![]() |
Dự án cao ốc văn phòng A&B trên đường Lê Lai, quận 1, TP HCM. |
Hơn 130 đại diện tại hội nghị các nhà đầu tư VinaCapital 2007, trong đó gần một nửa là những công ty chưa hề đầu tư vào Việt Nam, đã có mặt để tìm kiếm và thúc đẩy cơ hội đầu tư trên thị trường tài chính Việt Nam.
Ngay trong ngày đầu tiên, hầu hết nhà đầu tư đã bị "dội" bởi bài phát biểu của ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ông Konishi vẽ lên một bức tranh xám xịt về kinh tế Việt Nam, qua đó ông cho rằng cần có những thay đổi căn bản về nội lực.
Theo ông Konishi, một phần tài nguyên quốc gia và vốn của doanh nghiệp nhà nước không được sử dụng hiệu quả. Khoảng 95% doanh nghiệp nội địa có quy mô nhỏ và vừa, sức cạnh tranh yếu, đặc biệt thiếu hẳn ngành công nghiệp hỗ trợ. Chi phí vận chuyển một container từ TP HCM đi Hải Phòng trong một số trường hợp còn cao hơn xuất khẩu đi... Nhật. Đội ngũ kỹ sư, lao động lành nghề thiếu hụt trầm trọng. Cơ sở hạ tầng lại đang trong giai đoạn "lu bu", làm trì trệ sự phát triển của nền kinh tế.
"Không phải tôi vẽ lên bức tranh này để làm nhụt lòng quý vị. Ngược lại, tôi thấy lạc quan trước tình hình này, vì trước mắt tôi là một Việt Nam đang nỗ lực, chuyển biến hằng ngày, khác với một Việt Nam mà tôi biết vào năm trước, và chắc chắn năm sau lại sẽ thay đổi mạnh mẽ hơn", Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam nói.
Theo ông, Việt Nam đang làm tất cả để xây dựng những nền tảng căn bản nhất cho việc hấp thu nguồn vốn nước ngoài. Trong vòng 3 năm tới, ADB đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 4 tỷ USD, bằng cả 14 năm trước cộng lại.
Giám đốc Citigroup Việt Nam Charly Madan cũng cho rằng, Việt Nam cần cải cách chế độ lao động tiền lương, nâng cao khả năng giám sát các hoạt động của nền kinh tế và cải thiện quy trình làm luật để tạo ra sân chơi công bằng cho nhà đầu tư. "Tôi cho rằng đã đầu tư vào thị trường này, quý vị cần học chữ "nhẫn" để chờ nó phát triển", ông Madan khuyên.
Tâm điểm thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư khi bàn về cổ phiếu doanh nghiệp chính là đợt IPO sắp tới của Vietcombank. Theo ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành VinaSecurities, nhiều người từng dự đoán cổ phần của Vietcombank sẽ cao ngất ngưởng, trong bối cảnh giá cổ phiếu ngân hàng giảm 50-60% giá trị so với thời kỳ đỉnh cao, thì giá chào bán của Vietcombank chắc chắn sẽ được tính toán nằm trong khả năng chấp nhận được của đa số nhà đầu tư.
"Trong một vài tuần tới, Vietcombank sẽ công bố cổ đông chiến lược nước ngoài. Giá bán cho cổ đông này sẽ là một kênh thông tin quan trọng để các nhà đầu tư khác củng cố cơ sở cho việc ra quyết định của mình", ông Cana nói.
Các diễn giả cũng cho rằng, việc Chính phủ quyết định thực hiện IPO Vietcombank ngay trong năm 2007 sẽ tạo ra một cú hích mới cho thị trường chứng khoán. Bởi vì, theo họ, Vietcombank không chỉ là một biểu tượng cho những doanh nghiệp nhà nước hàng đầu được Chính phủ "dứt ruột" đem bán, mà còn thể hiện cam kết của Việt Nam đối với nỗ lực thúc đẩy cải cách và minh bạch hóa hoạt động của các doanh nghiệp.
Thêm 10 quỹ đầu tư nước ngoài Theo ông Fiachra Mac Cana, từ đầu năm đến nay, có ít nhất 10 quỹ đầu tư nước ngoài được thành lập để rót vốn vào Việt Nam. Các quỹ đầu tư hiện hữu cũng còn 30-45% lượng tiền mặt để chuẩn bị cho Vietcombank và các đợt chào bán cổ phiếu khác. "Năm 2008 sẽ tiếp tục là một năm bận rộn đối với tất cả nhà đầu tư tài chính đang hướng về thị trường VN", ông Mac Cana chia sẻ. |
(Theo Tuổi Trẻ)