Mùa khô thường là thời điểm các ca sĩ “hát lót” hoạt động thường xuyên. Ở các đoàn ca nhạc lưu diễn miền Trung, miền Tây, hầu như đoàn nào cũng có từ 6 đến 10 ca sĩ “hát lót”. Bởi, có nhiều chương trình đại nhạc hội kéo màn biểu diễn chỉ cần có một ca sĩ ngôi sao, còn lại đều là “dân hát lót chuyên nghiệp”. Thường thì ca sĩ “hát lót” không được khán giả hoan nghênh nên họ chỉ lặng lẽ hát theo yêu cầu của bầu sô chứ không phải theo yêu cầu của khán giả.
Cắt lương, cho đi xe heo
Theo chân đoàn ca nhạc tạp kỹ của bầu H. ra Ninh Thuận, chứng kiến tận mắt những ca sĩ “hát lót” chen chúc trong một căn nhà trọ chật hẹp được thuê với giá rất bèo. Mười ca sĩ trẻ nam có, nữ có xếp lớp như cá. Nhà trọ thường gần chợ để ca sĩ, nhân viên hậu đài dễ tới lui ăn uống. Họ đều phải tự lo tiền ăn cho mình. Bầu sô chỉ lo tiền thuê phòng và trả thù lao cho họ. Mỗi suất diễn một ca sĩ chuyên hát lót được lãnh 200.000 đồng. Tuy nhiên, họ lắc đầu than: “Chỉ suất đầu thôi! Hầu như 10 suất qua tụi em đều phải lãnh thù lao “đờ–mi”. Bà bầu nói có quá đông khán giả vô xem “cọp” (không mua vé), nên trừ lương tụi em. Nhưng quen rồi anh ơi. Lỡ ra tới đây rồi, nếu về thì tự móc tiền túi mua vé xe đò mà về”.
![]() |
Ca sĩ “hát lót” nhiều lúc phải xuống sân khấu hát để giao lưu với khán giả. Ảnh chụp một chương trình“đại nhạc hội” ở Bình Chánh, TP HCM. |
Hội "hát lót" nói họ không lạ các mánh khóe của bà bầu. Chẳng những chuyên xin bớt tiền lương của các ngôi sao ca nhạc, bà bầu còn cắt xén lương ca sĩ “hát lót”. Trong những ca sĩ mà chúng tôi gặp ở đoàn bà bầu H. có T..mới vào nghề được 1 năm. Cô có thân hình bốc lửa nên bà bầu rất cưng. Bởi T. có thể “bù được phần nhìn để thu hút khán giả”. Thế nhưng 1 năm qua, T. chỉ nhận lương 120.000 đồng/đêm cho những chuyến lưu diễn xa. Còn hát ở ngoại thành như: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ... cô chỉ nhận được 60.000 đồng/đêm. Không chỉ cắt lương, có những suất diễn không đạt doanh thu, bầu H. còn đòi đuổi một vài ca sĩ “hát lót” về Sài Gòn sớm hơn thời hạn. Bà chuyên gửi những “số phận long đong” đó theo xe các ca sĩ ngôi sao về TP HCM. Những khi xe ca sĩ quá đông “vệ sĩ” theo hộ tống, bà gửi họ theo xe chở than, chở heo.
Bà H. cũng rất mê tín dị đoan, đến điểm diễn nào bán vé không được, bà truy ra ca sĩ “hát lót” nào kỵ tuổi thì loại thẳng tay. M. tâm sự: “Muốn theo đoàn hát làm ăn nuôi thân thì phải biết bà bầu, ông bầu tuổi gì để khai tuổi giả. Ai hợp tuổi thì bầu không bớt lương”. Có nhóm gồm 5 chàng trai có suất hát chỉ nhận 20.000 đồng/người.
Đoàn ca nhạc Hoa Biển Xanh của bầu P. có lần cúp lương nhóm O. vì 4 cô gái này khi biểu diễn đã đá bể một hộp đèn trên sân khấu. O. phải vay nợ bạn bè để mua cơm ăn. Nhóm L. hát với giá thỏa thuận 180.000 đồng/4 người/suất, nhưng chưa bao giờ nhóm lãnh đủ lương kể từ 1 năm qua.
Cũng không kém nhẫn tâm là chuyện các ông bà bầu trừ lương ca sĩ khi vịn vào lý do “tiền vẽ băng rôn quảng cáo tên của ca sĩ”. Ca sĩ muốn được treo tên trước điểm diễn thì phải chấp nhận trừ lương mỗi suất 50.000 đồng. O. cười chua chát: “Nhưng có mấy ai để ý đến băng-rôn của tụi em, vì thường được treo ở những chỗ tối thui, vải thì nhăn nhúm, đi vài điểm đã rách bươm, nhưng vẫn cứ bị trừ”.
Tiền mất tật mang
Đoàn ca múa nhạc tạp kỹ của bầu D. có 12 ca sĩ “hát lót”. Một thời ông bầu này tổ chức thi tuyển ca sĩ trẻ ở những điểm ông đến tổ chức biểu diễn nên ca sĩ hát lót của ông khá đông. Trong số đó có người là con em các gia đình khá giả, cha mẹ muốn họ được đi hát nên dẫn đến gửi gắm bầu D. Chẳng những họ không lấy tiền lương mỗi đêm diễn mà còn đóng tiền “thế chân” với mong muốn con em mình một ngày sẽ làm ngôi sao.
Đến điểm diễn của ông bầu D. ở Củ Chi. Ca sĩ “hát lót” của ông thường đến điểm diễn sớm để phụ giúp hậu đài lắp ráp sân khấu. S. là con nhà giàu cũng không nằm ngoài số phận làm hậu đài. Chúng tôi hỏi: “Nhà em khá giả sao không theo nghề khác cho đỡ cực hoặc thuê người làm những công việc này để em đỡ vất vả?”. S. trả lời: “Ông bầu nói mình đi hát phải yêu sân khấu, phải làm những việc có ích cho “thánh đường” nghệ thuật thì tổ nghiệp mới phù hộ. Ba má em nghe vậy đâu có dám thuê ai làm công việc này. Thôi kệ, làm hậu đài rồi sẽ làm ngôi sao”. Mới đây, chàng ca sĩ con nhà giàu này phải nhập viện vì bị rắn cắn trong lúc dọn vệ sinh sân bãi, mang rác vào lùm cây đổ. Vài nhân viên hậu đài kịp đưa S. đến một trạm xá gần đó và S. may mắn thoát chết.
Sau lần gặp tai nạn đó, S. đành bỏ nghề. Ba má S. từng đưa cho ông bầu 10 triệu đồng để cho S. tập sự làm ca sĩ, nay S. đòi lại không được, vì bầu D. vịn vào cái lý: “Tại con của ông bà bỏ hát, chứ không phải tại tôi”.
Đưa đầu chịu trận
Một lần, ở một điểm diễn tại một làng chài ở Phan Rang, đã 24 giờ mà ca sĩ “hát lót” của đoàn ca nhạc X. vẫn phải ra sân khấu giao lưu với MC chương trình. Họ nói nhăng, nói cuội cốt để kéo dài thời gian chờ ca sĩ ngôi sao tới, mặc cho khán giả la ó, ném chai lọ, lon bia lên sân khấu đòi ngôi sao thực sự. “Thánh đường” của ca sĩ “hát lót” trở thành bãi chiến trường phế liệu. Nếu ca sĩ ngôi sao đến kịp thì họ thoát nạn vì không bị khán giả phản ứng “mặn”. “Phản ứng “mặn” là gì?” - “Đập đồ sân khấu, vây ca sĩ trẻ chửi, thậm chí ném đá. Một lần ngôi sao bỏ điểm diễn cuối ở tỉnh này, khán giả vây quanh chúng em như muốn ăn thịt. Phải nhờ mấy anh bảo vệ, dân phòng giải vây. Đứa nào cũng khóc vì nhục. Bầu sô thì ôm tiền trốn mất. Ngôi sao không có. Hậu đài và ban nhạc mạnh ai nấy giữ đồ nghề vì sợ bị khán giả đập”. Còn phản ứng “ngọt” là bị những khán giả quá khích sàm sỡ.
Mỗi ca sĩ “hát lót” khi bước lên sân khấu đều phải trang bị cho mình bộ mặt chai lạnh, không cần nghe khán giả phản ứng, cứ hát đúng số lượng bài mà MC quy định. Chưa kể đến những tài vặt phải có, khi cần thiết là đem ra sử dụng như: kể chuyện tiếu lâm, làm trò xiếc lẻ (ảo thuật giấy thành tiền, nuốt bóng bàn...). Có lần ở một điểm diễn của đoàn bầu V. ca sĩ hát lót sau khi hát 7 bài, muốn tiếp tục kéo dài chương trình, đã bị một khán giả say xỉn nhảy lên sân khấu tát vào mặt và giựt micro chửi: “Mày hát dở mà hát hoài, đi xuống”.
Buổi tối lúc ca sĩ ngôi sao ăn nhà hàng, được bầu sô cưng chiều, có khi ngồi nhậu đến gần 21 giờ mới khởi hành chạy khắp các điểm diễn trong một tỉnh, thì ca sĩ “hát lót” ăn cơm hộp, có mặt rất sớm trên sân khấu. Hát bao nhiêu bài là theo lệnh bầu sô. Các ca sĩ “hát lót” rất khỏe, thường hát thật, ít sử dụng lipsync. Mỗi đêm trung bình mỗi ca sĩ “hát lót” phải hát từ 6 đến 10 bài. Họ hát để kéo dài thời gian cho ca sĩ ngôi sao chạy sô đến kịp. Có người xuất hiện mỗi đêm 2 lần trên sân khấu vì ca sĩ ngôi sao còn mất hút mà đồng hồ đã chỉ 12 giờ khuya. A. có giọng ca và phong cách giống ca sĩ Phương Thanh, đã đi hát lót hơn 10 năm, kể trong nước mắt: “Số phận hát lót như tụi em khó ai đổi đời được. Cứ vào mùa khô là đi diễn miết, hát như một cái máy. Hát riết rồi vô cảm lại bị khán giả phản đối, ca sĩ ngôi sao khinh rẻ, bầu sô chèn ép. Đối với em đi hát không còn là niềm đam mê mà là hát để kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình”. |
(Theo Người Lao Động)