![]() |
Ở đâu cũng tìm thấy thiết bị tiết kiệm. |
"Bán xăng A92 với giá 8.000 đồng/lít, mua ngay kẻo hết", đây là thông tin trên mạng rao vặt khiến không ít người giật mình. Với giá xăng 11.300 đồng/lít như hiện nay, đây quả là "chùm khế ngọt". Theo địa chỉ trên mạng, tôi đến điểm hẹn là một quán nước ở phố Trần Phú, Hà Nội.
Một người bán hàng kiêm thợ sửa xe trạc 40 tuổi vừa cười, vừa đưa một mẩu nhựa dài bằng ngón tay út: "Em nó đây, thiết bị tiết kiệm xăng đến 30%, giá chỉ 35.000 đồng. Ông anh thử tính xem, lắp cái này vào thì mỗi lít xăng tính ra có 8.000-9.000 đồng".
Những khuyến mãi gây sốc kiểu "Xăng A92 với giá 8.000 đồng/lít" hoặc "Điện ư? Xài thoải mái" có mặt ở khắp nơi trên mặt báo, Internet. Không ít người đã móc hầu bao để mua các sản phẩm "thần kỳ" trên. Điều này, đánh trúng tâm lý người tiêu dùng trong thời điểm giá xăng, điện cao ngất ngưởng.
Chiếc xe mà chị Lô Cao Xuân, Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội, đang dùng là loại xe tay gas khá sành điệu. Chị phải mất kha khá tiền xăng cho hơn 10 km đi về mỗi ngày. Chị Xuân than: "Ki cóp mãi mới mua được chiếc xe mơ ước, vậy mà giờ đây nó như món nợ của tôi. Lương công chức mỗi tháng chỉ hơn triệu bạc, xe ngốn xăng như uống nước thế này có chết không!".
Nghe đồng nghiệp bảo: "Cứ ra chợ Hòa Bình, đường Trần Quang Khải, Hàng Muối hoặc các tiệm sửa xe, có vô số dụng cụ tiết kiệm xăng cho chị chọn", chị cũng tò mò muốn mua thử. Hôm sau, chị Xuân nhờ tôi tháp tùng ra chợ Hòa Bình, Hà Nội.
![]() |
Một thiết bị tiết kiệm điện không rõ nguồn gốc. |
Tại một cửa hàng, người phụ nữ nhanh nhảu lôi trên kệ xuống một đống phụ kiện rồi đon đả: "Trời, sao bây giờ mới mua, thiên hạ người ta dùng đầy kia kìa. Đây là "vòng kim cô Tôn Ngộ Không" siết vào dây dẫn làm xăng chảy ít, bộ bình xăng "Thạch Sanh" đổ 1 lít chạy mãi không hết... Mỗi bộ đều có cái hay riêng nhưng đều tiết kiệm được từ 15-40% nhiên liệu".
- Theo anh Lê Huy Minh, Tổng giám đốc công ty Điện Lực Việt Nam, về mặt khoa học, không thể chế tạo loại thiết bị có khả năng giảm mức tiêu thụ điện năng. Nếu có, đó chỉ là hình thức ăn trộm điện. - Sản phẩm "vòng kim cô kẹp xăng" chỉ là thỏi nam châm sinh ra từ trường. Thế nhưng, thiết bị này không có khả năng sắp xếp được phân tử xăng. Vòng nam châm này dùng lâu ngày sẽ hút các chất rỉ sét tích tụ, làm nghẹt đường dẫn xăng. Điều này rất có hại cho máy của xe vì lượng xăng bơm lên không đều. Kết quả, xe sẽ tắt máy thường xuyên. - Với bình xăng tự chế, xăng sẽ phun ít, xe chạy không êm có tình trạng giật vì tốc độ không đều. Người đều khiển cứ phải lên ga thường xuyên, như thế sẽ càng hao xăng hơn. - Những người buôn bán sản phẩm điện tử cho biết, họ không nhìn thấy những sản phẩm tiết kiệm này ở Trung Quốc. Thật ra, chúng chỉ do các "kỹ sư ma" tự chế, gắn thêm nhãn mác để lừa gạt những người dân nhẹ dạ. |
Màn chào hỏi hoành tráng của bà chủ đủ để thuyết phục những quý bà đang lo lắng tâm sự hao xăng, tốn điện. Chị Xuân mua ngay thiết bị bằng ngón tay út kia, dài độ 5cm, màu đen với giá 35.000 đồng.
Theo lời bà chủ, đó là bu-gi đánh lửa rất tốt, giúp xe chạy nhanh, đồng thời tiết kiệm được 10-30% nhiên liệu. Chị Xuân tỏ ra rất vui như trút được gánh nặng xăng dầu trên vai.
Thấy có ý muốn xem thêm đồ độc, bà chủ cười: "Tôi có loại viagra dành cho xe máy, đảm bảo hàng độc. Bán thử cho chú 1 viên, nếu dùng được thì lấy, hàng này đang cháy chợ".
Nói rồi bà gọi con trai mang ra 1 viên thuốc xanh tím, to bằng đầu ngón tay. Tôi chưa kịp phản ứng, bà đã mở nắp bình xăng xe của tôi và bỏ viên thuốc vào. Đậy nắp bình xăng, bà phủi tay hài lòng: "Ngon nhé, tháng này xe sẽ tiết kiệm được 20% nhiên liệu, chỉ 4.000 đồng thôi".
Chưa kịp thưởng thức công lực của viên viagra này, tôi đã nghe các bà nội trợ ở Hà Nội kháo nhau chuyện "đi Lạng Sơn mua thiết bị tiết kiệm điện".
Mùa hè, máy điều hòa, quạt máy... làm phát sinh thêm tiền điện là nỗi lo chung của nhiều gia đình. Nay nghe nói có một "cái cục" giúp tiết kiệm 30% điện mỗi tháng, hỏi bà vợ tay hòm chìa khóa nào không khao khát có thiết bị đó?
Theo lời chỉ dẫn của tay cò tiết kiệm điện, cùng một vài người bạn tìm đến chợ Đông Kinh, Lạng Sơn. Tôi đang ngó nghiêng thì một thanh niên trạc ngoài 20 tuổi, tóc dài ngang vai, gọi giật lại. Nghe nói đến đồ tiết kiệm điện, người thanh niên mắt sáng lên, lôi ra một cái hộp vuông như chiếc ổ cắm điện đa năng, chi chít lỗ cắm. Anh ta giải thích: "Loại chuẩn đấy, mới cải tiến, trông đẹp hơn mà giá chỉ 100.000 đồng, giảm điện đến 30%".
Miệng nói, tay anh ta lấy ra một công tơ điện và bóng thắp sáng loại tròn. Anh cắm bóng điện và nói: "Điện sáng, đồng hồ quay bình thường nhé. Bây giờ tôi cắm "cái tiết kiệm điện" vào, nhìn đi, đồng hồ chậm hẳn rồi kìa! Thật kỳ lạ, đúng là khi cắm thiết bị này vào, công tơ điện hóa "rùa" thật.
Mua thử một chiếc về nghiên cứu, sau khi tháo tung bộ sản phẩm "thần kỳ" ra, mọi người đều bất ngờ. Bên trong chỉ là vài sợi dây điện nối linh tinh với mấy viên đá răm kết nhựa đường...
Chị Thu Hoài, ngụ tại Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết: "Tháng trước nghe hàng xóm quảng cáo thiết bị tiết kiệm điện, mình cũng vác về một cái định làm cho chồng bất ngờ...". Tháng đó, chị dùng điện rất thoải mái vì nghĩ đã có thiết bị tiết kiệm điện. Đến cuối tháng, cầm hóa đơn tiền điện lên đến 7 con số, chị lạnh người. Hai vợ chồng mở tung thiết bị ra cũng thấy toàn dây và đá.
Người tiêu dùng mua nhầm phải các thiết bị điện rởm chỉ còn biết than trời và tự trách mình dại dột. Đối tượng cung cấp, mua bán các thiết bị này có bị xem là phạm tội lừa đảo?
Kỹ sư Lê Huy Minh, Tổng giám đốc công ty Điện Lực Việt Nam, cho biết, trên thị trường hiện có 2 loại thiết bị tiết kiệm điện. Một loại có nguồn gốc từ Trung Quốc, bên trong là một điện trở hoặc tụ điện gắn với cục xi măng. Anh đã mua thử một số thiết bị về thử nghiệm và thấy chúng không có bất cứ tác dụng gì. Còn lại thiết bị thứ hai hoạt động theo nguyên lý tích trữ điện năng để dùng khi cần thiết. Không thể gọi là tiết kiệm điện mà chỉ là tích trữ điện năng.
Theo những người bán hàng ở chợ Hòa Bình, Phùng Hưng, Hàng Cháo, Hà Nội, mỗi ngày họ bán được 5-10 chiếc. Điều này chứng tỏ có không ít người bị lừa.
Chưa bất ngờ vì sản phẩm tiết kiệm điện, tôi phải hao tiền vì viên thuốc "Viagra tiết kiệm xăng". Từ lúc "bị ép uống thuốc", chiếc xe của tôi bỗng nhả khói hơn. Những ngày sau, nó khặc khừ rồi sặc như lên cơn hen và... chết máy hẳn.
Tôi mang xe đến hiệu sửa xe ở Cầu Giấy, Hà Nội, thợ sửa xe loay hoay mãi vẫn không tìm ra chỗ hỏng. Sau khi nghe tôi bảo "bị ép" thả một viên tiết kiệm xăng vào bình, Minh Hiếu, thợ sửa xe vỗ đùi kêu lên: "Đây là vụ thứ 13 trong tuần rồi đấy...". Nói rồi tay thợ phải tháo bình xăng sục rửa lại cho sạch.
Theo lời Hiếu: "Nếu tiết kiệm được xăng, người làm ra viên thuốc đó đã nhận được giải Nobel rồi. Bỏ viên thuốc không nguồn gốc kia vào xăng sẽ sinh ra nhiều chất độc hại khác. Nó ảnh hưởng không nhỏ đến tuổi thọ động cơ, gây ô nhiễm môi trường...".
"Tôi còn được biết, hiện tại có nhiều người sử dụng các loại phụ gia pha thêm trong dầu. Họ xem đó như "liều thuốc trường sinh" cho động cơ đốt trong. Theo họ, các chất này giúp tăng tuổi thọ động cơ, giảm tiêu thụ xăng dầu tới 20-30% so với trước... Thế nhưng trên thực tế, chúng không hề tiết kiệm xăng mà còn làm hại máy".
Xe của chị Xuân sau khi lắp thiết bị tiết kiệm xăng cũng rơi vào tình trạng giống như xe của tôi. Theo anh Nguyễn Anh Khanh, kỹ sư chế tạo máy, sản phẩm có tên gọi "siêu áp điện từ" chẳng qua chỉ là cuộn cao áp làm tăng điện áp, giúp động cơ dễ nổ. Nó chỉ dùng cho xe cũ và không liên quan gì đến tiết kiệm xăng. Nếu lắp thiết bị này vào, khi rửa xe, nước sẽ làm cho máy khó nổ. Mặt khác lửa đá mạnh quá còn làm mòn điện cực, hỏng bu-gi. Như vậy, các thiết bị này chỉ là trò phù phép đánh vào tâm lý ưa tiết kiệm của người tiêu dùng. Người dân cần tỉnh cáo để không bị "tiền mất tật mang".
Bí quyết tiết kiệm điện
- Chọn xăng phù hợp cho xe của mình: các loại xe máy thông dụng hiện nay chỉ cần sử dụng xăng A92, xe có tỷ số nén trên 9,5:1 thì dùng xăng A95. Sức nén yếu sẽ làm cho động cơ chạy bị hao xăng. Ngược lại, sức nén quá cao sẽ làm động cơ cháy tự động cũng dẫn đến hao xăng. - Giữ tốc độ chạy xe đúng kỹ thuật. Thông thường, tiết kiệm nhiên liệu nhất là chế độ chạy ở mức trung bình đến nhanh. Mỗi loại xe tùy theo đặc điểm cấu tạo mà có tốc độ tiết kiệm khác nhau. Ví dụ, xe 50cc có tốc độ tiết kiệm khi chạy ở mức 25-30 km/h; 70cc tốc độ 30-40 km/h. - Không nên đi quá chậm, dừng, phanh xe nhiều hay chạy với tốc độ quá cao. Đối với loại xe số, người chạy phải biết sử dụng số tùy theo tải trọng, tình hình đường xá. - Đối với những động cơ, thiết bị điện khi mới khởi động sẽ cần một nguồn năng lượng lớn. Chính vì thế, khi dùng điện, nên tính toán thời gian sử dụng tiện ích nhất. Chẳng hạn: nếu là (ủi) 3 chiếc áo/ngày, vào 3 buổi sáng, trưa, chiều chắc chắn tốn điện nhiều hơn khi cùng lúc 3 chiếc. - Lắp đặt đường dây điện ngắn dây phải có điện trở nhỏ. Muốn như thế, dây phải có tiết diện lớn, dẫn điện tốt. |
(Theo Tiếp Thị Gia Đình)