Vụ kiện đã được Dolce&Gabbana đệ trình lên tòa án dân sự Milan vào năm 2019 nhưng chỉ được công khai vào tuần này khi Diet Prada thông tin về vụ việc trên tài khoản Instagram của họ. Theo đó, Dolce&Gabbana đã kiện hai nhà sáng lập Diet Prada (Tony Liu và Lindsey Schuyler) vì họ đã khởi xướng một "chiến dịch bôi nhọ" bao gồm "hành vi phỉ báng nghiêm trọng và lặp đi lặp lại", gây tổn hại cho Dolce&Gabbana sau scandal coi thường văn hóa châu Á nổ ra hồi tháng 11/2018.
Scandal của Dolce&Gabbana nổ ra khi họ đăng video quảng bá cho show diễn mới ở Thượng Hải, trong đó một người mẫu châu Á sử dụng đũa để ăn món Italy. Dù đoạn video không có từ ngữ xúc phạm văn hóa Trung Quốc, nhiều người cho rằng video đã chế giễu, châm biếm và coi thường văn hóa châu Á thông qua biểu cảm của người mẫu. Sự phẫn nộ của người Trung Quốc được đẩy lên cao khi nhà thiết kế Stefano Gabbana trả lời một khán giả về video trên Instagram rằng: "Không có các người chúng tôi vẫn sống tốt", kèm biểu tượng phân.
Show diễn của Dolce&Gabbana tại Thượng Hải đã bị hủy bỏ sau phản ứng tẩy chay dữ dội đến từ người dân Trung Quốc, bao gồm các nhà bán lẻ, đại diện thương hiệu, người mẫu tham gia show và khách hàng VIP. Hai nhà thiết kế Domenico Dolce và Stefano Gabbana ban đầu nói rằng tài khoản của Gabbana đã bị tấn công và thực hiện video xin lỗi người dân Trung Quốc nhưng đến nay hãng vẫn không thể quay lại thị trường tiêu thụ hàng xa xỉ lớn nhất thế giới này.
Dolce&Gabbana yêu cầu hai nhà sáng lập Diet Prada bồi thường 450 triệu euro được chi để khôi phục hình ảnh thương hiệu kể từ năm 2018 và khoản thiệt hại 3 triệu euro cho công ty, 1 triệu euro cho Gabbana, người đã đưa ra những bình luận khiếm nhã về vụ việc. Dolce&Gabbana cũng yêu cầu được bồi thường 8,6 triệu euro cho việc hủy bỏ show diễn ở Thượng Hải, 8,6 triệu euro cho nhân viên và 89,6 triệu euro cho doanh thu châu Á bị mất từ tháng 11 năm 2018 đến tháng 3 năm 2019. Tổng số tiền bồi thường hãng yêu cầu lên đến 560 triệu euro (tương đương 600 triệu USD).
Đáp lại đơn kiện của Dolce&Gabbana, Lindsay Schuyler, đại diện Diet Prada cho rằng họ có quyền tự do ngôn luận và phát hiện, đăng tải thông tin về những hành vi sai trái.
Diet Prada là một nhóm giám sát thời trang hoạt động trên Instagram do chuyên gia trong ngành Tony Liu và Lindsey Schuyler thành lập năm 2014. Khi scandal của Dolce&Gabbana nổ ra, Diet Prada đã lên tiếng chỉ trích chiến dịch quảng cáo của Dolce&Gabbana, cho rằng nhà mốt phân biệt giới tính, chủng tộc, đồng thời đăng tải lại những nhận xét chống người châu Á lấy từ Instagram của Gabbana. Hiện Diet Prada có hơn 2,5 triệu người theo dõi trên Instagram và đã quyên góp được hơn 38.000 USD để chống lại vụ kiện của nhà mốt Italy.
Susan Scafidi, giám đốc Học Viện Luật thời trang tại Trường Luật Fordham, đơn vụ bảo vệ pháp lý cho Diet Prada cho biết: "Toàn bộ vụ việc này là một cách cố gắng bịt miệng Diet Prada, bịt miệng Tony Liu và Lindsay Schuyler".
Trong một tuyên bố chung, Liu và Schuyler cho biết họ sẽ không cho phép nền tảng của họ, vốn cũng đã lên tiếng về phong trào #MeToo, Black Lives Matter và các cuộc tấn công gần đây nhằm vào người châu Á ở Mỹ, im lặng trước các vụ kiện.
"Các nhân vật và thương hiệu của công chúng nên phản ứng lại những chỉ trích của dư luận và giới truyền thông bằng hành động tiến bộ, chứ không phải kiện tụng", Schuyler nói.
Sơn Nam (Theo AP)