Khu "nhà trọ 3.000" tập trung khá nhiều ở Cầu Mới. Từng ngôi nhà lúp xúp nằm bẹp dúm dưới những cơn thốc tháo của gió và mùi sông Tô Lịch. Nhà đầu tiên trong xóm cho người lao động ngoại tỉnh thuê là nhà bà Uyển. Tối, ẩm ướt, ngột ngạt... Nhà bà Uyển mỗi đêm chứa đến 70-80 người trọ với giá 3.000 đồng/người/đêm.
Sàn nhà được phủ bằng chiếu, chỗ nào cũng có thể biến thành một chỗ ngủ. Khách trọ hằng đêm nằm la liệt trên nền nhà. Bà Uyển tận dụng từ cầu thang đến nhà bếp. Bà Uyển thích cho trẻ ăn xin, trẻ đánh giầy thuê trọ vì người bọn chúng nhỏ, chiếm ít diện tích nền nhà. Mỗi tối bà thu được hơn 200.000 đồng. Nhiệm vụ của bà là sau 7 giờ tối thì ngồi ra gần cửa thu tiền. Cứ bước vào cửa là nộp 3.000 đồng.
Quạt trần quay trèo trẹo trên đầu, mùi khó chịu từ con sông ô nhiễm xồng xộc hắt vào, nằm dưới nền nhà mà cũng không có chỗ trở mình. Tần, 19 tuổi, quê ở Hưng Yên, cười trừ: "Cả ngày lao động mệt nhọc. Đêm về có chỗ ngủ rẻ là tốt lắm rồi. Dân tứ xứ ùn ùn đổ về Hà Nội kiếm sống. Lấy đâu ra chỗ mà chen chân".
Đông khách, bà Uyển phải làm thêm 2 cái lán sát mép sông Tô. Lán làm chui nên tạm bợ, chỉ là vải bạt cũ, phên nứa sắp mục và mấy tấm lợp lắp ghép lại với nhau. Cũng thành chỗ ngủ. Có điều ngủ ở ngoài lán chỉ phải trả 2.500 đồng/đêm. Đêm nào không mưa, mấy chàng lực điền tiếc 500 đồng cũng kéo nhau ra lán ngủ. Một lán tạm bợ thế cũng đủ che cho một chiếc giường và 6-7 người nằm.
Nhưng ngủ thì cũng phải vội vàng. Vì như cánh chị Phương, chị Lan, chưa đến 3h sáng đã phải quýnh quáng dậy và tất tả ra chợ rau Ngã Tư Sở. Cuộc sống của họ quẩn quanh với chợ, với rau và những nhà trọ 3.000. Phần lớn trong số đó là những người trẻ, những thanh niên nông thôn, từ biệt lũy tre làng lên thị thành kiếm sống. Hà Nội hiện có hàng trăm nghìn người sống tạm ở rất nhiều khu vực đặc biệt là khu Long Biên, Bác Cổ, Giảng Võ, Ngã Tư Sở...
Thắng bỏ lớp 7 trường làng cách đây 5 năm. Bọn con trai, con gái trong làng đứa nào cũng đi xa. Phải lên thành phố. Có thể chẳng đổi đời, nhưng thôi, cho nó khác đi... Thắng lên thành phố, bán hoa quả ở dọc đường. Thỉnh thoảng, Thắng về Nông Cống, Thanh Hoá, mang ít tiền về nhà cho u, người làng bảo nó ở Hà Nội về. Với Thắng, thế là tốt lắm rồi. Tối, Thắng về nhà trọ 3.000 của bà Hà Trinh.
Theo Sinh Viên Việt Nam, nhà bà Hà Trinh thì quá nổi tiếng ở khu Cầu Mới và dọc bờ sông Tô Lịch. Hỏi nhà bà từ ngoài ngách 72/32 thì ai cũng biết. Một đêm nhà bà cho trọ đến gần 200 người, từ cậu đánh giầy, cậu bán kết quả xổ số, cô hàng rau, anh hàng nhãn, đến cánh hát rong, mấy cậu ăn xin... Nhà bà Hà Trinh còn mở cả hàng ăn. Suất cơm 3.000 có cháy chan nước mắm, đậu phụ, lạc và dưa nhưng vẫn đắt hàng. Ở thời điểm giá cả lao vùn vụt, những người bán cơm 3.000 chỉ muốn đóng cửa.
Thâm niên sống tạm ở đất Hà thành của Thắng mới 2 năm, ít hơn 3 năm với ban nhạc đường phố anh em nhà Xuân. Xuân bảo nhà cả nhóm ở Quảng Xương, Thanh Hoá, sống tạm ở phố phường Hà Nội với nghề hát rong. Sáng sớm, anh em Xuân nhảy xe buýt đi làm. Duy là người hát chính, cậu ta lớn nhất: 25 tuổi. Xuân, tay phải cầm túi đựng chiếc đài cổ kính, tay trái cầm cái mũ ngả trước mặt khách. Mỗi ngày, họ đến các khu khác nhau trong thành phố, nhưng lê la nhiều nhất ở những chợ cóc đông dân.
Cuộc sống của các chàng trai lay lắt qua những phố phường. Và bữa cơm ba nghìn bắt đầu được cải thiện khi ban nhạc nhận thêm 2 thành viên mới. Một người tay trái bị teo vì từ bé cánh tay của cậu ta đã bị buộc gập lại để giả làm tay cụt. Cánh tay lẻo khẻo ấy mà chìa ra cùng cái mũ ăn xin chắc sẽ làm vài người mủi lòng. Một cậu khác bị hỏng bàn chân trái vì một lần... cố tình bị tai nạn. Từ ngày bổ sung đội quân thương tích, ban nhạc đường phố này ăn nên, làm ra. Sáng sáng họ lại nhảy xe buýt, tối về nhà trọ bà Hà Trinh đếm tiền lẻ. Ngày ít thì được khoảng 100.000 đồng, ngày nhiều cả nhóm kiếm đến 200.000 đồng.
Tối về nhà trọ ba nghìn, Xuân lại nhớ nhà. Có người bảo: "Nhà Xuân ở quê có 3 tầng cơ đấy, sao em không về quê mà sống?". "Chị buồn cười, người người, nhà nhà đổ lên thành phố. Ai đời mình lại đi ngược. Cứ sống tạm ở đây ít năm để đợi ngày có nhiều tiền", Xuân trả lời nhẹ tênh...