ngoài giờ chỉ còn chiếm 3-5% trong các yêu cầu tuyển dụng nhân sự quản lý ở công ty này, so với con số 30% của 5 năm trước. Người Việt Nam vẫn bị đánh giá chất lượng chuyên môn không bằng người nước ngoài, nhưng chi phí lương bổng thấp hơn, hiểu biết văn hoá và giao tiếp trong môi trường địa phương lại tốt hơn. “Chỉ những vị trí đặc thù quá mới có yêu cầu tuyển người nước ngoài như tổng giám đốc tập đoàn, công ty lớn...”, bà Yến Trinh nói. Rõ ràng từ cách đánh giá và tuyển dụng của doanh nghiệp cũng như các dịch vụ săn đầu người, cơ hội đang ngày càng nhiều hơn với các ứng viên Việt Nam. (Theo Khám Phá) |