Tờ mờ sáng, dân "đảo Saphia" bắt đầu làm việc dưới sự chỉ huy của hai "tay" từng một thời chinh chiến khắp các mỏ đá ở Trường Xuân. Theo quốc lộ 14 ngược về hướng Buôn Ma thuật chừng 30 km, đến địa phận huyện Đăk Song là tới trung tâm xã trường xuân. Nhưng để đi tới các mỏ đá thì phải thêm hàng chục km lên đồi xuống núi.
Ở đấy, dân đào đá gọi là bãi 1-2-3, mỗi bãi cách nhau hàng chục km nũa. chúng tôi chọn bãi 3. Rẽ hướng tay phải, dọc theo một con lộ nhỏ bằng đất, xẻ núi. Con đường ngoằn ngèo, bụi mù mịt, dốc đứng cheo leo. Mỗi lần xuống dốc thì cứ như đang bay trên trời bỗng rớt xuống vậy, nhả phanh thì sợ "chầu diêm vương" sớm, mà đạp phanh trầy té... Lên dốc thì chậm rì, xe cài số 1 nhưng vẫn hì hụi, lề rề...
Càng vào sâu, càng thấy nhiều cây rừng bị đốn nằm ngổn ngang, xung quanh là những núi đá được san lổm nhổm. Dọc theo các khe suối là dòng nước vàng ghê rợn sực mùi... quặng đá. Rất nhiều hầm đất còn đang trơ gan cùng với đất trời khi những người đào đá bỏ đi.
Bãi số 3 là một khoảng đồi núi rộng trống trơ không có cây rừng. Tiếng máy nổ ầm vang khắp trời. Gần đó những người đãi đá đang hì hụi làm việc trên những triền đồi. Người dẫn đường cho chúng tôi biết đến những người làm nghề đãi đá lên đây làm lán trại cả hàng tháng trời, có khi cả năm mới về thăm nhà một lần. Phần lớn trong số họ là người miền Bắc, miền Trung. Ai nấy nước da đều xanh xao vì sống trong rừng thiêng, nước độc, sốt rét xảy ra thường xuyên. Chị L., quê Quảng Bình kể: "Trước đây đãi đá còn tươm chứ bây giờ ít đá lên chẳng được bao nhiêu. Quần quật cả ngày được chủ cho 40.000-50.000 đồng là hên lắm rồi".
Nói về các công đoạn lấy đá, theo anh M. chồng chị L., để khai thác được đá, phải dùng vòi nước thật lớn để xả nước vào ngọn núi, đồi cao ngật ngưỡng cho đất mềm ra. Sau đó, đào qua lớp luồng, sái... đến lớp cuối cùng là lớp đế, đào và xối nước vào rồi dùng vòi hút qua một ống nước để xả đất đi, phần còn lại đọng ở một bể lọc rồi dùng sàng để đãi (như đãi vàng) ở khe nước.
Anh cho biết, những người đãi đá như anh có thể sẽ bị trục xuất bất cứ khi nào nếu ngành chức năng phát hiện thế nhưng vì miếng cơm manh áo, anh và những người đãi đá ở đây đã đâm lao thì phải theo lao.
Anh Th. lấy vạt áo lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt khét lè, thở dài: "Cũng chẳng có việc gì làm nên đành chịu làm nghề đãi đá này. Đau ốm suốt à. Nếu bị sốt rét, không kịp đưa ra trạm y tế thì tính mạng coi như...".
Anh T., người dẫn chúng tôi kể về một thời kinh hoàng ở vùng đất này. T. chỉ tay: "Cả cánh rừng này trước đây là núi đồi cao chót vót, cây cối um tùm, xanh ngút ngàn, chứ... T. bỏ lửng câu nói, ai cũng hiểu ý mức độ khai thác ở mỏ này đến mức nào. Theo T., khi mới khai thác đá Saphia, giá rẻ, chỉ 250.000 đồng cho một lon. Nhưng chỉ năm sau thì giá "vọt" lên tiền triệu, chục triệu, năm nay thì trên cả trăm triệu. Năm 1995, là năm đỉnh điểm nhất, người kéo về đông như hội để tìm đường sống thăng hoa, ai dè khai thác đến đâu "nướng" vào ma túy, ăn nhậu đến đó.
Chỉ một thời gian ngắn, đã xuất hiện các ông trùm, họ tranh giật nhau, ai mạnh thì làm. Không tranh giành sao được, một ngày khai thác đước 200-300 triệu đồng là rất bình thường ở mỏ đá Trường Xuân. Từng khoảnh núi đồi được các ông trùm chia bán, nếu ai cần mua, bỏ rẻ cũng là 150 triệu đồng cho một khoảng đất chừng vài trăm thước vuông. Ngoài đoàn người làm thuê cho các tay trùm, lượng người khai thác thủ công không thể tính xuể.
T. thở dài: "Mọi thứ dịch vụ cứ thế mọc lên như nấm. Nhiều người cho rằng thời đó, ở mỏ đá trường xuân, ma túy ban nhan nhản như cá ở ngoài chợ dưới đồng bằng. Cứ một viên đá saphia đổi vài tép. Về mại dâm cũng vậy, tùy theo giá trị, nặng nhẹ của viên đá quý. Đá được lượng hóa như tiền ở cái phố đá này. Ngày, người phơi sương, đội bới, giành giật (nhiều lúc đâm chém). Đêm ăn nhậu, hát hò nhảy múa...
"Mua bán người là chuyện không hiếm", T. kể tiếp. Nhiều con nghiện ra đường quốc lộ bắt người đi đường hoặc về gia nghĩa hoặc một số xã "lừa" đi làm ăn bằng những lời lẽ ngọt ngào rồi dẫn vào nôp cho các tay "trùm" để lấy một khoản tiền tùy theo mức độ người. Khi đã vào tay các trùm thì khỏi có đường thoát! Gái đẹp thì làm "hàng", trai tráng thì đào đãi đá quý... cho chủ. Có vài trường hợp bị cắt gân gót, nặng hơn nữa thì bị "xử".
Trước tình trạng này, những năm 1997-1998, ngành chức năng cũng đã vào cuộc. Những tay trùm có kẻ đã vào tù, có kẻ phiêu bạt làm ăn xứ khác... Mỏ đá Trường Xuân giao lại công ty nhà nước quản lý, tuy vậy người đào đá Saphia thổ công vẫn tràn vào đông đúc. Người ta kể rằng khi đó ai muốn vào khai thác phải mua vé, 10.000 đồng/ngày lại thêm tiền xe Minkhơ 20.000 đồng /ngày. Người đãi đá đông đến nỗi có ngày người ta thu được 70-80 triệu đồng.
... Giữa cái nắng Tây Nguyên như lửa đốt, vậy mà hàng hàng chục con người vẫn lăn lộn giữa rừng núi, ngâm mình dưới nước. Chị Lê Thị M. quê ở miền Bắc, từng có một đời chồng, có 3 cô con gái để lại cho bà nuôi cũng vào cái xứ này. Chị lấy chồng ở đây, rồi lên đây bán hàng cho thợ đãi đá để kiếm ăn. Chị chua chát: "Đời đãi đá khổ lắm, không như người ta tưởng đâu, kể cả kẻ có tiền nhờ đã cũng chết vì đá. Nhiều người vì thấm chất phèn, khí quặng ở đây, đẻ con ra bị ảnh hưởng chất độc mới thật thảm hại!"
(Theo Gia Đình và Xã Hội)