Cực chẳng đã, bà K. đi vay nóng để trả cho ông H.. Đúng như lời hứa, ngày hôm sau, lũ cô hồn biến mất, nhưng trước khi đi, chúng còn xin bà vài “tê” trà nước.
Đã làm doanh nghiệp, nợ nần là chuyện thường tình. Thường tình hơn nữa là tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau, nợ nần dây dưa, thậm chí đánh bài xù. Giấy tờ, chứng cứ đầy đủ nhưng để đòi được nợ là cả một quá trình gian khổ, có trường hợp vô vọng.
Nếu không liên lạc được với những công ty đòi nợ thuê, họ sẵn sàng nhờ đến băng nhóm đòi nợ thuê xã hội đen nếu như tình trạng kinh tế của họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi những khoản nợ khó đòi.Chính vì thế mà trong sổ tay của không ít doanh nghiệp luôn ghi số của một công ty đòi nợ thuê hoặc trùm băng nhóm đòi nợ thuê để đề phòng bất trắc.
Anh H., một doanh nhân trong ngành xây dựng thuộc quận 7 đã bỏ gần 1 tỷ đồng vào một ngôi nhà, đến khi xây xong, chủ nhà cho anh biết mình bị vỡ nợ và hiện tại không có khả năng thanh toán. Con nợ là chủ một cửa hàng buôn bán thiết bị nội thất, 30 lần đến cửa hàng của anh ta, anh H cũng chỉ nhận được những lời hứa.
Anh H. cũng tính kiện, với những gì anh nắm trong tay, một vụ xử thắng nhất định sẽ xảy ra. Anh báo chuyện này với con nợ thì nhận được câu trả lời: “Bây giờ tôi không còn khả năng trả, anh cứ để tôi làm bao giờ có đủ tiền tôi sẽ trả cả vốn lẫn lãi, còn nếu anh kiện ra tòa, tôi bể, tôi đi tù anh cũng không nhận được một xu đâu”.
Lần thứ 31 anh đến, bảo vệ cửa hàng miễn phí gửi xe cho anh, và nói đây là “yêu cầu” của ông chủ. Anh H. nghe mà đắng miệng, con nợ của anh đã chắc rằng anh sẽ còn đến nữa.
Biết rõ, nếu mình tiếp tục đòi nợ kiểu này tốn rất nhiều thời gian vô ích, nếu kiện ra tòa thì sợ mất trắng. Anh H. đã rao nhờ đòi nợ thuê trên mạng. Mới vào nghề xây dựng hơn năm, đồng vốn chỉ đủ xoay vòng, qua vụ rồi bị kẹt vốn, anh H. còn phải è lưng lo trả nợ cho những chủ vật liệu xây dựng. Anh cho biết, mình sẵn sàng trả 40% cho ai đòi được nợ cho mình, dù 60% còn lại chỉ đủ tiền trang trải công thợ và tiền vật liệu xây dựng...
Khác với các công ty đòi nợ, với giới đao búa, khách hàng của chúng được gọi là chủ nợ và người bị đòi nợ là con nợ. Chúng có thể “hành” con nợ đủ kiểu, đủ bài cho đến khi con nợ “ói” ra tiền.
Sau khi dò hỏi từ các doanh nghiệp, đã nắm trong tay một vài số điện thoại được cho là “cứ gọi sẽ có người đòi nợ giúp”. Số đầu tiên tắt máy hoặc ngoài vùng phủ sóng. Số thứ 2 cũng thế. Đến số thứ 3 mới nghe trả lời, người nghe tự giới thiệu tên Hai Minh. Tôi vào thẳng vấn đề, kể rằng có người chị tại Cần Thơ cần đòi lại tiền của một chủ hàng tại TP HCM. Anh ta “OK” và hỏi lại: “Bao nhiêu?”
- “Dạ 1 tỷ”.
- Cho tụi anh 40%. Giá chung đấy.
Thấy khách vẫn lưỡng lự. Anh ta bớt xuống còn 30% gọi là để “quen biết”. Anh ta còn cho biết thêm: “Tại TP HCM này không nhóm nào hiệu quả bằng Hai Minh này đâu!?”.
Tôi hỏi thêm: “Nếu không đòi được nợ?”. Hai Minh cho biết, băng của y đã “ra tay” ít khi về không, nếu trường hợp xấu, chỉ phải trả... 20 triệu tiền trà nước cho anh em. Rồi Hai Minh hỏi thêm về con nợ, khi biết con nợ là chủ một doanh nghiệp, giọng y có vẻ vui lên và nói chắc lụi là sẽ thành công. Hắn còn khẳng định: “Ai chứ các doanh nghiệp ngồi lỳ một tuần là phải “ói” tiền ra thôi”.
Chiều ngày 1/8/2005, hai đối tượng là Nguyễn Trung Đạm (29 tuổi, ngụ tại Lê Văn Sỹ, quận 3) và Võ Quốc Kiệt (23 tuổi, quê Quảng Ngãi) bị Công an quận 3 bắt quả tang khi đang nhận tiền từ người nhà của ông Phan Đình Quân, Giám đốc Công ty ART.
Phan Đình Quân làm ăn chung với Thái Đức Quý và nợ Quý 600 triệu đồng. Do thấy khó đòi, Quý đã thuê Đạm và Kiệt đòi giúp. Hai tên đòi nợ thuê này đã rất nhiều lần đến Công ty ART và hù dọa sẽ “san bằng Công ty ART” nếu ông Giám đốc Quân không chịu trả nợ. Chúng còn nại ra lý do trễ nải của ông Quân, bắt ông Quân nộp cho chúng 2 triệu đồng tiền phạt, không được tính vào tiền trả nợ. Cực chẳng đã, ông Quân mới phải đi trình báo công an về băng nhóm đòi nợ thuê này...
Chuyện ông Quân ở quận 3 không bi kịch bằng chuyện ông Thức, giám sát công trình của Công ty Châu Thành, có trụ sở tại phường 14, quận Bình Thạnh, được giới doanh nhân lưu truyền như một “điển hình” của nạn đòi nợ thuê.
Năm 2003, Công ty Châu Thành nợ Công ty Hòa Bình của Phạm Quang Luân 100 triệu đồng tiền cát san lấp mặt bằng. Sau nhiều lần đến đòi nợ bất thành, Luân đã bàn với nhân viên Nguyễn Văn Tấn nhờ xã hội đen “giúp sức”. Luân liên lạc ngay với Phong “cô đơn”, một băng nhóm xã hội đen được coi là đòi nợ hiệu quả nhất quận Bình Thạnh.
Có thông tin cho rằng, Phong là một trong những chủ sòng bài dưới trướng Năm Cam. Khi Năm Cam bị bắt, Phong cũng xộ khám. Sau khi ra trại, ngựa quen đường cũ, y lại mở sòng bài và lập băng đi đòi nợ thuê.
Sau khi bàn bạc, chúng quyết định bắt cóc ông Ngô Thành Thức. Chúng chọn ông Thức vì ông là người giám sát các công trình, chúng tính nếu bắt ông Châu, Giám đốc Công ty Châu Thành, sẽ không có người trả nợ cho chúng. Phong cùng đàn em là Sang, Liêm, Quân cùng với chủ nợ Luân và Tấn xuống Cần Thơ để thực hiện mưu đồ. Trong băng của Phong “Cô Đơn” có Quân là người gốc Cần Thơ và em của Quân là Long đang cầm đầu một băng nhóm xã hội đen tại Cần Thơ.
Bắt được ông Thức, chúng nhốt ông Thức tại trụ sở công ty của Luân. Luân liên lạc với ông Châu nói về việc bắt ông Thức và đòi nợ, nhưng sau đó ông Châu đã tắt di động và trốn. Nghe thế, Phong “Cô Đơn” đòi Luân thanh lý hợp đồng bắt người đòi nợ, nhưng Luân chỉ đưa 2 lần hơn 11 triệu đồng. Không đồng ý, bọn Phong “Cô Đơn” đã đưa ông Thức về và yêu cầu gia đình ông... “bồi thường”. Lúc đầu thì chúng ra giá 20 triệu đồng, sau rút lại còn 10 triệu, cuối cùng là 5 triệu đồng.
Chưa hết, trước khi đi, Phong còn thuyết phục ông Thức thuê chúng “xử”... chủ nợ Luân, người thuê chúng đi đòi nợ với giá 50 triệu đồng để xù nợ. Ông Thức không đồng ý vì người nợ là ông Châu. Được thông báo địa điểm đòi tiền chuộc, Công an quận Bình Thạnh đã giăng lưới tóm gọn băng nhóm đòi nợ thuê này ngay sau đó.
Khi biết chúng tôi muốn tìm các băng nhóm đòi nợ thuê, có người đã cảnh báo: “Chơi dao có ngày đứt tay”. Trên thực tế, nhiều chủ nợ đã bị những băng nhóm đòi nợ thuê “hành” khổ không kém các con nợ. Như vụ Phong “cô đơn” gợi ý người ta thuê chúng xử cả người đã bỏ thiền thuê chúng trước đó. May là ông Thức không đồng ý, nếu không, ông chủ nợ Phạm Quang Luân dễ gì thoát khỏi cảnh “đứt tay”.
Một chủ hàng ở quận 10, sau khi thuê một băng nhóm đòi nợ thuê, nợ đòi không được dù băng này đã giở đủ “trò” hành con nợ, từ hù dọa, chặn đường đến đánh người. Con nợ không có tiền trả, bà chủ hàng cũng đành bấm bụng trả cho băng đòi nợ ít tiền trà nước, nhưng chúng không chịu, chúng bắt bà phải trả đủ 30% tiền mà con nợ thiếu như hợp đồng miệng giữa chúng và bà, nếu không bà sẽ biến thành... con nợ của chúng.
Giật mình, bà bấm bụng đưa thêm 1 triệu nữa và năn nỉ chúng bỏ qua. Hơn 1 tuần lễ, băng nhóm đòi nợ này “hành” bà đủ kiểu, từ ngồi lỳ ở cửa hàng cho đến hăm he, bà thì không dám báo chính quyền vì sợ chúng sẽ khui ra chuyện nợ nần. Bà chủ nợ đành phải móc ra thêm 5 triệu để tống khứ chúng. Thành ra tiền mất mà tật vẫn mang...
Ở nước ngoài, các công ty có dịch vụ đòi nợ thuê đã có từ rất lâu và con nợ sẽ là người thanh toán các chi phí cho các dịch vụ đòi nợ. Ở Việt Nam mới xuất hiện cách đây mươi năm, dịch vụ đòi nợ còn rất mới mẻ và nghiệp dư. Khác với giới dao búa, con nợ của dịch vụ đòi nợ được các công ty đòi nợ gọi rất “trân trọng” là khách nợ. Và lẽ dĩ nhiên đã là khách thì sẽ được đối xử đúng mực.
Tại TP HCM mới chỉ có một công ty tư nhân được Sở Kế hoạch - Đầu tư TP cấp giấy phép có chức năng đòi nợ (ở đây được gọi là thu hồi nợ): Công ty Nhật An nằm trên đường Trần Khánh Dư, quận 1, ra đời năm 1997 do một nhóm người làm... du lịch thành lập. Với tiêu chí không bao giờ xúc phạm con nợ, cách đòi nợ của các chuyên viên Nhật An chỉ là thuyết phục, nhẫn nại “ngồi đồng” thay chủ nợ.
Nổi tiếng sau vụ đòi nợ thành công hàng tỷ đồng cho Mobile phone, mỗi tháng Nhật An cũng có khoảng 15 hồ sơ. Nếu thành công, Nhật An sẽ “ẵm” khoảng 25 đến 30% giá trị hợp đồng, trước đó, khách hàng sẽ phải đóng một khoản phí “nhỏ” gọi là phí xác minh. Nhưng một doanh nhân tỏ ý nghi ngờ, nếu bỏ 20-30% số nợ ra thuê các chuyên viên của Nhật An hiệu quả đạt được bao nhiêu phần trăm...? Trong khi, nghiệp vụ của các chuyên viên đòi nợ bằng luật cũng chỉ là “thuyết phục” các con nợ, biện pháp cuối cùng là đưa nhau ra tòa, đơn giản như thế thì các chủ nợ xin tự đi đòi.
Các doanh nghiệp sợ phải “dây” đến giới xã hội đen, chính vì vậy, công ty thu hồi nợ nghiễm nhiên trở thành một cứu cánh cuối cùng, mặc cho sự nghiệp dư và cái giá trên trời từ sự “độc quyền” của nó. Dự thảo nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ đang được chính phủ xem xét. Hy vọng, với nghị định mới, hành lang pháp lý sẽ đủ rộng để ngành kinh doanh đầy nhạy cảm này trở thành chuyên nghiệp, nhiều công ty ra đời, hạn chế sự độc quyền, rủi ro và "khoảng tối" do các chủ nợ phải "dây" đến các băng nhóm xã hội đen...
(Theo Công An Nhân Dân)