Những loại rượu được gọi với cái tên văn hoá “rượu dân tộc” đang được bày bán tràn lan ở các quán đều chưa được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm. Khủng khiếp hơn khi ai đó đã một lần ghé qua làng rượu ở xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội mới hiểu được thế nào là “độc tửu”.
Các quán rượu được gọi mỹ miều văn hoa là rượu dân tộc, rượu thổ... đang mọc lên như nấm sau mưa ở khắp phố phường Hà Nội. Đó cũng là tất yếu của quy luật cung - cầu, bởi ngày càng xuất hiện những kẻ thích đốt tiền, cứ phải thưởng thức mỹ tửu mới coi là sành điệu. Một số tay chơi lý sự chỉ cần vài nghìn rượu tẻ đựng trong chai nút lá chuối đã có thể say ngất ngưởng. Nhưng như thế thì thật phí đời và còn đâu cái thú ẩm thực tao nhã của người Tràng An xưa. Do đó, đi uống phải được coi là “thưởng rượu” theo kiểu các bậc tiền nhân đã từng làm.
Để “uống” cái tinh hoa của đất trời, cái linh hồn thiên nhiên, cái tích tụ của ngũ hành âm dương... Họ cho rằng, “uống rượu mà chỉ để rót ra những cái chén vại, ngửa cổ dốc vào họng rồi khà một tiếng thì rõ là chưa đạt đến độ tao nhã của cái thú thưởng rượu ngắm trăng như trong các tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa. Ở đất Hà Thành này để tìm được một quán rượu dân tộc không phải là chuyện khó, nhưng để tìm thấy nơi có cảnh sắc hoàn hảo, vừa uống vừa thưởng ngoạn thì cần mất công hơn một chút. Một số cái tên ấn tượng đến nỗi mà hình như người ta chỉ nghe một lần là nhớ cả đời, như: huynh đệ, quê mình, tiêu diêu, mỹ nữ, quỳnh tương, hoàng hoa, chung tửu...
Theo chân một số dân chơi có thú hay đi thưởng rượu cuối tuần, tôi được dẫn đến một quán rượu nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh. Cảnh tượng đập vào mắt là các hũ rượu, chum rượu dán giấy hồng với các hàng chữ bằng mực Tàu ghi tên các chủng loại rượu. Nào là Khang Hy, Càn Long, Từ Hy Thái Hậu cho đến tên các loại sản vật quý hiếm như rượu bìm bịp, tắc kè, ngọc dương, ong chúa, ngũ xà, cửu xà, bọ cạp, bạch cúc, trường xuân... nhìn vào hoa cả mắt. Loại nào cũng đủ các thành phần quý hiếm và đặc biệt là rất bổ như: thập toàn đại bổ, cường dương bổ thận, tráng thận - tráng dương, trường sinh bất lão...
Một số loại còn được chủ quán “chua” thêm: “Đây là thứ rượu ông uống bà khen, rượu dành cho trai tài gái sắc”. Hầu hết chúng đều từ 50.000 đến 100.000 đồng một be hoặc chai. Trong hàng trăm quán rượu đang mọc lên ở đất Hà Nội này, không nhiều quán có nguồn rượu “xịn”. Chủ một quán rượu đã giải nghệ cho biết, thậm chí có tới cả chục quán cùng nhập rượu từ một xã ngoại thành Hà Nội với giá rất rẻ về pha chế với con bọ cạp, hổ mang, hổ chúa đã qua bao nhiêu nước rồi thêm tí phẩm mầu, thế là thành “rượu dân tộc” với giá cắt cổ.
Chỉ có điều sau khi nhập về hầm rồi, khâu pha chế tỷ lệ cồn - nước lã và các hương liệu làm tăng mùi thơm là bao nhiêu để bán cho khách mới là căn nguyên của những nguy hiểm khôn lường. Khách hàng tinh ý chỉ cần nếm rượu trong các bình thủy tinh lớn quảng cáo trên quầy với rượu để trong các be, chai bán cho khách là phân biệt được ngay. Rất ít khi khách có thể yêu cầu chủ quán cho uống loại rượu chắt trực tiếp từ bình lớn vì giá thường chênh lệch gấp đôi so với trong chai đóng sẵn và chủ quán cũng không muốn bán như vậy. Điều đáng nói là hầu hết rượu sau khi pha chế đều không được kiểm định chặt chẽ trở thành nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến ngộ độc rượu.
Tại một quán trà ven đường Chợ Tó, xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, bà chủ quán nói với tôi: “Cháu mua đi, rượu tẻ 10.000 đồng một lít, rượu nếp 14.000 đồng... Mấy cháu đừng sợ, rượu nhà nấu, đảm bảo chất lượng”. Tôi không có ý định mua rượu, nhưng được bà mời nên kiếm cớ hỏi dò ở đây có điểm nào bán rượu rẻ hơn không. Nghe thế, bà chủ quán tỏ ra không hài lòng, nhưng cũng đáp lại: “Rượu rẻ thì cũng có đấy, sang bên quán chất đống can thùng mầu xanh kia mà hỏi. Nhà đấy bán toàn rượu sắn Bắc Ninh thôi, giá chỉ 5.000 đồng một lít sau khi đã pha thêm cồn, nước lã”.
Cả con đường Chợ Tó dài chỉ vài trăm mét, nhưng luôn đông đúc tấp nập. Có thể nhận thấy hai bên vỉa hè, những đại lý rượu chiếm một số lượng áp đảo. Tôi tạt đại vào một quán xếp nhiều chai lọ ven đường. Ông chủ quán này tự xưng là T., khoảng hơn 40 tuổi. Với vẻ mặt tỉnh bơ, ông ta quảng cáo ngay với cái giọng khá hấp dẫn: “Các chú mua bao nhiêu cũng có ngay, rượu sắn giá 4.500 đồng một lít, rượu tẻ 7.000 đồng một lít, còn rượu nếp là 12.000 đồng một lít”. Ông ta còn khoe thành tích: “Quán tôi mỗi tháng cung cấp hàng nghìn lít rượu cho các nhà hàng, quán cơm, quán phở bình dân trên địa bàn Hà Nội. Thậm chí một số vị khách ở Hà Tây, Hà Nam cũng thỉnh thoảng qua đây lấy hàng, vì giá cạnh tranh”.
Nếu như ở chỗ nào cần rượu, chỉ cần ghi số điện thoại rồi gọi đến sẽ có nhân viên chở đến tận nhà, chỉ mất thêm tiền xe ôm. Chúng tôi thử ngỏ ý mua loại rượu thật rẻ vì lý do để kinh doanh hàng cơm xem sao. Nghe đề nghị vậy, ông chủ quán này tư vấn ngay: “Nếu vậy lấy rượu sắn đi, vừa rẻ lại có độ nặng như ý. Nếu các cậu muốn chiều lòng khách thì có thể pha, ngâm thêm vào rượu ít thục hay thuốc bắc cho có mầu mè, dễ uống. Rượu tẻ, hay rượu sắn nhà tôi độ rất nặng, trên 40 độ, các cậu có thể pha thêm nước lã theo tỷ lệ 2:8”. Lấy lý do đi hỏi giá một số cửa hàng khác, tôi chuồn êm.
Theo con đường chợ Tó để vào làng, ở đây tìm một nhà có nấu rượu nuôi lợn rất dễ. Đi đại vào nhà một người tên D. đã từng làm nghề nấu rượu nuôi lợn lâu năm. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu để có thể đặt hàng mua rượu với số lượng lớn nên anh ta khá cởi mở trò chuyện. Tôi hỏi anh rượu bày bán tràn lan ở các đại lý ngoài phố kia chủ yếu do làng mình cấp phải không, anh D. đáp ngay: “Không phải đâu chú ạ, rượu ở các đại lý đó toàn loại đểu. Vào các tối, từng đoàn xe tải lớn chở các bom rượu từ Bắc Giang, Bắc Ninh đến khu vực Tả Thanh Oai phân phối cho các đại lý. Giá rượu đó lấy tận gốc chỉ 4.000 - 6.000 đồng một lít và chủ yếu nấu từ sắn, gạo tẻ. Thông thường người ta nấu 6kg gạo thì chưng cất được 4 - 5 lít rượu. Giá gạo tẻ nấu rượu bây giờ là 6.000 đồng một kg. Vậy vị chi hết 36.000 đồng mới được 4 - 5 lít, do đó cho dù bán với giá buôn 6.000 đồng một lít vẫn bị lỗ. Cho nên các đại lý phải pha thêm nước lã, cồn công nghiệp, đường hóa học theo tỷ lệ nhất định”.
Nghe đến đây chúng tôi đã thấy rùng mình. Anh lại nói tiếp: “Công thức pha thường từ tỷ lệ 2 lít nước : 8 lít rượu hoặc dã man hơn 3 lít nước : 7 lít rượu. Loại đường hóa học, cồn công nghiệp thì tùy từng đại lý sẽ pha theo cách khác nhau”. Anh D. bảo: “Các cậu muốn mua rượu không pha gì thì phải vào tận trong làng và chịu giá cao hơn một chút. Nếu mua buôn cũng ở giá 7.000 đồng một lít rượu tẻ”. Những lời anh D. nói về sự thực rượu ngoài phố cũng đúng. Còn những nhà nấu rượu ở trong làng có pha thêm cồn, nước lã để lấy lãi không thì còn phải đặt một dấu chấm hỏi và chắc chỉ những người trong cuộc mới biết được.
(Theo Công An Nhân Dân)