![]() |
Fatima Talbi với đơn xin việc sử dụng tên Pháp. |
Tự gọi mình là Catherine Lecomte trong đơn xin việc, Talbi - là người Pháp gốc Bắc Phi - nhanh chóng được mời phỏng vấn sau 2 lần bị từ chối với cùng một việc làm mà cô sử dụng tên thật của mình.
Chính câu chuyện này đã khiến một số người ở Pháp vận động cho một giải pháp chưa hề được thử nghiệm ở bất kỳ nơi nào khác: những đơn xin việc nặc danh. Ở nơi mà “tự do, bình đẳng và tình anh em” được khắc trên các đồng tiền kim loại, trường hợp của Talbi đang trở nên thường xuyên hơn, và sự phân biệt đối xử đối với các công dân Pháp gốc Ảrập, châu Phi và châu Á mở rộng sang những việc khác như tìm kiếm nhà ở.
Pascal Otheguy, phó cảnh sát trưởng vùng Rhone-Alpes phụ trách dự án của ANPE, nhìn nhận người có nguồn gốc nhập cư khó tìm việc hơn gấp 4-5 lần so với người gốc Pháp.
Cũng theo quan chức này, chỉ trong 10 năm nữa, khoảng 40% dân số Pháp sẽ nghỉ hưu, vì thế các công ty cần phải tuyển dụng nhiều người gốc nước ngoài hơn nữa. “Chúng tôi sẽ thử sử dụng sức mạnh kinh tế này để chống nạn kỳ thị”, ông nhấn mạnh.
Theo Người Lao Động, với sự kỳ thị rộng khắp như thế, các nhà phân tích cho rằng đơn xin việc hay sơ yếu lý lịch nặc danh sẽ không giải quyết được vấn đề. Mouloud Aounit, thủ lĩnh MRAP, một tổ chức chống phân biệt chủng tộc, cho rằng không ai dám chắc người đứng đơn xin việc nặc danh đó được tuyển dụng hay không nếu tên thật của anh ta là Mohammed và anh ta có màu da đen.
Sinh trưởng tại Pháp, Talbi được mời phỏng vấn vào tháng 10/2003 cho một vị trí kinh doanh bằng cái tên giả, nhưng không được tuyển dụng khi ông chủ biết nhân thân của cô. Dù hiện tại Talbi chưa có một công việc toàn thời gian nào, nhưng cô đã thề không đánh mất nhân thân của mình để đổi lấy một việc làm.