Ngày 27/7/1947 chính thức được gọi là ngày Thương binh liệt sĩ, ngày cả nước hướng về những người đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc, ngày của nghĩa cử uống nước nhớ nguồn. Tủ sách đầu tiên của thiếu nhi Việt Nam được lập ra giữa chiến khu Việt Bắc một năm sau đó với mong muốn thể hiện tấm lòng đền ơn đáp nghĩa đó.
Đến thời kỳ hòa bình, những cuốn sách câu chuyện tiếp tục bồi dưỡng, ươm mầm thế hệ mai sau với nội dung chủ yếu là 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng, trong đó nhiệm vụ giáo dục truyền thống dân tộc được coi trọng hàng đầu. Cho đến nay, các sách này được tập hộ thành tủ sách Gương anh hùng liệt sĩ với trên 20 tựa được tái bản nhiều lần với nhiều hình thức truyện ký, truyện tranh...
Mỗi tác phẩm giới thiệu đến với các em những tấm gương đã hy sinh anh dũng để bảo vệ đất nước, non sông. Đó là Kim Đồng, Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng, Vừ A Dính, Phạm Ngọc Đa, Trần Văn Ơn, Kpa Kơ - lơng, Dương Văn Nội, Ngô Gia Tự, Phan Đình Giót, Nguyễn Văn Trỗi, Cù Chính Lan... và rất nhiều những thanh niên ưu tú khác của dân tộc.
Với nội dung chân thực và giản dị, những câu chuyện về những tấm gương thương binh liệt sĩ khơi gợi trong lòng mỗi người đọc sự khâm phục, biết ơn và hướng tới những suy nghĩ, hành động theo lý tưởng cao đẹp.
Tủ sách Thương binh liệt sĩ đã quy tụ được rất nhiều những cây bút viết chân dung, truyện ký nổi tiếng. Đó là nhà văn Tô Hoài với Kim Đồng, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Vừ A Dính...; là Xuân Sách với Phạm Ngọc Đa, là Lê Quang Vịnh với Chị Sáu ở Côn Đảo... Những câu chuyện chân thực, có sức rung động mỗi người không chỉ hôm nay.
Hải Chi