Doanh nhân Li Jing ở Vũ Hán đang đếm từng ngày chờ khi thành phố dỡ bỏ lệnh phong tỏa vì đại dịch Covid-19. Nhờ đó hàng trăm căn hộ và nhà nghỉ do công ty của ông Li quản lý có thể mở cửa hoạt động lại vào 8/4, ngày chính quyền gỡ bỏ phong tỏa.
Kể từ khi Vũ Hán bị phong tỏa vào ngày 23/1, nhu cầu thuê chỗ lưu trú xuống mức 0 khiến hoạt động kinh doanh của công ty ông Li rơi vào khốn đốn. Để hút khách trở lại, ông Li cho biết công ty sẽ khử trùng và làm sạch các căn hộ ngay sau mỗi lượt khách thuê và làm phong phú thêm thực đơn ăn uống.
Tuy nhiên ngay cả khi Vũ Hán đang trong mùa hoa anh đào và các điểm du lịch đã mở cửa trở lại, ông Li vẫn không mấy lạc quan. Ông dự đoán có thể các khách sạn của ông vẫn sẽ vắng khách trong thời gian sắp tới.
"Tôi hy vọng rằng người dân Trung Quốc sẽ tin tưởng chúng tôi và quay trở lại Vũ Hán. Nhưng có vẻ Vũ Hán sẽ không phải nơi mà mọi người lựa chọn để du lịch", ông Li nói và nhìn xung quanh mọi người vẫn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi đi trên phố.
Các nhà máy sản xuất thép và ôtô tại Vũ Hán, trung tâm công nghiệp của Trung Quốc được phép nối lại hoạt động nhưng không nhiều người lao động quay trở lại nhà máy, làm xáo trộn chuỗi cung ứng. Các trung tâm mua sắm tuy mở cửa nhưng gần như trống rỗng vì người tiêu dùng còn sợ hãi, không dám ra khỏi nhà, ngoại trừ đi mua nhu yếu phẩm cần thiết.
Vũ Hán là nơi Covid-19 khởi phát đầu tiên tại Trung Quốc và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 50.000 ca nhiễm, trong đó hơn 2.500 ca tử vong. Năm ngoái, thành phố này tăng trưởng GDP 7,8%; nhưng giờ đây phải bắt đầu từ số 0.
Theo báo cáo của Học Viện Miken năm 2019, trước đại dịch Vũ Hán là thành phố lớn thứ 9 tại Trung Quốc. Thủ phủ tỉnh Hồ Bắc là đầu tàu về các lĩnh vực công nghệ cao, và là một trong những trung tâm vận tải hàng đầu Trung Quốc.
Giáo sư kinh tế Chen Bo thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán nhận định: "Cho đến tháng 2, tổn thất thu nhập tài chính ở Vũ Hán là khoảng 1 tỷ USD và GDP giảm ít nhất 50%. Thiệt hại là rất nặng nề, và những tác động xã hội, tâm lý của người dân đến đầu tư và du lịch cũng có thể kéo dài khá lâu".
"Mục tiêu đầu tiên của chúng tôi trong năm 2020 là bản thân sống sót, sau đó mới là làm sao để công ty sống sót", Ông Ma Renren, CEO một công ty tiếp thị, thừa nhận.
Thảm họa Covid-19 khiến cuộc sống ở Vũ Hán thay đổi theo nhiều cách. Cư dân đã có thể di chuyển trong khu chung cư, nhưng những hàng rào chắn vẫn đứng sững để ngăn người dân trèo ra khỏi khu vực cách ly.
Nhân viên tại văn phòng công ty điện tử Xiaomi ở khu vực phía đông thành phố đã quay trở lại làm việc, nhưng phải tuân thủ những quy tắc giữ khoảng cách. Chỉ 5 người được phép trong một thang máy, và mọi người đều phải đứng đúng vị trí được đánh dấu trên sàn để giữ an toàn.
Các khách sạn 5 sao trong thành phố không còn phục vụ buffet sáng nữa, thay vào đó là các món được cho vào các hộp đựng riêng rẽ cho mỗi người để ngăn ngừa lây nhiễm virus. Các nhà máy ở thành phố cũng đang cố gắng duy trì sản xuất.
Mei Yunfeng, quản lý tại một nhà máy sản xuất ôtô cho biết: "Vẫn còn nhiều trở ngại trong hậu cần, vận chuyển và cung ứng. Rất nhiều nhà cung cấp vẫn chưa hoàn toàn khôi phục sau khủng hoảng".
Giáo sư kinh tế Chen Bo lo ngại vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Vũ Hán có thể sẽ giảm sút trong thời gian tới.
"Tương tự như dịch SARS vào năm 2003 tại Quảng Đông, các nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn trong tương lai khi quyết định rót tiền vào Vũ Hán. Covid-19 đã tàn phá nghiêm trọng các kế hoạch phát triển của Vũ Hán trong tương lai", ông Bo nhận định.
Ngay cả khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát ở Vũ Hán với số ca nhiễm mới và tử vong giảm mạnh, nỗi lo sợ đại dịch tái bùng phát vẫn còn âm ỉ trong tâm lý của mọi người. Nỗi sợ đó biểu hiện bằng một hệ thống phân loại sức khỏe toàn quốc để theo dõi tình trạng sức khỏe của người dân do Alibaba cung cấp.
Hệ thống này chia thành 3 màu cơ bản: xanh, vàng hoặc đỏ dựa trên vị trí, thông tin sức khỏe và lịch sử du lịch của họ. Theo đó, chỉ những người có mã màu xanh mới được phép ra khỏi nhà và đi làm.
Tuy nhiên hiện Vũ Hán vẫn ghi nhận một vài trường dương tính với nCoV mới ở những người không có biểu hiện bệnh. Những trường hợp không có biểu hiện nhiễm bệnh này là nguồn lây nguy hiểm cho xã hội.
Sự lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại là tin xấu cho các doanh nghiệp. Một nhân viên bán hàng tại cửa hàng Calvin Klein tại Wuhan International Plaza cho biết cửa hàng chỉ bán được 2 sản phẩm từ khi hoạt động lại vào 30/3. Trước khi dịch bệnh bùng phát, cửa hàng ghi nhận khoảng 2.820 USD doanh số mỗi tuần, một con số bỏ xa những khó khăn hiện tại.
"Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc hơn nếu không có khách hàng nào ghé đến. Như thế an toàn hơn", nam nhân viên này bày tỏ lo ngại sợ bị nhiễm bệnh khi đi làm lại.
Sơn Nam (Theo Bloomberg)