Mùa thu ở Trung Quốc cũng là thời điểm lá ngân hạnh chuyển màu vàng rực rỡ như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Ngân hạnh, hay còn gọi là bạch quả hay rẻ quạt, phổ biến ở vùng phía Bắc Trung Quốc suốt nhiều thế kỷ. Đây là giống cây có sức chống chọi tốt với thời tiết và sâu bệnh nên nhiều cây tồn tại vài nghìn năm, chứng kiến nhiều biến thiên lịch sử.
Tỉnh Thiểm Tây phía Đông Bắc Trung Quốc là nơi quy tụ nhiều cây ngân hạnh cổ thụ lâu đời, trong đó có đôi cây thuộc làng Lamaquan, dưới chân dãy núi Tần Lĩnh sừng sững. Hàng năm, cứ khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11, hai cây như nhuộm vàng một góc trời và khoảng sân rộng khi lá cây đổi màu, thu hút đông khách tới tham quan, chiêm ngưỡng. Lá rơi xuống đất cũng được ví như dệt thảm lá vàng, tạo thành background đẹp để chụp ảnh.
Theo các tài liệu, một cây ngân hạnh có tuổi đời khoảng 1.300 tuổi, cây còn lại là 1.400 tuổi. Đôi cây cùng nhau trải qua quãng thời gian tương đương 13-14 thế kỷ, được ví như "nhân chứng sống" của ngôi làng. Hiện, hai cây được chính quyền làng Lamaquan dựng rào bảo vệ và thường xuyên chăm sóc.
Đây không phải là những cây ngân hạnh duy nhất ở chân núi Tần Lĩnh. Làng Shiyaoba, thị trấn Yuhuangmiao, huyện Liuba, thành phố Hanzhong cũng có một cây cổ thụ có đường kính gốc cây tới 4,4 mét và cao 26 mét. Diện tích bóng mát cũng lên tới 50 mét vuông. Theo ước tính của cơ quan lâm nghiệp, cây này đã gần 4.000 năm tuổi. Đầu mùa đông, những chiếc lá ngân hạnh vàng óng rơi xuống đất, mang vẻ đẹp ngoạn mục. Cây bạch quả cổ thụ đã gắn bó những người dân làng qua hàng chục thế hệ và cũng là đề tài của nhiều ca khúc hay.
Cũng trên dãy núi Tần Lĩnh, một cây ngân hạnh trong cung điện Zongsheng ở phía tây Quảng trường Fudi cũng là một địa điểm tham quan nổi tiếng. Tương truyền, đây là cây do đích thân Lão Tử trồng hơn 2.000 năm trước. Dưới tán cây này, Lão Tử từng tới trò chuyện, giảng bài. Cây có đường kính khoảng ba mét, hiện phần thân bên trong bị rỗng một số chỗ.
Hà Nguyên (Theo Xinhuanet, Chinaxiantour)