>> Phần I: Trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi
Cuộc sống của vợ chồng chị Lan đang hạnh phúc. Cả hai anh chị đều làm nhân viên nhà nước và chuẩn bị đón đứa con đầu đời. Anh chồng công tác bên quân đội, còn chị làm kế toán cho một trường Tiểu học ở thành phố Bắc Ninh. Lấy nhau được mấy năm, chị mới có tin mừng nên gia đình chồng hân hoan đón đợi đứa cháu nội ra đời. Nhưng tai họa giáng xuống mái ấm của chị và chồng dày công vun đắp. Anh Quân bị AIDS chết, điều mà chị không thể ngờ được, một người như anh ấy lại bị mắc phải căn bệnh thế kỷ.
Chú chụp hình con nhé! |
Tạm gác chuyện đau lòng về cái chết của chồng, chị lẳng lặng đi kiểm tra thử và có kết quả dương tính. Đến lúc đứa con ra đời, một thời gian cũng mất vì bị nhiễm bệnh từ chị truyền sang. Cuộc sống dường như đi vào ngõ cụt, đã có lúc chị định tìm đến cái chết. Chị tâm sự: "Với một người đang có tất cả bỗng dưng không còn gì sẽ thế nào. Tôi như sụp đổ hoàn toàn, cơ thể tong teo còn gần 40 kg, nhất là lúc biết mình bị HIV".
Nhưng đau khổ qua đi, mặc cảm cũng không còn khi chị đặt chân vào trung tâm xin chăm sóc tự nguyện, làm mẹ nuôi cho những đứa trẻ không may mắn giống mình. Chị Lan kể: "Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết trên trung tâm có nhận nuôi các cháu bé nhiễm HIV bị bỏ rơi. Tôi đến trình bày nguyện vọng của mình với cô Phương, giám đốc trung tâm xin vào chăm sóc lũ nhóc ở đây". Chị rạng rỡ khoe, sau 2 năm làm việc ở trung tâm, sức khỏe được nâng lên, tăng cả trọng lượng, điều quan trọng nhất là tinh thần thoải mái vì được hòa đồng với những đứa trẻ giống như con mình.
Sao con buồn?! |
Hàng ngày chị Lan cùng với những "mẹ nuôi" khác chăm nom bữa ăn, giấc ngủ, thuốc thang cho các con tại trung tâm. Trong đám trẻ, cháu Lê Anh Duy là đứa trẻ chị chăm nom đầu tiên lúc cháu bị bệnh nặng nằm điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Có những đêm chị phải thức trắng theo dõi diễn biến bệnh tật của con để báo cáo lại cho các bác sĩ.
Thời gian "công tác" ở đây, gia đình chồng và bố mẹ đẻ chị Lan cũng thỉnh thoảng lên thăm nom. Mỗi người cho ít tiền để chị chi tiêu với cuộc sống trong trung tâm. Điều này an ủi phần nào tinh thần người đàn bà còn đang ở giai đoạn xuân sắc (28 tuổi). Chị khoe: "Năm nay em được cô giám đốc cho nghỉ phép về quê ăn Tết cùng gia đình. Lâu rồi không được gần gũi họ, em nhớ lắm nhưng xa lũ trẻ ở đây, em cũng không vui".
Cùng xin vào tự nguyện làm mẹ nuôi có trường hợp của chị Tuyết, quê ở Tuyên Quang, năm nay 42 tuổi. Điều khá trớ trêu là chị xin vào trung tâm để chăm sóc đứa con trai thứ hai lên 5 tuổi. Hỏi chuyện hoàn cảnh gia đình, chị khá rụt rè vì sợ ảnh hưởng đến cậu con lớn đang học cấp 3 trên quê. Nhưng chị cũng cho biết, về Ba Vì, Hà Tây, hai mẹ con chị phải "lén lút" đi vì sợ hàng xóm biết.
3 mẹ con cùng ngồi xích đu chơi. |
Chồng chị Tuyết là lái xe tuyến Tuyên Quang-Hà Nội bị chết bởi AIDS, mắc phải trong một lần quan hệ với gái mại dâm. Đi kiểm tra, cả 2 mẹ con cũng đều lây bệnh từ chồng. Giấu giếm mãi, nghe qua báo đài, chị đưa con trai vào trung tâm để điều trị. Hàng ngày được gần con, thấy con chơi đùa khỏe mạnh (cháu Tùng dùng thuốc ARV của quỹ Bill Clinton) chị vừa vui, vừa xót xa. Chị trông đứa con cười nói mà rơi nước mắt. "Tôi sinh cháu muộn nên mới ra nông nỗi này. Đẻ cháu ra cách anh nó hơn chục tuổi, nếu đẻ sớm chắc con tôi không...", chị bỏ lửng câu nói.
Ngoài nhiễm HIV, chị Tuyết còn bị bệnh lao nên lúc nào cũng mang khẩu trang. Muốn cười với con đẻ và các con nuôi, chị phải đứng xa hoặc cười khùng khục sau cái khẩu trang. Chị tâm sự: "Công việc ở đây đối với tôi là mãn nguyện. Con trai tôi may mắn hơn những đứa trẻ khác mắc bệnh giống cháu là có mẹ bên cạnh. Nhưng vào trung tâm, mọi buồn vui tôi đều chia đều cho tất cả các con tôi".
Hiện trung tâm y tế chăm sóc trẻ có 19 nữ học viên được nhận làm "mẹ nuôi". Các chị đều là bệnh nhân có bệnh HIV. Sau khi hết thời hạn lao động giáo dục bắt buộc ở trung tâm, những học viên nữ này đã xin ở lại làm công tác chăm sóc trẻ cùng với các cán bộ y, bác sỹ chính. Lương hàng tháng, mỗi "mẹ nuôi" được nhận khoảng hơn 400.000 đồng, số tiền chi phí cho ăn uống không đủ nhưng điều đó không quan trọng, ý nghĩa hơn là mỗi cá nhân thấy tư tưởng thoải mái.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.
Quang Việt