Người Điện Biên chẳng mấy ai uống rượu ong đất, kể cả những người nhiều tiền. Nói cách khác, nạn nhân của thứ rượu mang theo loại độc tố như nọc rắn hổ mang này chính là khách du lịch từ các nơi khác đến. Ngay các cụ già người dân tộc cũng thừa nhận: "Chúng tôi sống ở rừng gần nửa thế kỷ rồi, giờ mới thấy loại rượu ong đất này. Xưa tôi chỉ biết duy nhất loại rượu ngâm với mật ong non, nhưng phải hạ thổ tối thiểu 3 tháng mới dùng, chứ đâu có chuyện đổ rượu vào vài phút là nốc ừng ực ngay được. Nọc độc chưa kịp phân hủy, nó tích tụ trong người rồi có ngày biết tay nhau".
Ong đất có 3 loại, màu đen, màu vàng và màu đen vằn vàng. Cả ba giống nhau ở chỗ cùng có nọc độc gần như nọc rắn hổ mang, rất hung dữ và đều làm tổ bên dưới mặt đất, vì vậy có tên chung là ong đất. Nọc ong rất độc, một người dù khỏe đến mấy cũng không thể chịu nổi 5 con đốt cùng lúc. |
Cũng chính các cụ già này đã bật mí cái gọi là "bí quyết" mà mấy "ông trẻ" bảo nhau giấu nhẹm. Chẳng là, nếu bắt ong bằng cách hun khói thì con ong dễ chết, thân khô, khó bán và giá thấp. Vậy là một số thợ săn đã nghĩ ra cách dùng thuốc xịt muỗi bơm thẳng vào tổ ong, với liều lượng làm sao cho vừa đủ để bầy ong say đứ đừ khoảng nửa tiếng, sau đó hồi phục lại và bò lổm ngổm trong các túi lưới, trông rất bắt mắt người mua. Gần đây, công nghệ này còn được đẩy lên nấc cao hơn, đó là việc người ta dùng thuốc trừ sâu thay cho thuốc xịt muỗi thông thường. Đây là một "sáng kiến" nhằm làm giảm chi phí sản xuất, và đương nhiên cũng làm giảm luôn tuổi thọ của các "đệ tử Lưu linh".
Theo Lao Động, do không được kiểm định bởi ngành y tế và không được cấp phép của quản lý thị trường nên không biết có bao nhiêu người đã bị ảnh hưởng sau khi uống loại rượu này. Có câu "rượu vào lời ra". "Lời" có thể "ra", chứ thuốc trừ sâu và thuốc xịt muỗi thì vĩnh viễn ở lại trong lục phủ ngũ tạng của các ma men.