![]() |
Công Vinh là cầu thủ được quan tâm nhất hiện nay. |
- Không đầy hai năm trước, mỗi khi nhắc đến Công Vinh, người ta thường nói đến như là một cái bóng của Văn Quyến, anh nhận xét gì về điều này?
- Đó là thực tế. Tôi chẳng buồn vì chuyện ấy. Bóng đá là vậy, một khi người ta luôn nhớ đến cú lắc bóng uyển chuyển, cú đá phạt lá vàng rơi mang nhãn hiệu Văn Quyến thì những cầu thủ đi sau như tôi phải chấp nhận bị so sánh.
- Bây giờ, khi Quyến đang rơi vào vòng lao lý và bị VFF treo giò, còn Vinh là sự lựa chọn số một trên hàng tấn công của tuyển Việt Nam. Anh cảm thấy như thế nào khi "vượt qua" hình ảnh Văn Quyến?
- Bốn năm, tôi đã có hai Quả bóng Vàng, chỉ còn kém anh Huỳnh Đức nữa thôi. Tôi không phủ nhận mình đã được trao cơ hội khi Văn Quyến lỡ bước. Nhưng cơ hội chỉ là một vận may chứ không quyết định được tất cả. Tôi đã nắm lấy cơ hội và chơi hết mình để tận dụng nó. Tôi đã vắt kiệt sức lực, cống hiến cho SLNA và tuyển quốc gia. Một khi sự cống hiến của tôi đã tạo ra được thành quả nhất định, tôi nghĩ mình tự tin không còn bị cái bóng của Văn Quyến ám ảnh.
- Về chuyên môn, anh so sánh thế nào về mình và Văn Quyến?
- Khi Văn Quyến còn thi đấu, tôi coi chính Văn Quyến là cái đích mà tôi phải phấn đấu để bằng mọi cách san bằng về đẳng cấp rồi vượt lên. Điều đó khiến tôi giàu động lực phấn đấu hơn rất nhiều. Văn Quyến lúc này đang lỡ bước, nhưng đó là một tài năng bóng đá bẩm sinh.
Lúc còn thi đấu, Văn Quyến có thể tập lớt phớt, càng ít tập càng đá hay, bởi Văn Quyến có cái khiếu bẩm sinh. Còn tôi, chỉ có một chút tài năng thôi và nếu không có sự khổ luyện thì vứt đi. Tôi tự biết khả năng của mình, vì vậy tôi không thể đá hay nếu không tập luyện cẩn thận.
- Khi Văn Quyến còn thi đấu, có thông tin cho rằng anh đã chán nản muốn từ bỏ tuyển quốc gia. Anh bình luận gì về điều này?
- Đó là ở SEA Games 23. Không hiểu tại sao lúc ấy, tôi lại bị coi là người thừa trong đội hình của HLV Riedl. Có một chút không công bằng ở đấy, bởi trước khi đội U23 Việt Nam sang Philippines thi đấu, tôi đã là tiền đạo chơi hay và ổn định nhất trong chuyến tập huấn tại Áo.
Lúc ấy, phong độ của Văn Quyến và Thanh Bình đều không thể tốt như tôi được. Ấy vậy mà tôi vẫn bị chôn chân trên ghế dự bị, thế nên tôi đã rất buồn và có ý định không cống hiến cho tuyển nữa. Nó đơn giản là sự tự ái nghề nghiệp chứ không phải do mắc bệnh sao.
Cũng may là sau đó, ông Riedl đã nhìn lại khi chứng kiến tôi tập luyện kiên nhẫn và có phong độ như thế nào. Và tôi có suất trong đội hình đá chính, bởi tôi xứng đáng với vị trí đá cặp cùng Văn Quyến khi Thanh Bình chơi không tốt ở giải đấy.
- Chôn chân trên ghế dự bị, đấy là cực hình của mỗi cầu thủ. Ngoài điều đó, anh còn những cay đắng, tủi hổ nào trong đời cầu?
- Nỗi khổ chỉ thuần túy chuyên môn. Còn nỗi cay đắng, tủi hổ nhất mà một cầu thủ như tôi phải chịu đựng là những sự dèm pha, mắng mỏ của dư luận.
- Anh nhận xét gì về tin đồn mình cũng "nhúng chàm", giống như một số đồng đội cũ ở SLNA là Văn Quyến, Quốc Vượng?
- Tôi là cầu thủ thế nào, chắc người ta phải biết chứ. Tiền quý thật, nhưng tôi không dễ gì bán rẻ danh dự để đánh đổi. Vả lại, tôi ý thức được rằng, mình đá bóng là phải cống hiến hết mình, trước là cho đội bóng, sau là đánh bóng thương hiệu cho chính cá nhân mình. Có thương hiệu là có tất cả, chứ đâu phải vì một vài đồng bạc trước mắt. Bởi vậy, đôi khi tôi thấy bóng đá và nghiệp cầu thủ thật bạc bẽo.
- Trong gần 5 năm chơi bóng đỉnh cao, thời điểm nào anh thấy nghề cầu thủ bóng đá bạc bẽo nhất?
- Lương ở SLNA của tôi vẫn thấp. Nhưng một cái xe máy, liệu có đáng để tôi đánh đổi và lẽ nào tôi không mua nổi một xe máy để tặng bố? Nhưng sự đồn thổi ấy, chẳng là gì cả. Thời điểm tôi cảm thấy nặng nề nhất, bạc bẽo nhất chỉ cách đây vài tháng. Người ta cứ nghĩ, tôi đá hay ở tuyển và đội Olympic thì phải hạnh phúc chứ. Nhưng nói thật, thời điểm đội Olympic đá tốt bao nhiêu thì đấy cũng là lúc tôi phải nhịn nhục, cắn răng mà đá.
Hai năm qua, tôi đá liên tục, hết SLNA lại đến tuyển và đội Olympic. Đến cái máy còn hỏng chứ nói gì con người. Vậy mà khi trở về SLNA đá V-League 2007, tôi bị chửi rủa không thương tiếc.
Người ta chửi cầu thủ chúng tôi nhận lương cao, có xe hơi, nhà lầu nhưng không biết điều. Sau trận SLNA - Hòa Phát ở lượt đi V-League, người ta rải truyền đơn ngay tại CLB SLNA chửi tôi rằng "Quả bóng Vàng bị đui,và thằng Công Vinh sẽ lại đi tù như người thân của nó...".
Lúc ấy, tôi cảm thấy đời cầu thủ sao cay đắng, xót xa thế. Khán giả chỉ cần mua một tấm vé giá 15.000 đồng, thế là vào sân được chửi rủa, được hạ nhục cầu thủ và cả gia đình của cầu thủ nữa sao? Và chính thời điểm ấy, tôi đã viết đơn xin nghỉ đá bóng. Tôi đã khóc vì thấy cuộc đời cầu thủ cay đắng, bạc bẽo quá.
Chúng tôi nhận lương cao ư? Có ai hiểu để nhận được bằng ấy tiền, một cầu thủ như tôi đã phải chấp nhận một cuộc sống như cỗ máy. Hàng ngày, chúng tôi tập luyện, thi đấu, bán sức và mồ hôi, thậm chí cả máu nữa. Xót xa và cực nhọc lắm chứ.
- Anh đã viết đơn xin nghỉ đá. Vậy điều gì níu giữ anh ở lại với sân cỏ?
- Tôi có một người bạn thân ở SLNA, và chính anh ấy khuyên nhủ tôi không được chùn bước. Tôi phải ở lại để chứng minh những điều người ta sỉ nhục tôi không phải là sự thật.
- Hiện ở SLNA, người ta nói đến việc chảy máu tài năng, và anh là người được định giá cao nhất, cỡ 3-4 tỷ đồng. Sau sự tủi nhục mà anh phải chịu đựng khi chơi bóng cho SLNA ở V-League 2007, anh có nghĩ đến chuyện ra đi ngay ở V-League 2008?
- Tôi còn một năm hợp đồng với SLNA và tôi tôn trọng nó, dù nói thật, có đến 2/3 đội bóng ở V-League đã tiếp xúc để dạm hỏi tôi về đầu quân. Tất nhiên là nếu tôi đồng ý thì sẽ có rất nhiều tiền. Nhưng mỗi lần tôi nhận được đề nghị, tôi nói là cứ hỏi thẳng SLNA, nếu CLB không còn cần thì tôi sẽ đi. Tôi hiểu giá trị của mình và tôi muốn cống hiến năm cuối cùng trong bản hợp đồng với SLNA thật trọn vẹn.
- Còn sau đó anh tính sao?
- Tôi muốn ra nước ngoài thi đấu. Làm cầu thủ, tôi khát khao được cống hiến và chứng tỏ khả năng của mình. Tôi đã nghĩ đến điều này vài năm trước khi được Kiatisuk khuyên nhủ trong một lần gặp gỡ ở Thành Long. Kiatisuk nói với tôi: "Muốn phát triển sự nghiệp thì phải đi, đừng bó hẹp vào không gian chật hẹp của bóng đá Việt Nam". Một lời khuyên như vậy, tôi đâu bỏ ngoài tai được. Tôi muốn chứng tỏ rằng, cầu thủ Việt Nam có tài chứ đâu phải bóng đá Việt Nam chỉ biết nhập khẩu cầu thủ ngoại.
- Vậy đích nhắm của anh là nơi nào bên ngoài V-League?
- Malaysia. Trước đây, ông Darby (cựu HLV trưởng đội nữ Việt Nam) đã dạm hỏi tôi sang đầu quân chơi cho đội bóng của ông ấy tại M-League. Cỡ tiền đạo như Bambang (Indonesia) còn chơi được ở đấy, tại sao tôi không chơi được. Ở Nhật, tôi thấy sức mình chưa đủ đá J-League, nhưng hạng Nhất thì tôi tin mình đá tốt. Tôi sẽ đi vì muốn mở mang đầu óc chứ không phải vì tiền. Chính ông Riedl cũng khuyên tôi: "Nếu một CLB nước ngoài và một đội bóng Việt Nam cùng trả cậu lương 5.000 USD/tháng, cậu nên ra nước ngoài thi đấu".
- Trường hợp chưa ra được nước ngoài thi đấu và hợp đồng của SLNA đã chấm dứt thì sao?
- Nếu SLNA đãi ngộ tốt, tôi ở lại. Còn không, ưu tiên của tôi là chọn một đội bóng ở Hà Nội đầu quân. Tôi thích không khí và lối sống ở Hà Nội, nhất là gần Nghệ An để tôi thỉnh thoảng ghé thăm nhà. Nếu trường hợp này xảy ra, tôi sẽ đá cho xứng đồng lương mình nhận chứ không phải như tiếng xấu mà người ta vẫn áp đặt cho những cầu thủ gốc Nghệ An khi đầu quân cho các đội bóng ở Hà Nội.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)