![]() |
Phóng viên trong vai người đạp xích lô. |
Rồi đây khi những chiếc xích lô “hoàn thành nhiệm vụ” sẽ ra đi và mang theo đó những câu chuyện đầy mồ hôi, nước mắt của bao thân phận những người phu xe...
Người ta nói bất cứ ai không thể làm một nghề nào khác đều có thể ra chạy xích lô kiếm sống qua ngày. Và tôi đã thử một lần bước chân vào cái nghề “tận đáy xã hội” này để có cái nhìn cận cảnh một đời phu xe...
Ngày đầu “ra xe”
Thuê lại chiếc xích lô cũ ở khu chợ Gò Vấp (TP HCM) chỉ với giá 20.000 đồng/ngày, tôi chính thức trở thành một anh “phu”. Ông Nguyễn Văn Hà, người cho thuê xe, cứ dặn đi dặn lại: “Xích lô lụi, xích lô dù nên đừng vào bến, không có giấy tờ lận lưng thì chẳng có bến, công an phạt giam xe là chết đó nghen. Xe bị giam cũng vẫn tính tiền thuê ngày”.
Cũng theo lời người đàn ông từng có thâm niên gần 30 năm chạy xích lô này, đến 70-80% xích lô đạp ở TP HCM bây giờ đều là xe không có biển số, giấy tờ. Bởi vì ngoài một số lượng ít xích lô du lịch có đăng ký hoạt động chính thức, các xe còn lại không được phép hoạt động ở các con đường lớn, các khu vực trung tâm nên dân đạp xích lô chỉ chủ yếu chạy “dù” hoặc dạt ra khu vực quận ven mà hoạt động.
Cứ tưởng cái công việc “đạp vòng vòng kiếm khách” đơn giản lắm vì tôi hay thấy nhiều người lớn tuổi vẫn đạp xích lô kia mà. Vậy mà chỉ mới ngồi lên chiếc xích lô cao nhòng như con bọ ngựa, đạp thử vài vòng tôi đã đủ cảm nhận được cái nặng nề, mệt mỏi đến toát mồ hôi dù chưa phải chở thêm người, thêm hàng phía trước.
Ngày đầu tiên “ra xe”, tôi chạy từ Gò Vấp qua Bình Thạnh lên quận 1, xuôi Phú Nhuận, Tân Bình... suốt cả ngày mà chẳng một ai réo gọi “xích lô!”. Có vẻ dường như ai cũng ngại phải ngồi trên chiếc xích lô ì ạch, chậm chạp, lại còn phải chường mặt ra giữa thiên hạ trong bụi đường, nắng nôi thế này.
Ông Trần Văn Bài, một đồng nghiệp ngót nghét 60 tuổi, ái ngại: “Mới ra chạy xích lô mà cứ lòng vòng thì đói chết mày ơi. Không giống như xe ôm đâu, khách đi xích lô bây giờ chỉ chủ yếu dân đi mối, buôn bán ở chợ, ở sạp, chạy như mày có nước chuyển nghề xe ôm hay taxi đi”.
Nghe lời khuyên của ông Bài, hôm sau tôi đạp xe lên chợ Bà Chiểu để tìm mối. Đang lóng ngóng trên đường, tôi nghe gọi: “Ê, xích lô...”. Tấp vội xe vào vệ đường. Một bà sồn sồn mập ú cùng với hai cần xé trái cây to tướng, hất hàm, hỏi: “Về cầu An Lộc bao nhiêu?”. “Dạ... cho con xin hai chục”. “Cái gì? Tại thằng xích lô mối ho lao nhập viện chứ cần gì kêu mày, mười lăm ngàn đi không, tao kêu mày chạy mối luôn...”. Tôi vội vàng gật đầu vì sợ mất cuốc xe mở hàng và bà chủ hàng mối này.
Vác được hai cần xé to đùng lên xe, tôi đã lảo đảo cả người. Nhưng khi bà khách lên xe mới gọi là cực hình, bánh sau như muốn nhổng hẳn lên trời, tôi phải dùng hết “công lực” để ghìm càng xe lại.
“Chở nổi không, trai tráng gì yếu xìu vậy?”, bà quay lại ném cho một cái liếc mắt khinh khi. Tính ra cả cần xé và bà khách cũng nặng hơn trăm ký. Tôi gồng mình đạp từng vòng xe nặng nhọc mà cảm thấy con đường về An Lộc xa hơn cả Vũng Tàu, mồ hôi mồ kê tuôn đầm đìa ướt sũng cả quần lẫn áo.
Bà khách ngồi phía trước cứ lầm bầm nói nặng nói nhẹ về những “tật xấu” của giới xích lô, nào là “nghèo do làm biếng, đạp xe cứ như rùa bò, bao nhiêu tiền đổ vô rượu hết lấy sức đâu đạp...”. Xe dừng trước nhà bà khách, sau khi bảo tôi khuân mấy cần xé trái cây vào tận nhà, bà ném lên thùng xe đúng 15.000 đồng và lạnh lùng: “Mai khỏi chở, chạy gì chậm như rùa, yếu như mày trái cây tao thúi hết...”.
Cuốc xe đêm
Cả một ngày trời ê ẩm hết cả người mà chỉ kiếm được có 25.000 đồng. Một cuốc chở bà khách về Gò Vấp và một cuốc chở cái tủ quần áo to đùng từ Gò Vấp về Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức. Ông Bài an ủi: “Kiếm vậy mà còn than. Trẻ như mày thì nên kiếm công việc khác mà làm. Thời của xích lô qua rồi. Cùng cực lắm như tao mới chạy xích lô chứ ai muốn đeo bám làm gì với cái nghề này. Nói thiệt, tao cũng muốn đổi sang chạy xe ôm lắm nhưng tiền đâu mua xe, cà tàng như chiếc Honda 50 cũng bạc triệu, mà bây giờ khách đi xe ôm cũng kén xe lắm, xe tàng họ không đi đâu”.
Quả thật, giới xích lô bây giờ ít thấy ai trẻ. Đông nhất là những người đã ngoài 50 tuổi. Phần vì không có điều kiện chuyển nghề do tuổi tác, phần vì cũng đã quen với cái cỗ xe đã bao nhiêu năm là phương tiện kiếm cơm nên lại tiếp tục rong ruổi mưu sinh, mỗi ngày kiếm được 20.000 đồng đã là mơ. Ông Bài nói: “Được cái không cần đổ xăng, đổ xiếc chi hết, cứ nước lạnh đổ vào và cơm hai bữa là vẫn chạy tốt. Nhất là chạy xe đêm, khỏi lo công an bắt phạt vạ cũng khỏi lo nắng nôi chi cho mệt”.
Buổi tối, tôi đạp xe lên khu vực trung tâm thành phố. Những con đường “cấm xe xích lô” như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lai, Lê Lợi, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh... đã thấp thoáng bóng xích lô vừa đẩy, vừa đạp để tìm khách, nhất là khách tây. Nguyễn Văn Minh, một thanh niên hiếm hoi trạc tuổi tôi chạy xích lô ngay góc bên hông công viên 23/9, cho biết xích lô khắp nơi tụ hội về đây tìm khách cũng trên trăm chiếc, hi vọng có được những cuốc xe chở khách du lịch trong nước và nước ngoài đi dạo mát ban đêm.
Chạy xích lô đêm thì kiếm được khách nhiều hơn nhưng sự cạnh tranh cũng khốc liệt hơn. Khu trung tâm vẫn xảy ra những “cuộc hỗn chiến” tranh khách giữa cánh xe ôm với dân chạy xích lô và xích lô “ma” (không giấy tờ), với xích lô “cô hồn” (du đãng đạp xích lô để trấn lột, chở gái). Mà không chỉ vậy, cách đây hai tuần giới xích lô “ma” quận 4 đã tiễn đưa một đồng nghiệp tử nạn vì chấn thương sọ não do đâm vào cột điện bên đường để tránh một nhóm đua xe.
Gần 12h đêm, tôi đang đứng thở dốc sau một cuốc xích lô chở ông khách người Pháp từ đường Phạm Ngũ Lão về khách sạn trên đường Hai Bà Trưng thì có hai cô gái áo hai dây, trang điểm khá diêm dúa bước xuống đường gọi xe: “Ê, xích lô, về Hàng Xanh”.
Trời về đêm khá lạnh, đạp xe không mệt nhưng tôi cứ muốn tắt thở vì cái mùi rượu, mùi đủ thứ bầy nhầy mà hai cô gái say khướt vừa khóc lóc vừa nôn thốc nôn tháo ra cả thùng xe. Đến nơi, hai cô gái dìu nhau băng xuống đường, tôi gọi giật giọng: “Mấy em ơi, cho xin tiền xe…”. Một cô quay lại: “ĐM, hôm nay lốc rồi, mấy thằng đểu ép uống rồi hổng bo đồng nào, cho thiếu đi, hôm sau bù...”. Bóng hai cô gái trẻ mất hút vào con hẻm tối thui. Tôi đạp xe đi và thầm nghĩ: “Thôi, cũng phận người cùng khổ với nhau mà...”.
Quay về góc công viên 23/9 đã hơn 1h sáng, vậy mà Minh vẫn còn ở đó. Minh móc chai rượu đế treo bên hông xe mời tôi uống chia vui cùng với anh vì đêm nay anh “vô mánh” chạy được 40.000 đồng, dư chỉ tiêu 20.000 đồng... Đường phố nửa đêm về sáng đã vắng lặng, nhưng thỉnh thoảng lại xuất hiện bóng dáng những phu xích lô đang âm thầm “vét” những người khách cuối cùng trên phố...
Minh cười hềnh hệch: “Mấy đứa đi chơi đêm bị hư xe giờ này mà gặp xích lô mừng còn hơn bắt được vàng, chỉ có xích lô mới cõng được tụi nó về nhà thôi...”.
Cũng có một người chạy xe rất khuya, khuya nhất khu vực Ông Tạ hơn 10 năm qua. Chắt chiu từng đồng bạc lẻ, anh gửi về quê nghèo nuôi ba đứa con ăn học...
(Theo Tuổi Trẻ)