Trong cuộc phỏng vấn với VnExpress nhân dịp 50 năm thống nhất đất nước, doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn chia sẻ về hành trình trở về, 40 năm xây dựng sự nghiệp kinh doanh, tâm tư về sự phát triển của đất nước.
40 năm trước, khi đang làm thanh tra tài chính cho hãng hàng không Boeing ở Mỹ, Jonathan Hạnh Nguyễn nhận cuộc gọi từ Văn phòng đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, mời về nước thăm gia đình. Khi ấy, Việt Nam còn bị cấm vận.
Đồng ý trở về, ông mang vợ và hai con theo cùng. Đêm đầu tiên ở Việt Nam, hai con nhập viện vì sốt xuất huyết, ông bị bác sĩ trách: "Tại sao lại đem hai cháu nhỏ về lúc này? Thuốc hạ sốt cũng không có, đừng nói tới việc điều trị". Đêm ấy, vợ chồng anh thức trắng chữa cho con bằng biện pháp dân gian: cắt chanh chà lên người. Nửa đêm, ở phòng bệnh bên cạnh, một người mẹ thét lên: "Anh ơi, con chết rồi!". Đứa trẻ đó cũng bị sốt xuất huyết. "Tôi lặng người. Hai vợ chồng lại ra sức chà chanh. May mắn, đến 8h sáng hôm sau, hai con hạ sốt. Vợ tôi lập tức bế chúng về Philippines. Tôi bị cả gia đình mắng vì quyết định của mình", Jonathan Hạnh Nguyễn nhớ lại.
Câu nói khiến ông lặng người ở bệnh viện khi đó đã trở thành lý do khiến ông đồng ý về nước lần thứ hai, nhận trọng trách giúp Việt Nam mở đường bay quốc tế đầu tiên đến Philipines.
Bỏ lại cuộc sống đủ đầy ở Mỹ, ông gửi bà xã và hai con ở Manila, Philippines, một mình về Việt Nam, chọn phương án có lỗi với gia đình để theo nghiệp lớn. Tina - người vợ đầu tiên của Jonathan - khi ấy ủng hộ quyết định của chồng. Sau đêm không thể quên khi cùng chồng giành giật sự sống cho hai con và chứng kiến một người mẹ khác mất con, bà thấm thía nỗi đau của hàng nghìn bà mẹ nhìn con mắc bệnh không thuốc chữa.

Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn trong buổi phỏng vấn với VnExpress. Ảnh: Thành Nguyễn
Không chỉ ủng hộ tinh thần, người vợ đầu còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Jonathan Hạnh Nguyễn mở đường bay quốc tế đầu tiên cho Việt Nam. Sau khi bị tất cả cơ quan, bộ, ngành ở Manila từ chối và được thông báo Tổng thống Marcos có lệnh không chấp nhận bất kỳ đơn xin mở đường bay nào từ Việt Nam vì Philippines khi đó là đồng minh của Mỹ, ông biết mình không thể tiếp cận qua kênh ngoại giao trực tiếp. Không còn lựa chọn nào khác, ông phải nhờ đến mối quan hệ gia đình qua bà xã Tina - là cháu của phu nhân Tổng thống Marcos.
Trước khi đến gặp Tổng thống Marcos, ông chuẩn bị sẵn tinh thần có thể không trở về và vợ phải nhờ người bảo lãnh. "Đứng trước cửa phòng, tôi căng thẳng tột độ. Nhưng nhớ đến tiếng khóc xé lòng của người mẹ mất con, tôi bước tiếp", doanh nhân nhớ lại. Sau khi rón rén đặt đơn lên bàn và lặng lẽ dõi theo từng cử chỉ của tổng thống, Jonathan bất ngờ khi ông cầm bút ký "Approve - ngày 4/9/1985" và không nói gì.
Đó là một ngày lịch sử với hàng không Việt Nam. Khi tin báo "anh Hạnh đã hoàn thành sứ mệnh" gửi về nước, các lãnh đạo ôm nhau xúc động. Tờ giấy khiến chân tay Jonathan Hạnh Nguyễn run lẩy bẩy khi ấy không chỉ là một tờ giấy phép mà là cánh cửa mở cho Việt Nam vươn ra thế giới.
Khi được hỏi lý do chấp nhận đánh đổi, đẩy mình vào hoàn cảnh khó lường như thế, Jonathan nói: "Tôi không thể quên tiếng thét của người mẹ mất con trong bệnh viện. Hai đứa nhỏ của tôi từng đối mặt với cái chết, khi máu chảy ra từ mắt, mũi, răng... Đau xót vô cùng. Ngoài kia còn trăm nghìn đứa trẻ khác hấp hối vì không thuốc. Tôi cũng ám ảnh khi báo đài đưa tin nhiều người đánh cược tính mạng, giấu vàng, đô la đi vượt biên, vô tình biến mình thành mục tiêu của hải tặc. Tôi không muốn nhìn người Việt phải rời bỏ quê hương vì lo kinh tế".
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao, doanh nhân đề nghị Sở Y tế cung cấp danh sách các loại thuốc cấp thiết. Vì suýt mất con trong gang tấc, ông tự bỏ tiền mua thuốc đưa về nước trong những chuyến bay đầu tiên. Sau đó, ông vận động bà con kiều bào gửi thuốc, hàng hóa về cho gia đình.
Những chuyến bay do Jonathan Hạnh Nguyễn vận hành khi ấy vào lúc nào cũng đầy hàng, nhưng khi bay ra lại trống rỗng, càng bay thì càng lỗ. Sau ba năm vận hành đường bay, ông lỗ 5 triệu USD, ước tính bằng 500 căn nhà quận 1 lúc bấy giờ, nhưng vẫn quyết tâm giữ đường bay vì được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh động viên, hiểu rằng đây là mục tiêu chính trị. Đường bay này sau đó được chuyển lại cho Vietnam Airlines khi Hiệp định hàng không với Philippines được ký kết.
Coi 5 triệu USD đã thua lỗ là số vốn bỏ ra để xây dựng nền móng kinh doanh ở Việt Nam, ông không chỉ dừng lại ở lĩnh vực hàng không mà còn mở rộng sản xuất sang các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, du lịch, xúc tiến đầu tư nước ngoài... Từ những năm đầu 2000, khi có cơ chế chính sách để tư nhân phát triển, ông đưa ra định hướng tập trung vào lĩnh vực bán lẻ, hàng xa xỉ và kiên định với thế mạnh trong ngành hàng không và phân phối hàng hiệu.
Sau 40 năm xây dựng sự nghiệp kinh doanh ở Việt Nam, Jonathan Hạnh Nguyễn được nhiều người gọi bằng biệt danh "ông vua hàng hiệu". Ở tuổi 70, ông dần giao lại quyền điều hành sản nghiệp cho vợ và các con. Mọi kế hoạch ông xây dựng đều có người kế thừa.

Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn ủng hộ bà xã Lê Hồng Thủy Tiên nhận tước hiệu Hiệp sĩ do Tổng lãnh sự Cộng hòa Ý tại TPHCM trao tặng năm 2021. Ảnh: NVCC
Theo Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, gia đình ông là gia đình trị. Cha nói con nghe, vợ thực hiện, cả nhà đoàn kết. Mỗi lần ông yêu cầu "làm nhanh đi" là tất cả chạy hết tốc lực.
Doanh nhân gọi bà xã hiện tại - cựu diễn viên Lê Hồng Thủy Tiên - là đệ tử chân truyền của mình. Trong mắt chồng, bà là một người trẻ năng động, chịu học hỏi. Bà luôn nói thương chồng, muốn học hỏi kinh nghiệm từ chồng để đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước và gia đình. Sau 4-5 năm chuẩn bị con đường để giao trọn quyền điều hành, ông hoàn toàn tin tưởng vào bà xã Lê Hồng Thủy Tiên với vai trò Tổng giám đốc IPPG cùng các con.
Nhắc đến những người con của mình, ông Jonathan Hạnh Nguyễn nói con trai lớn Henry Nguyễn đã có cơ ngơi tại Philippines. Trong khi đó, con trai thứ - doanh nhân Louis Nguyễn, ông xã diễn viên Tăng Thanh Hà - phụ trách toàn bộ hệ thống ACFC ở mảng mid-year, đưa số thương hiệu từ 40 lên đến 60-70, liên tục mở rộng. Ông tự nhận mình là người nghiêm khắc trong công việc nhưng không độc đoán. Ông không quát tháo nhưng một khi đã giao nhiệm vụ thì mọi người đều hiểu phải hoàn thành 100%, không được làm dở dang. Ông trang bị cho các con đội ngũ tư vấn vững vàng và cũng luôn sẵn sàng đưa ra ý kiến nếu họ cần. Giờ đây, các con chỉ cần ông góp vốn và ủng hộ thay vì trực tiếp điều hành.

Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn bên các con trai Philips Nguyễn, Hiếu Nguyễn và Louis Nguyễn (từ trái sang).
Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn sinh năm 1951, trải qua hai cuộc hôn nhân với người vợ đầu người Philipines và người vợ thứ hai là bà Lê Hồng Thủy Tiên, cựu diễn viên từng đóng phim Vị đắng tình yêu. Ông có với người vợ đầu 6 người con, ba trai ba gái, trong đó có Louis Nguyễn là ông xã diễn viên Tăng Thanh Hà và Philips Nguyễn là chồng người mẫu Linh Rin. Sau khi kết hôn với diễn viên Thủy Tiên vào năm 1995, ông có thêm hai người con là Tiên Nguyễn và William Hiếu Nguyễn. Cả 8 người con đều kế thừa việc kinh doanh của gia đình, giữ trọng trách trong tập đoàn do ông làm chủ tịch.