5h sáng, trên bến Ba Đình, quận 8, TP HCM, hàng chục công nhân Đội 7 đã tề tựu đông đủ với lỉnh kỉnh nào vợt, sào, liềm... trên tay. Tiếng hô “nhổ neo” của thuyền trưởng Ngô Tiến Quốc như muốn át cả tiếng máy tàu. Chiếc tàu sắt 24 sức ngựa lắc nhẹ, từ từ rời bến, một ngày “chiến đấu” với rác bắt đầu...
Đi theo “hộ tống” cho tàu là chiếc xuồng 5 sức ngựa, với nhiệm vụ vớt rác tại những hẻm hóc mà tàu lớn không vào được. Lúc này mùi hăng hắc của bùn non, mùi hôi của dòng nước đen ngòm dưới bến theo cơn gió thổi lan khắp mặt kênh, khiến người ta phải bịt mũi. Chuyền tay nhau điếu thuốc rít vài hơi cho đỡ lạnh, ông Quốc nói: “Hôm nay như vậy là trễ, nhiều bữa mình phải đi từ... 4h sáng. Làm nghề này phải theo con nước, nếu không tàu dễ bị mắc cạn do nước ròng...”. Vừa nói, thuyền trưởng Quốc tăng tốc cho tàu vượt qua đám cỏ dại, lục bình... đang dập dềnh trôi trên mặt nước.
Sau hơn 30 phút, con tàu tới điểm vớt rác trên dòng kênh Tẽ. Đứng trên boong, anh Tô Văn Lợi ra hiệu cho đồng nghiệp mở bửng, thả tấm lưới chặn từng đợt rác đang trôi cuồn cuộn và bắt đầu công việc. Sau những cú “xúc”, từng bụm rác ào ào rơi xuống boong tàu. Lợi giải thích: “Rác từ những hộ dân sống ven kênh rạch, của khách thương hồ... song nhiều nhất vẫn là của những hộ kinh doanh dừa trái, dọc hai bờ kênh”.
Trong lúc Lợi, Tài đứng trên tàu vớt rác, thì dưới chiếc xuồng đi theo “hộ tống”, anh Võ Quyền Hội và Phạm Tấn Đại cũng ra sức vớt lấy, vớt để. Chỉ trong vòng chưa đầy 20 phút, 6 cần xé dưới xuồng đã đầy ắp. Đang đứng trên thuyền, bỗng nhiên Lợi ngã “ùm” xuống nước, cứ tưởng anh bất cẩn bị té. Thuyền trưởng Quốc trấn an: “Rác lại quấn vào chân vịt nữa rồi!”. Vừa châm điếu thuốc, thuyền trưởng Quốc giục: “Mau lên Lợi! Nước ròng rồi”.
Ông Quốc nói: “Ngoài tiêu chuẩn phải biết bơi, sau một thời gian vào đội hầu như ai cũng biết nhìn con nước, nếu không lỡ “kẹt” lại thì lúc đó chỉ biết ngồi giữa sông phơi nắng và... ngửi sình”.
Vớt những mảng rác đặc quánh trên dòng kênh không làm cho anh em Đội 7 ngán bằng ngâm mình dưới làn nước vừa lạnh vừa bẩn để cắt cỏ dại bám rễ từng mảng lớn không thể vớt được. Mà đã lội trong rác thì chuyện đạp phải đinh, miểng chai, kim chích do dân nghiện vứt xuống kênh... xảy ra như cơm bữa, mặc dù khi làm việc mỗi người đều được trang bị đồ bảo hộ lao động như găng tay, ủng, khẩu trang. “Mỗi lần bị tai nạn, anh em đều được công ty cho đi chích ngừa, nhưng tâm lý ai cũng sợ liệu mình có dính phải... HIV?”, Lợi nói với nét mặt lo âu.
Anh em công nhân trong đội hay đem chuyện vớt phải xác chết kể cho vui lúc làm việc cực nhọc. Lần đó, anh Hùng vớt phải một xác người chết đã trương sình, mùi hôi thối nồng nặc. Lần đầu tiếp cận xác chết, Hùng hoảng quá tìm rượu lai rai để quên hình ảnh khủng khiếp kia. Xỉn rồi về nhà ngủ quên cả tắm, vợ anh chịu không nổi mùi rác bám trên người chồng nên đẩy ra cổng cho ngủ cảnh “màn trời, chiếu đất”. Tuy nhiên, việc bị vợ “địu” ra khỏi nhà vẫn không buồn bằng bị người yêu bỏ vì lý do làm công nhân... vớt rác! Anh Lợi tâm sự: “Trước đây mình cũng từng có người yêu. Quen được một thời gian cô ấy cứ đòi đưa về nhà. Nào ngờ sau lần đó cô ấy “biến” luôn vì người nhà “sơ hở” để cô phát hiện mình làm nghề vớt rác... “.
Theo Người Lao Động, thành lập từ năm 1998, Đội 7 chuyên vớt rác trên sông của Công ty Dịch vụ Công ích quận 8 hiện có quân số khoảng 60 người. Với thu nhập bình quân 1,2 triệu đồng/người/tháng, phải làm việc trong môi trường độc hại, phương tiện lao động còn thô sơ... nhưng kể từ khi thành lập đến nay, trong đội chỉ vài người bỏ việc. Thuyền trưởng Trần Văn Lý hơn 6 năm vớt rác trên sông đã chứng kiến rất nhiều cảnh “nhức mắt” như việc anh em công nhân vừa mới vớt xong rác, lúc quay tàu trở về thì thấy người dân ở đó “vô tư” quẳng từng bọc rác trước mặt mình. Thậm chí có hôm những anh em làm gần bờ còn bị xối cả thau nước bẩn hôi hám từ đầu đến chân. Những lúc như vậy vừa tức vừa giận nhưng cũng chỉ biết... nhìn nhau, rồi lẳng lặng quay tàu lại vớt chỗ rác người ta vừa quẳng xuống.
Anh Nguyễn Văn Tốt, Trưởng Phòng Kế hoạch - Môi trường Công ty Dịch vụ Công ích quận 8, cho biết: "Tuy chỉ phụ trách địa bàn gần 20 km đường sông (kênh Tàu Hũ, Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tẽ) thuộc các quận 1, 4, 7, 8 nhưng mỗi ngày Đội 7 vớt được từ 18 đến 20 tấn rác".
Nhiều lúc anh em Đội 7 chạnh lòng khi nghề của mình sống nhờ một bộ phận người dân thiếu ý thức. Nhưng nhìn con tàu oằn mình chở đầy rác cập bến ai cũng thấy vui khi dòng kênh giờ đã sạch hơn một chút...