Một cây cao su bị bọ bu đen kín. |
Dân các xã Bình Sơn, Suối Trầu, An Viễng... thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, gọi loại côn trùng này là con "đậu đen". Đơn giản vì nó giống hạt đậu đen như đúc. Nó là loại bọ cánh cứng, đêm bay, ngày bò, đi thành đàn. Tuy chưa có hiện tượng phá hoại vật nuôi cây trồng, hoặc gây bệnh nguy hiểm cho người nhưng đoàn quân "đậu đen" đang gây biết bao nỗi khốn khổ cho người dân nơi đây.
Theo mô tả của Lao Động, trong một căn nhà "nạn nhân" của bọ đen, bốn bức vách nhà làm bằng gỗ bị bọ bám kín. Mới nhìn qua cứ tưởng như vách nhà được sơn màu đen. Nhìn kỹ thấy vô số con bọ bò lổn nhổn. Tất cả cột, kèo, vách, cửa, nền nhà đều đặc bọ. Chủ nhà tên Thủy không chịu nổi phải lánh đi ở nhờ hàng xóm. Một nhà khác ở ngay cạnh nhà chị Thủy, bọ đen bu thành từng nắm, từng chùm, từng khối. Chúng rơi từ trên tường, trên các cột nhà, kèo nhà xuống nghe rào rào. Sàn nhà đầy bọ. Bọ chồng lên nhau dày một lớp chừng 10 cm. Chủ nhà cũng phải bỏ đi vì không chịu nổi cái giống "đậu đen" không ăn được này.
Anh Quang, bảo vệ của Nông trường cao su Bình Sơn cho rằng những ngôi nhà đó chưa phải là nhà "nuôi đậu đen" điển hình. Gần khu nhà của công nhân nông trường có một ngôi nhà đen "toàn diện" bởi bọ. Bọ chồng chất lên nhau thành đống. Trong nhà, bọ rơi từ trên trần xuống như mưa. Ngoài hiên, chúng bu kín một mảng, trông như một sân phơi hạt đậu đen. Ông Lới - chủ nhà đã phải bán xới đi chỗ khác ở. Người ta nói chỉ còn cách đốt ngôi nhà này đi bởi vì vô phương cứu chữa. Nhưng ông Lới còn tiếc của nên chưa muốn đốt, mong qua mùa mưa bọ bay đi rồi ông Lới về lại mái nhà xưa.
Anh Đán, một người dân ở đây, tả lại cảnh các phi đội bay của "đậu đen" đã tấn công dãy nhà của anh và các đồng nghiệp cạo mủ cao su. Một khối đen khổng lồ, to bằng chiếc máy bay ào xuống như một cơn lốc. Các mái nhà từ mái ngói, mái lá, mái tôn đều hứng trọn một trận mưa đậu. Sau cú tập kích bằng đường không đó, "đậu đen" chen lấn nhau qua từng kẽ ngói để vào nhà. Những con bọ nhỏ chỉ bằng hạt đậu nhưng có thể đùn, đẩy, làm đội cả tấm ngói lên.
Tại vườn cao su, cả một hàng cao su dài tít tắp bị bọ bám kín. Anh Quang cho biết các công nhân ở đây phải lấy cây gạt bọ xuống, xúc bỏ vào bao rồi tranh thủ cạo mủ. Nhưng thao tác phải thật nhanh vì chẳng mấy chốc là chúng bám kín trở lại. Tuy nhiên, thường thì những cây bị bọ đen bám thì công nhân không cạo mủ vì không có thời gian xử lý. Chưa kể nhiều người không chịu được cái mùi của bọ đen, bị nhức đầu. Có người chỉ trông thấy bọ đen là ghê cả người.
Anh Đán nói chỉ cần một nắm bọ vào được nhà, thì coi như đêm đó không thể ngủ được. Bọ có tài chui vào bất cứ kẻ hở nào, nên dù bỏ màn kín bọ cũng chui vào được. Bọ chui vào tai, vào mũi tuy không cắn, nhưng cũng không thể chịu được. Đôi khi chúng cũng cắn khá đau đặc biệt là vào... "chỗ hiểm". Bát thức ăn mà có một con bọ rơi vào coi như vứt. Hôi không ăn được. Bọ lại chui vào các loại dụng cụ, đồ vật trong nhà. Mùi của bọ rất hắc, gây khó chịu. Khi bị xịt thuốc chết, mùi lại càng nặng hơn, gây khó thở.
Không chịu nổi bọ đen, dân các xã đã nghĩ vô số cách tiêu diệt chúng. Ví dụ như nấu nước sôi giội lên bọ. Cách này không mấy hiệu quả là vì chỉ giội được đám bọ nằm dưới đất và những chỗ thấp. Xúc bọ bỏ vào bao rồi mang ra đốt. Cách này khá hiệu quả, giết bọ với số lượng lớn, nhưng mùi hôi của xác bọ không dễ chịu chút nào. Anh Nhất, ở xã Bình Sơn nghĩ ra cách mua thuốc trị rận, hòa vào với nước, rồi quét lên tường, bọ lăn ra chết. Cách này hiệu quả nhưng rất tốn công.
Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Suối Trầu cho biết ở xã Suối Trầu có một người tên Phương, nhà nhiều "đậu đen" đến nỗi anh ấy phải xúc bỏ vào bao tải, có đợt chất được 3 rơ-mooc xe máy xới chở ra suối để đổ. Nhưng 3 khối "đậu đen" ấy lại gây ô nhiễm không ít đối với nguồn nước. Cũng tại xã Suối Trầu, có ông Hưng, bà Năm Châu trị bọ bằng cách xịt thuốc rầy, kết quả là bọ chết nhưng vợ ông Hưng phải đi trạm xá cấp cứu vì nhiễm độc thuốc rầy. Một số hộ trị bọ bằng cách hun khói, bọ sợ khói bay đi nhưng nhà cũng đen thui như bọ. Cha con vợ chồng mắt mũi cay sè vì khói. Cách này cũng có chút hiệu quả nhưng rất mất công, tốn củi. Chưa kể có nhà vì tiết kiệm củi nên dùng vỏ xe hơi để đốt, gây ô nhiễm không khí trong lành của vùng nông thôn. Nhiều hộ mua thuốc xịt côn trùng để xịt. Tuy nhiên, mỗi hộ phải tốn 12.000-15.000 đồng/ngày.
Hiện nay, bà con áp dụng cách trị phổ biến nhất là mua thuốc trị lãi heo (lợn), hòa với nước để xịt vào bọ đen. Cách này hiệu quả, rẻ tiền, và phát triển được các đại lý bán thuốc trị lãi heo vì kiêm thêm trị bọ đen. Hoặc kinh tế hơn là xúc bọ đổ vào túi nylon, đem đi quăng ở các hố bom, lô cao su và các dòng suối. Tuy nhiên, tất cả các cách dù hiệu quả đến mấy thì cũng chỉ kéo dài sự bình yên được chừng một đêm.
Chủ tịch xã Suối Trầu - ông Lê Văn Thành cho biết: "Hiện tượng này có mấy năm nay rồi, nhưng chưa thấy có ngành nào hay tổ chức nào đến tìm hiểu, nghiên cứu để giúp dân trị bọ đen cả".