Thông tin được lực lượng cứu hộ tỉnh Đồng Tháp cho biết sáng 16/1, liên quan phương án nhổ cọc bêtông ở dự án cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình - nơi bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) gặp nạn hôm 31/12/2022. Đây là đoạn đầu tiên của cọc bêtông dài 35 m. Lực lượng chức năng đã đóng ống vách thép sâu 24 m, đào gần 20 m, đồng thời bịt kín đầu đoạn thứ hai để tiếp tục đưa lên.
Trước đó tối 4/1, sau năm ngày xảy ra tai nạn, tỉnh Đồng Tháp thông tin em Hạo Nam đã tử vong sau khi tiến hành hội chẩn dựa trên những dữ liệu được cung cấp. Công tác đưa cọc bêtông để sớm tìm và đưa thi thể bé trai lên lo hậu sự. Tuy nhiên hơn hai tuần qua, việc nhổ cọc chưa thành công do thiếu thiết bị, nhân lực, gặp bất lợi thời tiết, mưa lớn.
Cách đây 9 ngày, UBND tỉnh Đồng Tháp thông qua kế hoạch nhổ cọc qua 11 bước, gồm đóng cọc lá thép hình vuông quây quanh trụ bêtông, cạnh rộng 4,8 m, sâu 12 m. Sau đó, đội hình cứu hộ hạ ống vách thép đường kính 2 m, sâu 24 m thay thế ống thép đường kính 1,6 m đã đóng trước đó; tiến hành lấy hết đất bên trong ống thép mới bằng khoan guồng xoắn, máy xoáy áp lực nước cao.
Song song đó, lực lượng chức năng đã đóng hai cọc lá thép xuống độ sâu 35 m, hàn giữ cố định với cọc bêtông; thợ lặn, rà soát các mối nối giữa các đoạn cọc; khoá dây cáp các đoạn cọc rồi nhấc cọc lên...
Nhiều thiết bị như búa rung 180 kW từ cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), ống vách, gàu múc đất... cũng được đưa đến. Hôm 14/1, cần cẩu 80 tấn vừa đưa vào, gặp trục trặc khi đào đất, phải điều kỹ thuật từ TP HCM tới bảo trì.
Nhiều ngày trực tiếp có mặt tại hiện trường, ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp, cho biết việc nhổ cọc phải thận trọng, tính toán tỉ mỉ từng bước tránh tác động lực mạnh vào đoạn cọc chứa bé trai, tránh các sự cố không mong muốn.
Trước đó, khi công bố Hạo Nam đã tử vong, tỉnh Đồng Tháp tiến hành trục vớt thi thể bé bằng thiết bị chuyên dụng, song không thể thực hiện do độ gấp khúc tại mối nối bị đứt...
Theo VnExpress