Ông Xẻ, một thợ khóc có tiếng ở đất Cảng. |
“Ới bà ơi tôi với bà trong đạo xứng tùy
Sống thì gửi thịt, chết thì gửi xương
Gió sầu trăm thảm ngàn thương
Từ nay hai ngả âm dương cách rời í ì i”.
Người đàn ông luống tuổi mắt ngấn nước, vừa đứng cạnh chiếc quan tài vừa khóc nấc lên. Tiếng khóc thảm thiết cộng hưởng với tiếng của dàn nhạc bát âm vang lên trong đêm khuya tĩnh mịch nghe não nề, thê thiết, tưởng tan nát cả cõi lòng. Mới nghe tiếng khóc tử biệt ấy, khách lạ nghĩ ngay rằng người đàn ông ấy đang khóc vợ. Thế nhưng người nằm trong quan tài kia lại chẳng phải người thân, cũng chẳng phải ruột thịt gì với ông ta. Đơn giản vì ông là người khóc thuê đang hành nghề.
Trước đây, khóc thuê là một nghề khá phổ biến, từ chốn thôn quê cho đến thị thành, khi có người thân mất, người ta chỉ cần bỏ ra một chút tiền là thuê ngay được một người khóc mướn. Chẳng hiểu vì định kiến xã hội hay là do bị chính quyền ngăn cản mà nghề này ngày càng mai một, tưởng đã chuyển thành một thứ kỷ niệm “vang bóng một thời”.
Về Kiến Thụy, Hải Phòng, biết đến những phường khóc thuê với “quân số” được tổ chức chặt chẽ, mang tính chuyên nghiệp cao, chuyên đi hành nghề ở tứ xứ. Nếu có việc cần, chỉ một cú phone, một dòng địa chỉ là đội quân ấy quần áo, đàn nhị xênh xang tới liền. Thường thì việc khóc thuê diễn ra sau khi phường bát âm đã tấu dạo đầu vài bản nhạc sầu thảm.
Nghề khóc là một công việc rất kén chọn người, không phải ai muốn theo là có thể trở thành một “khóc công”.
Ông Nguyễn Văn Xẻ, một thợ khóc lâu năm ở xã Hòa Nghĩa cho chúng tôi biết: Ông bắt đầu vào nghề từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Ngày đó số người khóc thuê ở Hòa Nghĩa tương đối đông, có đến 14, 15 người, nhưng nó cũng chỉ mang tính nghiệp dư, gọi là tình làng nghĩa xóm, giúp nhau rồi trả bằng cơi trầu, bao thuốc và vài đồng bạc lẻ uống rượu mà thôi. Việc vào nghề khóc của ông Xẻ khá tình cờ. Sau khi người vợ của ông qua đời, vài sào lúa không đủ ông trang trải việc gia đình, nghề nghiệp phụ thì không có nên ông Xẻ đã “đánh liều” xin vào ban kèn đám của thầy Khang cùng thôn. Thời gian này trong ban kèn thầy Khang cũng có hai thợ khóc nghiệp dư kiêm luôn việc kèn trống. Lâu dần ông Xẻ cũng thử học khóc và được sư phụ Khang giúp đỡ rất nhiệt tình. Thật bất ngờ, sau khi được sư phụ “luyện chưởng”, học từng lang, từng lớp các bài khóc đó ông Xẻ mới phát hiện ra mình có... khiếu khóc.
“Không phải ai cũng có thể khóc được mà trước hết là phải cả tiếng, dài hơi, giọng thảm và đặc biệt lại phải có tài biến báo. Khi thuê mình về khóc hộ, gia chủ đưa ra một cái “sườn” nội dung muốn... khóc, người khóc mướn phải linh động ứng tác thành bài, thành bản khóc sao cho cho thật hay và thê thiết. Khóc mãi cũng thành quen, lâu dần thành bài, thành vở, chỉ cần người thuê nói qua một chút là khóc được ngay, mà khóc để đến nỗi người qua đường nếu nghe thấy cũng phải động lòng trắc ẩn, cũng phải rơi lệ. Kể cũng lạ, khi bà nhà tôi qua đời, muốn khóc lên một tiếng không được, vậy mà sau đó tôi lại trở thành người đi khóc thuê có tiếng ở đất Cảng” ông Xẻ tâm sự.
Với kinh nghiệm của hơn 20 năm trong nghề khóc, ông Xẻ bảo khóc thuê là một công việc rất vất vả, thậm chí chẳng kém... cày ruộng là mấy. Anh dân cày được ăn no, cày xong thửa ruộng là về nhà phủi tay lên giường ngủ khì. Anh thợ khóc thì chẳng những không được ăn mà cứ đến giờ người ta lên giường thì mình mới hành sự.
Người khóc thuê do đó ngoài việc phải có khiếu ra, cũng cần có một sức khỏe tốt, bởi công việc chủ yếu diễn ra vào ban đêm, ăn uống thì chỉ chập chuội bát cháo, cái bánh đa mà khóc sà sã cả chục bài thâu đêm thì hao sức lắm. Được cái bây giờ cát-xê của mỗi bài khóc khô (khóc không nước mắt) được 5.000-7.000 đồng, khóc ướt (khóc có nước mắt) khoảng 10.000 đồng chưa kể tiền gia chủ “bo” nếu khóc hay, người khóc mướn mỗi tối cũng thu được cỡ 50.000-70.000 đồng.
Theo lời giới thiệu của ông Xẻ, tìm đến nhà anh Thiện. Anh Thiện là người thôn Tân Phong, mới 39 tuổi, nhưng anh đã có thâm niên trong nghề khóc được 20 năm.
Khi đến nhà, anh Thiện vừa đi Quảng Ninh về, nhưng lại bận bịu vì có mấy đám ở Đồ Sơn anh đã hẹn từ trước. Nhìn người đàn ông có vóc dáng to cao, ăn nói rất lưu loát, lại hay cười này trông hệt như một doanh nhân thành đạt, thật khó có thể đoán đây lại là một thợ khóc nức tiếng cả huyện, cả thành phố Hải Phòng.
Tiếng khóc của anh từng làm cho nhiều người nghe cũng bật khóc nức nở bởi giọng thảm thiết, bởi “cái tình” mà anh gửi vào trong đó sâu nặng lắm. Cái tài của anh Thiện là khi khóc anh hay lồng những cống hiến, công trạng của người mất vào bài.
Ví dụ như khóc về một người cha thì anh hay kể lể những vai trò trụ cột của họ, khóc về người vợ thì kể nết đảm đang, chiều chồng thương con, khóc về người con thì kể đức hiếu thuận.
Anh Thiện có được “chiêu” khóc độc đáo này nhờ có sư phụ Đón, một thợ khóc nổi tiếng Hải Phòng trước kia (nay thành người thiên cổ) truyền nghề một cách tâm huyết trong nhiều năm ròng...
Trong khi nhiều thợ khóc khác luôn rỗi rãi vì không có việc làm, thì anh Thiện lại bận bịu suốt ngày suốt tháng với những lời mời khóc thuê.
Anh Thiện bảo: “Khi xuất hiện băng casste thâu tiếng khóc nhiều người đã tưởng nghề khóc thuê đã tiệt diệt. Thế nhưng máy móc làm sao thay thế được con người. Băng casste thì chỉ có khóc một kiểu, một nội dung khô cứng chứ không thể thay đổi, biến báo hay như con người được. Mà khóc bằng băng casste có khi bị... nhầm băng, bị... mất điện. Gặp hoàn cảnh ấy thì đến gia chủ cũng phải “khóc dở, mếu dở”. Thợ khóc chúng tôi sống được nhờ nghề là vì thế”.
Người Việt Nam có quan niệm công bằng rằng, người chết cũng như người còn sống, đối xử tốt với họ thì sang thế giới bên kia họ sẽ phù hộ cho mình, cho những người còn sống. Vì vậy, có càng nhiều tiếng khóc, sẽ càng chứng tỏ được lòng tiếc thương của người còn sống. Thế nhưng liệu linh hồn người chết có được thanh thản khi biết được rằng tiếng khóc đưa tang mình được mua bằng tiền, rằng cũng chỉ vì muốn khoe mẽ với thiên hạ mà con cháu mình thuê thật nhiều người khóc?.
(Theo Công An Nhân Dân)