Nhà chị Cúc đang ăn cơm, vì là mùa hè nên bàn ăn được đặt ngoài sân. Tất nhiên, nếu không vì giận nhau thì bất cứ gia đình nào, bữa ăn cũng là lúc người ta nói với nhau khá nhiều chuyện.
Sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu bỗng dưng thấy anh chồng đứng phát dậy, tay xốc nách cô con gái hai tuổi chỉ thẳng vào mặt vợ, cao giọng: "Mày vừa nói cái gì? Nói lại lần nữa tao xem".
Chị Cúc không những đứng dậy mà mặt thản nhiên nhìn chằm chặp vào chồng, chẳng có biểu hiện gì của sự xuống nước hay sợ hãi. Căng rồi đây! Cái mặt kia khác nào đỏ thêm dầu vào lửa!
Tổ dân phố vừa đăng ký là tổ văn hoá thì các gia đình phải là các gia đình văn hoá, gia đình văn hoá mà cãi nhau là không đạt, ảnh hưởng thành tích chung. Bác tổ trưởng dân phố lo lắng kéo cổng bước vào: "Chú bớt nóng, bớt nóng, vợ chồng có gì cứ bình tĩnh, mình đóng cửa bảo nhau". Anh chồng như sực tỉnh, chị Cúc đon đả: "Ôi, bác ngồi chơi". Ngòi nổ được tháo, nhẹ cả người.
Chả bù cho nhà cô Mai, 23h, vác ghế đập cửa rầm rầm vì không đủ bình tĩnh mở khoá, áo dây quần đùi kéo nhau ra đường tố "cho cả làng cả xóm biết bộ mặt thật" của đối phương.
Tổ dân phố, phụ nữ tổ xông vào đều bị đẩy ra bởi bản cáo trạng còn ở đoạn cao trào. Một hồi giữa những động từ mạnh, tính từ gợi, ngôn ngữ đanh thép, mọi người hiểu ra rằng, buổi chiều, anh chồng gọi điện đến cơ quan cho vợ nhưng bất ngờ máy nàng tắt (bị hết pin), gọi vào máy cố định thì không có người trả lời vì cả phòng phải ra ngoài đột xuất.
Báo hại hôm đó bận việc nên 21h mới về. Chị vợ không gọi về báo, anh chồng vốn đang không có việc làm, bực mình bóng gió ghen tuông, lời qua tiếng lại và kết thúc là âm thanh ầm ầm đầy bất trắc, sau hai đôi mắt mang hình viên đạn còn có một ít máu đỏ trên cánh tay người chồng, vài chiếc ly vỡ và chiếc mặt gương tủ bị đấm vung vãi mảnh đày nhà cùng trang cáo trạng được công bố vào lúc nửa đêm mà mọi người bất đắc dĩ phải nghe.
Ngày hôm sau, với sự làm chứng của đồng nghiệp, cuộc chiến đã được khắc phục hậu quả, cô Mai sang quầy thuốc mua kem nghệ về xức vết thương cho chồng. Bà Hoàng nhìn theo lắc đầu, đúng là trẻ con, vợ chồng cứ như phường chèo.
Vợ chồng trẻ thiếu kiềm chế đã đành, bà Đào lại khác. Gần 60 tuổi rồi mà ông chồng cứ "thanh niên tính", thích gì không bằng thích quen các cô gái trẻ. Ông bảo, tuổi ông không hợp tuổi nào trong mười hai con giáp Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi chỉ hạp mỗi tuổi trẻ.
Căm lắm nhưng con cái lớn cả, ông lại làm giám đốc, trong khi bà không có nghề nghiệp gì, thôi thì đành chịu cho trọn kiếp. Nhưng mà vẫn căm. Thế là lúc có cơ hội bà đem bầu tâm sự trút với bà hàng xóm.
Không chỉ chuyện ông mê gái trẻ, chuyện ai đến nhà nhờ vả, ông nhận phong bao phong bì, nói theo ngôn ngữ của bà là tham ô tham nhũng ra sao đều được bà thống kê một cách chi tiết. Nhà ông bà kín cổng cao tường là vậy, cứ tưởng mọi chuyện kín đáo lắm nào ngờ như không có cửa. Cho đến một ngày, ông bị cơ quan điều tra triệu tập, nhiều người thở dài, giá mà ông bà biết đóng cửa bảo nhau.
Ai cũng biết, vợ chồng sống với nhau đa số đều có đôi lúc không thống nhất quan điểm, hiểu lầm... dẫn đến cơm không lành canh không ngọt. Để giải quyết xung đột là cả một nghệ thuật và cũng có rất nhiếu sách vở từ cổ chí kim đã dạy về điều này nhưng không phải lúc nào và ai cũng ứng dụng thành công.
Có cặp ầm ĩ luôn lại sống đến đầu bạc, có cặp mấy năm chẳng thấy to tiếng lần nào bỗng dắt nhau ra toà vì lý do không hợp. Nhưng dù gì cãi nhau mà làm ảnh hưởng đến hàng xóm là điều ai cũng không muốn.
Hình như cũng vì tâm lý này mà đôi lúc một trong hai bên khi thấy mình yếu thế liền lật ngược tình hình bằng cách rống to lên để đối phương ngại mà nín, coi như biến điểm yếu thành yếu điểm. Kết quả là không ít người lâm vào tình trạng trầm cảm, một vài người chọn cho mình lối thoát khác với một nhân tố thứ ba nào đó.
Có bất đồng thì phải tranh cãi, mà ở đời giận thường mất khôn. Vì vậy biết đừng để quá đà là điều may mắn lắm rồi. Tuy nhiên, như vợ chồng Thuần, cãi nhau chừng mấy vẫn không cho ai biết, chén bát vỡ, đang chì chiết nhau vậy mà khách đến ngay lập tức chàng mở cổng, nàng dọn bàn, chàng còn ngọt ngào, em ơi, cho anh ấm nước. Nhiều lần thấy mắt sưng mặt thâm vậy mà hỏi là vẫn một mực vấp chỗ này, đụng chỗ khác. Nhiều người lâu ngày biết chuyện bảo đồ giả dối, cứ đà ấy có khi chết không biết chừng. Nghe mà hãi.
Chính vì vậy, nghệ thuật để giảm nhiệt cuộc đàm phán, làm cho cuộc đối thoại không trở thành xung đột là điều khó nhất mà ai cũng muốn được sở hữu. Khi thấy cảnh vợ chồng chị Cúc hạ nhiệt được cuộc chiến một cách nhẹ nhàng như ở đầu câu chuyện tôi thán phục lắm nên hôm sau ngay lập tức sẻ sàng học hỏi kinh nghiệm. Nào ngờ chị ha ha mà rằng: Hôm đó ông chồng đang kể cho vợ con nghe một tình huống ban chiều, khi ổng đụng độ với một gã lạng lách xe còn già miệng định bỏ chạy.
Nhập vai quá, báo hại quá làm hàng xóm hiểu nhầm nên mới có đoạn đó chớ xung đột mà đã đến nước ấy thì tháo ngòi cũng khó, nên tốt hơn hết là phải phòng ngừa, giải trừ nguy cơ từ đầu. Tôi trộm nghĩ, có khi lại học tập vợ chồng ông Thuận cũng nên, nhập vai gì mà đến mức thót tim cả tổ trưởng dân phố, ai mà tin.
Nhưng rồi bỗng nhớ đế một chuyện của nhà mình: 4 giờ sáng, điện thoại reo, tiếng chồng tôi rõ mồn một trong không gian tĩnh lặng: "Chuyện đó sao cô lại hỏi tôi! Thế bây giờ cô muốn gì? Cô tự biết mình phải giải quyết thế nào rồi chứ?". Mười phút sau, chồng tôi dắt xa Win ra cổng đạp mạnh rồi phóng gấp.
Mẩu đối thoại trên được trích ra từ cảnh: một đại lý báo (nơi chồng tôi làm việc) yêu cầu hôm nay phải đặc cách cho chị ta nhận trước vì đã có thông tin nóng. Khi không được đáp ứng đã gây lộn với nhân viên phát hành ở nhà in và kết thúc là cuộc gọi điện đến như đã kể trên và chồng tôi cũng chỉ là đến trực tiếp giải quyết chuyện này.
Nhưng lúc đó là 4 giờ sáng, hàng xóm bị đánh thức, cuối tháng này họp tổ dân phố cố mà thanh minh. Nhưng ai mà tin, có khi còn bị phê bình nhà báo mà không biết đóng cửa dạy nhau là cái chắc.
(Theo Thanh Niên)