Các lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao của cả Trung Quốc và Mỹ đang gia tăng lo ngại việc công tác nước ngoài, sau khi giám đốc tài chính Huawei bị bắt ở Canada.
Vụ bắt bà Meng Wanzhou hôm 1/12 khiến các doanh nhân Trung Quốc lo sẽ là người tiếp theo, trong khi người Mỹ cũng ái ngại bị trả đũa. Meng bị bắt theo yêu cầu của Mỹ vì cho rằng bà có những hành vi gian lận ngân hàng chống lại lệnh Mỹ cấm vận Iran, và một phiên điều trần đang diễn ra xem xét khả năng dẫn độ bà về Mỹ. Meng, con gái ông chủ tập đoàn Huawei, sẵn sàng chi 11,3 triệu USD để được tại ngoại.

Meng Wanzhou, 46 tuổi, bị bắt với cáo buộc lừa đảo. Ảnh: Bloomberg.
"Tôi có thể hiểu vì sao các quản lý cấp cao lo lắng sau vụ giám đốc Huawei bị bắt", đại diện Phòng Thương mại của Mỹ tại Trung Quốc bình luận. "Một vài người đang trong lịch trình công tác Trung Quốc cảm thấy có thể bị nước này viện dẫn điều luật hoặc luật bất hành văn nào đó và trả đũa".
Ngược lại, việc bà Meng bị bắt lúc chuyển máy bay tại Vancouver cũng làm những nhân vật điều hành công ty Trung Quốc cân nhắc các chuyến làm ăn đến Mỹ. Zhang Ruimin, CEO tập đoàn gia dụng lớn nhất thế giới Haier, cho biết lý do bắt "sốc" giám đốc tài chính Huawei mập mờ, gây lo âu cho toàn giới kinh doanh cấp cao nước ông.
"Sự việc gieo bóng đen trong lòng mọi người", ông Zhang – một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc - nói trong phỏng vấn tại Thanh Đảo hôm 10/12.
Ông phát biểu: "Điều làm chúng tôi bận lòng là bạn không thể nào ngăn chặn quyền lợi chính đáng, thậm chí an toàn cá nhân của một doanh nhân một cách căn cứ. Chẳng nước nào có thể chấp nhận việc đó, và Mỹ lại là nước thích nói về nhân quyền nhất".

Chủ tịch tập đoàn gia dụng Haier: Vụ bắt giám đốc Huawei gây lo âu cho mọi lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.
Quan chức hai nước sau đó đã điện đàm, hé lộ phần nào lạc quan rằng vụ Huawei không đổ thêm dầu vào lửa cho căng thẳng Mỹ-Trung, vốn bùng nổ bằng đòn đánh thuế mạnh lẫn nhau lên hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD.
Mặc dù vậy, một hãng tư vấn rủi ro Hong Kong ghi nhận tăng số lượng truy vấn các rủi ro khi đi Trung Quốc. Hãng này (giấu tên) cho biết các tập đoàn đa quốc gia đang lo lắng hơn trong việc gửi lãnh đạo đến Bắc Kinh kể từ vụ bắt bớ.
Các hãng công nghệ chính là tâm điểm lo ngại. Công ty Mỹ như Cisco System hay Apple giao dịch, gia công hoặc mua linh kiện tại Trung Quốc, với các quản lý cấp cao thường đi lại hai nơi.
Khi được hỏi về khả năng trả đũa, người phát ngôn của Trung Quốc khẳng định nước họ bảo vệ quyền lợi của công dân nước ngoài tại đó, nhưng đồng thời nói những người này cần tôn trọng luật pháp Trung Quốc.
Hiện chưa rõ bao nhiêu doanh nhân Mỹ, Trung Quốc phải huỷ công tác đến nước nhau, dù đã công khai lo ngại.
Thanh Tùng
Theo Bloomberg