Bảy "Ngọng" có tên khai sinh là Phạm Đức Pho, quê quán huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Thâm niên hành nghề của đối tượng này cũng trên 10 năm nay. Vào Sài Gòn hành nghề và gặp cô gái tên Ánh (Cần Thơ) cũng chẳng cưới xin gì và sống như vợ chồng đến nay.
Khi câu chuyện đã thân mật, vợ chồng Pho thi nhau kể về những "chiến tích" mấy năm trước: Làm ăn rất khá, mỗi ngày kiếm từ 500 đến 700 nghìn đồng là bình thường. Bà vợ mua vàng đeo nặng cả tay, chỉ khi hành nghề mới tháo cất đi. Và có tiền nên cũng sinh ra hư hỏng, ngày đi ăn xin, tối về đánh bài, chơi số đề.
Đánh vào tâm lý những người hảo tâm, vào các dịp ngày rằm, lễ, Tết, cặp vợ chồng này lại lên đường đến những địa điểm có đông khách hành hương đổ về để "hái" tiền. Khi địa bàn thành phố xuất hiện ngày càng nhiều người ăn xin nên khó làm ăn, cặp vợ chồng này mở rộng địa bàn tổ chức các cuộc đi ăn xin dài ngày ở các tỉnh, thành khác như Lâm Đồng, Bình Dương, Vũng Tàu…
Cô vợ đi trước dùng dây thừng kéo ông chồng nằm trên tấm gỗ có gắn bánh xe trượt trên mặt đất phía sau. Nhưng có lần thì chỉ một mình Pho tự "bơi", dùng hai tay tự đẩy xe trượt. "Mỗi dịp như vậy đi từ 2 đến 3 tuần thu lợi không dưới 20 triệu đồng", Pho cho biết.
Vừa nói vợ chồng Pho vừa khoe với tôi bộ "phương tiện" để hành nghề của mình "xịn". Riêng bộ phận âm thanh (gồm 1 giàn phóng, 2 chiếc loa phóng, 2 ắc quy Đồng Nai) đã tới 4 triệu đồng rồi. Chiếc "giường" có 4 bánh dùng để nằm và để bộ phận âm thanh đặt thợ làm tốn 1,5 triệu nữa… Pho mở bị lấy băng cassette mở nhạc toàn là những cung điệu buồn não trích từ các kinh Vu Lan báo hiếu… Vợ chồng Pho nhìn tôi cười: "Như vậy mới lấy được tiền của người khác chứ".
Những mánh lới để che mắt người dân và cơ quan chuyên trách khi hành nghề ở thành phố là mỗi ngày vợ chồng họ dậy thật sớm để lên đường từ lúc 4h. Hai người đèo nhau bằng xe gắn máy, đến một địa điểm vắng người qua lại thì xuống xe để ông chồng "nhập lốt" hành nghề.
Ở gần bến xe An Sương (quận 12) cũng có cặp vợ chồng đi ăn xin, có nhà 2 tầng lầu. Mỗi ngày người vợ cũng làm nhiệm vụ "tài xế" đưa chồng đến các chợ để "thu tiền" và tối chở về. Cặp vợ chồng này còn cho vay nặng lãi đối với những người lao động nghèo khác trong vùng.
Tại một khu chợ sát cầu vượt An Sương cũng có một gia đình hoàn toàn khỏe mạnh đi ăn xin, người mẹ nằm trên xe trượt che mền kín mặt trông rất thiểu não cho người con lớn kéo và đứa bé chừng 6 tuổi chắp tay lạy xin tiền khách. Khi bám theo về nhà thì mới hay họ có một cuộc sống hoàn toàn khác. Trong nhà có nhiều tiện nghi đắt tiền và ăn những bữa thịnh soạn.
(Theo Công An Nhân Dân)