Tạ Thu Thủy
(Cuốn sách của tôi)
Khi đứng trước những kệ sách đầy ắp trên hiệu sách trung tâm, tôi bỗng nhớ lại lời của một người bạn văn, tính tình hơi cổ: "Văn chương bây giờ lạ thật, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ gồm ba thứ: những kẻ thích nổi loạn, những triết lý trẻ con nhưng cứ tưởng mình lớn lắm và... sex. Cứ như thể cuốn truyện nào cũng phải cho chút tình dục vào mới thành truyện". Mới đầu cầm đến Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường, tôi "à há", lại là một tác phẩm nằm trong "con số ba" kia đây. Nhưng vì tò mò, vì giác quan thứ sáu hay vì một lý do nào đó mà chính bản thân tôi cũng không thể lý giải, tôi mang cuốn sách nhỏ bé ấy ra quầy thanh toán.
Khi viết xong cái tựa đề: "... sau sex là tình yêu", tôi bật cười. Không buồn cười sao? Người ta gặp nhau, quen nhau, yêu nhau và ngủ với nhau, đằng này vừa gặp đã lôi nhau lên giường, làm chuyện ấy chán chê, mê mỏi rồi mới nghĩ: "Hình như mình yêu người ấy". Nhớ ngày còn bé, mẹ tôi hay dặn đi dặn lại: "Phải cẩn thận nhé, không bao giờ được ngủ với bất kỳ đứa nào trước khi cưới, không là chết đấy. Hỏng hết đấy!". Mẹ tôi mà đọc Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường, chắc chắn ngất ngay từ trang thứ ba. Nói vậy để độc giả có thể hình dung ra mật độ sex dày đặc trong vỏn vẹn 133 trang bé xíu. Thế nhưng cuốn sách nhỏ của Yamada Amy không chỉ có vậy.
Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường là chuyện tình của Kim - một ca sĩ quán bar, người Nhật, với chàng lính da đen đào ngũ Spoon. Câu chuyện tình nhơ nhớp của hai kẻ dưới đáy xã hội, tràn trề tình dục, bạo lực, ma túy, trong một thế giới hỗn loạn của những căn phòng bẩn thỉu, của mùi mồ hôi nồng sực, của những tiếng chửi bới tục tằn, của những kẻ sống không quy luật, không ranh giới.
Có thể nói tất cả những gì điên rồ nhất và gây lợm giọng nhất đều được miêu tả chân thực và hết sức trần trụi trong Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường của Yamada Amy. Thế nhưng, trong tất cả những thứ bẩn thỉu đó, tình yêu bỗng lóe lên bất ngờ như một điểm sáng tuyệt đẹp.
Đã bao lần những độc giả yêu sách cười rồi khóc trước những tình yêu trong sáng, ngọt ngào, nhiều bi kịch trong những tiểu thuyết tình yêu kiểu kinh điển. Chàng yêu nàng, nàng cũng yêu chàng, họ chung thủy chờ đợi, vượt qua bao gian nan, thử thách, vượt qua định kiến xã hội, vượt qua sự ngăn cấm của gia đình để đến với nhau... Yamada Amy không viết về một tình yêu như thế. Cô cho độc giả thấy rằng tình yêu không chỉ hiện diện nơi những chàng trai nghèo chăm chỉ, những cô gái trong sáng ngây thơ, những người đàn bà khát khao hạnh phúc hay những người đàn ông chững chạc luôn là bờ vai tin cậy cho vợ cho con...
Tình yêu cũng có thể cháy lên trong trái tim của cô Kim - ca sĩ quán bar nghiện ma túy, sống buông thả, lấy đêm làm ngày và thường dùng chung người tình với Maria - người cô ta coi như đàn chị. Tình yêu cũng có thể tồn tại trong Spoon, tên lính Mỹ da đen đào ngũ, tưởng như chẳng bao giờ biết suy nghĩ cho ra tấm ra món, phải cần đến một chiếc thìa để khẳng định sự có mặt của chính mình trong cuộc đời.
Tôi rất tin rằng nhiều người sẽ nhăn mặt trong những trường đoạn kể về những ngày trụy lạc, làm tình và hút cần sa liên miên của hai nhân vật chính. Nhưng nếu các bạn không bị "đánh gục" bởi những điều đó, các bạn sẽ để ý thấy Kim tìm cách nói dối Spoon về vết tím trên ngực mình. Cô không muốn anh ta biết mình lỡ đi với người khác. Kim cũng khóc, cũng đau khi thấy người tình thô lỗ của mình ngủ với Maria - kẻ muốn chiếm hữu cô và cả những gì thuộc về cô. Và Spoon, sau khi cạn hết ly gin với chiếc khuyên tai của Kim trong đó đã thành thật thú nhận: "Anh đã hiểu ra rằng đối với anh, em giống như tấm chăn của Linus".
Phải chăng đó chính là tình yêu? Đúng, đó là tình yêu, nguyên sơ và đúng nghĩa nhất của cái từ được coi là rất thiêng liêng và cao quý ấy. Và hẳn là nếu còn chút nghi ngờ nào thì nó cũng sẽ hoàn toàn biến mất khi độc giả đọc đến đoạn cuối, khi Spoon bị bắt vì tội âm mưu bán những tài liệu tuyệt mật của quân đội.
Nếu bạn không tin rằng mình có thể khóc vì một thứ "được gọi là tình yêu" của hai kẻ sống bằng rượu, tình dục và ma túy thì bạn hãy tin đi. Giây phút chia lìa ấy cũng đau đớn và đáng xúc động như tất cả những chuyện tình khác dù vẫn không thiếu đi những từ ngữ tục tĩu, đậm mùi xác thịt.
Tôi không biết cách và cũng không muốn làm phép so sánh tác phẩm khác thường của Yamada Amy với những cuốn sách văn học kinh điển khác nhưng chắc chắn đó không phải là một cuốn sách rẻ tiền, câu khách bằng tình dục. Đó là một cuốn sách xứng đáng được "ở trên giường" vào mỗi tối, trước khi đi ngủ, để mỗi chúng ta vẫn tin rằng: "Sau sex là tình yêu".