![]() |
Ngôi sao bóng bầu dục H.Ward là niềm động viên của những đứa con lai Hàn - Mỹ. |
Mới 24 tuổi, Bae Gee Cheol đã phẫu thuật cắt ống dẫn tinh vì lo sợ có con cái thì chúng sẽ chịu chung số phận như mình: bị mọi người giễu cợt và coi khinh. Park Keun Shik thì nuốt 50 viên thuốc ngủ trên đường đi tàu đến Seoul. Người soát vé phát hiện anh bất tỉnh và đưa ngay tới bệnh viện trước khi quá muộn. Người ta tìm thấy trong túi anh tờ giấy gửi Tổng thống Hàn Quốc với nội dung kêu gọi mọi người cư xử tốt hơn đối với những người như anh.
Bae và Park đều thuộc một nhóm thiểu số được gọi là "nhóm con lai", tức những đứa trẻ có mẹ người Hàn và bị cha là những lính Mỹ bỏ rơi sau cuộc chiến Triều Tiên. Họ thuộc tầng lớp bị miệt thị nhiều nhất trong xã hội Hàn Quốc, nơi các trường học dạy học sinh tự hào về "sự thuần khiết của chủng tộc".
Mới đây, những đứa con lai như Park và Bae cảm thấy mình được xã hội công nhận một chút khi Hines Ward được mọi người tôn vinh (Ward đã đoạt giải cầu thủ sáng giá nhất của giải bóng bầu dục Mỹ Super Bowl). Bởi lẽ Ward cũng giống họ, chỉ mang một nửa dòng máu Hàn trong người. Cha Ward là một lính Mỹ đã đưa anh cùng mẹ, nữ hầu bàn tại một hộp đêm ở Hàn Quốc, về Mỹ khi anh chỉ mới biết đi lẫm chẫm. Ward xuất hiện thường xuyên trên trang nhất của báo chí ở xứ kim chi.
Một cuộc khảo sát cho thấy khoảng 17,5% con lai ở Hàn Quốc bỏ học ngay từ khi cấp 2, so với tỷ lệ toàn quốc là 1,1%. Hiện xứ Hàn có khoảng 5.000 người mang họ Hàn - Mỹ và khoảng 30.000 người mang dòng máu Hàn với các quốc gia châu Á khác.
Mặc dù nhiều trẻ lai đã được cha chúng đưa sang Mỹ hoặc được các gia đình Mỹ nhận nuôi, song vẫn còn hàng ngàn trẻ sống trên đất Hàn. Chính phủ Mỹ không chịu trách nhiệm truy tìm cha đứa trẻ hay trợ giúp trẻ và những phụ nữ bị bỏ rơi. Đa số các bà mẹ cũng không thể yêu cầu trợ cấp nuôi con vì không kết hôn chính thức. Bae, nay đã 50 tuổi, cho biết ông ra đời sau khi mẹ ông bị một lính Mỹ cưỡng hiếp. Mẹ con ông đã bị đuổi ra khỏi nhà ngay sau đó. Bae buồn bã: "Chúng tôi là một nỗi hổ thẹn của quốc gia mỗi khi được nhắc đến, một sự thật cần phải che giấu". Đối với nhiều người Hàn Quốc, con lai là một sự gợi nhớ đau thương về chiến tranh và sự can thiệp của quân đội ngoại quốc. Chính vì thế, những người như Bae không dễ tìm việc làm hay lập gia đình ở xứ Hàn. Họ thậm chí không được phép tòng quân và hưởng các lợi ích khác của chính phủ cho đến đầu tháng 2 vừa qua.
Park, 54 tuổi, cho biết mới đây ông đã thất bại khi tranh cử chức trưởng làng. Lý do mà nhiều người đưa ra là một ông trưởng làng lai Mỹ sẽ làm "ô uế" cả làng. Lee James, 44 tuổi là một trường hợp khác. Cha của Lee là một quân nhân Mỹ da đen đã gặp mẹ Lee, một quả phụ đến từ CHDCND Triều Tiên, tại Seoul. Khi Lee lên 2 tuổi, cha anh về Mỹ để lại mẹ con anh ở Hàn Quốc. Lee đã bỏ học nửa chừng hồi cấp 3 sau khi đội bóng ở trường không nhận anh chỉ vì màu da khác mọi người. Anh trải qua đủ thứ nghề thấp hèn trong xã hội và dừng lại ở công việc ca hát tại các hộp đêm. Các chủ hộp đêm trả tiền cho anh với tư cách là ca sĩ Mỹ và yêu cầu anh ca các bài hát Mỹ mặc dù anh chẳng thích chút nào. Theo Lee, số con lai như Ward, may mắn được cha đưa sang Mỹ để có cơ hội thể hiện mình, chỉ đếm trên đầu ngón tay.
(Theo Thanh Niên)