Năm 2016, khi đang làm Phó tổng giám đốc một tập đoàn của Đức, Đoan Trường quyết định nghỉ hưu sớm để sống chậm, dành nhiều thời gian du lịch đó đây.
"Những năm tháng chạy theo nhịp sống hối hả dễ khiến chúng ta trở nên mệt mỏi, buồn chán. Đôi khi cần mạnh dạn bỏ lại những bận bịu, lo toan phía sau, xách balô lên và đi, khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia khi còn trẻ, để sau này không phải hối tiếc", Đoan Trường nói.
Theo nam ca sĩ, tùy thuộc điều kiện kinh tế mà mỗi người có thể thực hiện các chuyến đi bụi hay du lịch tiện nghi, sang chảnh. Anh luôn xác định du lịch là khám phá danh thắng nổi tiếng, trải nghiệm những điều mới mẻ, thưởng thức các món ăn ngon, biết thêm nhiều điều bổ ích, làm phong phú tâm hồn.
"Chúng ta đâu biết trước tương lai thế giới sau này ra sao. Đại dịch toàn cầu, chiến tranh, động đất, lũ lụt, mưa bão, hỏa hoạn hay sóng thần luôn rình rập mọi lúc, mọi nơi. Mới đây, thảm họa động đất tang thương ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria xảy ra càng làm tôi thấy suy nghĩ của mình là đúng. Vì vậy, hiện tôi tranh thủ xê dịch, đi nhiều nơi khi vẫn còn khỏe mạnh, thu xếp được tài chính. Tôi cảm thấy may mắn khi đã đặt chân đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đến nay, một số địa danh tôi từng ghé thăm đã bị hủy hoại, không còn giữ được vẻ đẹp như trước. Thật đáng tiếc!", Đoan Trường cho hay.
Những vụ động đất xảy ra khắp thế giới
Hôm 6/2, trận động đất mạnh 7,8 độ xảy ra ở thành phố Gaziantep, tỉnh Kahramanmaras của Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng nghìn người bị chôn vùi, hàng loạt công trình sụp đổ, hư hỏng nghiêm trọng, trong đó có tòa lâu đài Gaziantep 2.000 năm tuổi, là di tích được UNESCO công nhận. Hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin: "Một số bức tường ở phía đông và nam của lâu đài bị sụp đổ, các mảnh vụn nằm rải rác trên đường, các lan can sắt xung quanh cũng bị hư hại".
Đoan Trường bồi hồi nhớ lại chuyến du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015. Nam ca sĩ dành 12 ngày khám phá toàn bộ quốc gia này, trong đó có lâu đài Gaziantep. "Đây là địa điểm tuyệt vời để chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố từ trên cao vì có đến 12 tháp xung quanh, chính giữa là các đường hầm, con hào còn khá nguyên vẹn. Tôi cảm thấy tiếc nuối khi nghe tin lâu đài Gaziantep hàng nghìn năm tuổi cũng bị tàn phá do trận động đất vừa qua", Đoan Trường nói.
Trước đây, một trận động đất 7 độ xảy ra ngày 8/8/2017 ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, gây tổn hại nghiêm trọng khu du lịch Cửu Trại Câu nổi tiếng. Cửu Trại Câu từng được ví như "thiên đường nơi hạ giới". Năm 1992, Cửu Trại Câu được UNESCO công nhận là "Di sản thiên nhiên thế giới". Đây từng là bối cảnh quay hai phim Tây Du Ký và Thần Điêu đại hiệp. Trận động đất năm 2017 đã dẫn đến sạt lở đất nghiêm trọng, phá hủy các con đường, làm nhiều khu vực không thể tiếp cận. Khoảng 40.000 du khách đang tham quan Cửu Trại Câu khi đó đã bị kẹt lại.
Đoan Trường cảm thấy bản thân cực kỳ may mắn khi từng có dịp đến Cửu Trại Câu, trước khi khu du lịch này bị ảnh hưởng vì động đất. "Tháng 7/2017, tôi tham quan Cửu Trại Câu và rời đi ngày 29/7. Đúng 9 ngày sau, nơi này xảy ra trận động đất kinh hoàng", nam ca sĩ nhớ lại.
Năm 2016, trận động đất 7 độ vào đêm 24/8 làm hơn 200 ngôi chùa 1.000 năm tuổi ở cố đô Bagan, Myanmar bị hủy hoại. Bagan là nơi có khoảng 2.500 đền chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ 11 đến 13, là một trong những điểm du lịch chính của Myanmar.
Các nhà khoa học với nhiều năm kinh nghiệm cho rằng việc trùng tu các di sản thế giới này có thể thực hiện. Tuy nhiên, nếu sử dụng những vật liệu hiện đại sẽ làm thay đổi kiến trúc và thiết kế ban đầu của những công trình. Do đó, sau vụ động đất, đại diện văn phòng UNESCO tại Bagan yêu cầu: "Không ai được chạm đến các mảnh vụn, vốn rất cần thiết cho việc tái thiết".
Đoan Trường đến Myanmar năm 2012, khi quốc gia này chưa bị nhiều nước cấm vận. Anh cho biết lũ lụt và động đất là hai hiện tượng thường xảy ra ở đây, do nước này nằm gần tâm đường đứt gãy địa chấn.
Những vụ hỏa hoạn làm hư hại các di sản thế giới
Ngày 15/4/2019, một đám cháy lớn do chập điện bùng phát trên mái nhà công trình Nhà thờ Đức Bà Paris ở Pháp, khi di tích có niên đại 856 năm tuổi đang được trùng tu, khiến cả thế giới bàng hoàng, lo lắng, cầu nguyện. Ngọn lửa phá hủy toàn bộ phần mái và tháp nhọn của nhà thờ. Lính cứu hỏa mất 12 tiếng mới dập tắt ngọn lửa. Ước tính sau vụ hỏa hoạn, quá trình phục hồi di tích này có thể kéo dài hàng thập kỷ, với chi phí dự kiến lên tới 3,3 tỷ USD.
Đoan Trường cho hay anh ghé Paris 3 lần vào các năm 2014, 2016 và 2019. Đây là thành phố châu Âu duy nhất anh đi du lịch ba mùa khác nhau. Lần dừng chân lâu nhất dài 14 ngày, vào mùa đông 2014. "Tôi yêu Paris đến nỗi biết rõ từng ngõ nhỏ, phố nhỏ, từng quán ăn hai bên dòng sông Seine. Tôi dành cả ngày chinh phục 387 bậc thang lên tòa tháp Nhà thờ Đức Bà, leo lên tháp chuông cao 70 m - hình ảnh nổi tiếng trong tác phẩm kinh điển Thằng gù nhà thờ Đức Bà, để ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Paris hoa lệ, từ trên cao".
Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia Ấn Độ là nơi trưng bày các mẫu vật bò sát, khủng long hóa thạch có niên đại 160 triệu năm. Đáng tiếc, nơi đây cũng là "nạn nhân" một vụ hỏa hoạn khủng khiếp xảy ra tháng 4/2016. Vụ cháy gây tổn thất lớn, nhiều mẫu vật cực kỳ quý hiếm, được xem như báu vật quốc gia bị hư hại.
Bảo tàng quốc gia Brazil có tuổi đời 200 năm ở Brazil bị "bà hỏa" viếng thăm tháng 9/2018. Hơn 20 triệu hiện vật lịch sử biến thành tro bụi dưới ngọn lửa. Nguyên nhân do chập điện phòng nghe nhìn của bảo tàng.
Thảm họa do lũ lụt, sóng thần, mưa bão
Ngày 15/11/2019, đợt thủy triều cao nhất trong 50 năm qua xảy ra, với mực nước đạt đỉnh 1,87 m, nhấn chìm 90% diện tích Venice khiến người dân và du khách đến thành phố này bàng hoàng. Tiếp đó, đêm 8/8/2021, quảng trường San Marco - "trái tim" thành phố du lịch này - bất ngờ ngập lụt, với mực nước ngập lên tới hơn 1m. Trận lụt nghiêm trọng khiến thành phố thiệt hại tới một tỷ USD. Hàng chục nhà thờ được UNESCO công nhận là di sản thế giới bị hư hại như hầm mộ St Mark ở Basilica cũng ngập hơn 1m trong nước lũ.
"Venice là thành phố thường xuyên xảy ra ngập lụt, trung bình 100 lần mỗi năm và có nguy cơ chìm hoàn toàn vào thế kỷ tới. Hiện tượng này do nhiều nguyên nhân, gồm triều cường cao bất thường, áp suất khí quyển thấp và gió lớn", Đoan Trường nói.
Anh cho biết mình đến Venice năm 2015 và được các hướng dẫn viên địa phương chia sẻ một sự thật đau lòng là cả thành phố đang chìm dần. Nền móng các tòa nhà ở đây được xây bằng cách sử dụng một hệ thống cọc. Các đoạn gỗ dài được dựng thẳng đứng xuống lớp bùn và đất sét của những đầm phá bên dưới, nên các nền móng này không chắc chắn.
Ba trận lũ lụt cuốn trôi nhà cổ ở Trung Quốc
Ngày 1/6/2022, mưa lớn tại tỉnh Hồ Nam khiến nhiều khu vực ở Phượng Hoàng cổ trấn - thắng cảnh nổi tiếng nhất của Trung Quốc bị ngập lụt nghiêm trọng, do nước sông Đà Giang dâng cao. Hơn 2.700 ngôi nhà cổ ven sông bị sập, buộc 286.000 người phải sơ tán. Hầu hết công trình kiến trúc tại cổ trấn này đều có từ thời nhà Minh, nhà Thanh hư hại nghiêm trọng và bị cuốn trôi, sạt lở. Đây là lần thứ ba thị trấn này chìm trong lũ quét, hai lần trước là vào các năm 2014 và 2020.
Đoan Trường thăm Phượng Hoàng cổ trấn năm 2017, sau khi nghe tin về trận lụt năm 2014. Anh cho biết vì sợ di tích này có thể bị hư hại thêm nên tranh thủ đến đây ngay khi có thể. Vì cấu trúc các công trình ở ở đây như nhà sàn ven sông được xây trên những cây cọc gỗ nên cổ trấn tiếp tục bị tổn hại, khi hứng chịu thêm nhiều trận lũ xảy ra năm 2020 và 2022.
Thảm họa động đất, sóng thần, lũ quét ở Nhật Bản
Ngày 11/3/2011, một trận động đất tới 9 độ xảy ra ở Đông Bắc Nhật Bản. Sau đó, các đợt lũ quét và sóng thần khổng lồ nhấn chìm nhiều thị trấn, làng mạc ở đây. Thảm họa "3 trong 1" hủy hoại hoàn toàn 30.034 ngôi nhà, với khoảng 20.000 người thiệt mạng và thiệt hại hàng tỷ yên, theo Japan Times. Nhật Bản là nước đứng đầu thế giới về hứng chịu thiên tai như lũ lụt, lở bùn, động đất, sóng thần và núi lửa phun trào.
"Dẫu biết các địa danh, di tích trên thế giới sau những cơn bão, lũ, hỏa hoạn, động đất rồi sẽ được sửa sang, tu bổ lại nhưng đâu ai có thể đảm bảo chắc chắn điều gì xảy ra trong tương lai? Vậy nên ngay bây giờ, chúng ta hãy tranh thủ tới thưởng lãm, chụp ảnh, tìm hiểu về các nền văn hóa trên thế giới. Hãy để mỗi góc phố, cây cầu, quán xá trở thành ký ức thật đẹp trong đời mình. Dù thời gian qua đi, kỷ niệm và hình ảnh vẫn là thứ còn tồn tại mãi mãi trong trái tim mỗi người", Đoan Trường nói.
Nam ca sĩ cho hay mỗi lần được ngắm nhìn những kiệt tác của thiên nhiên và người xưa để lại, lòng anh dâng lên niềm tự hào xen lẫn hạnh phúc. Không ít lần Đoan Trường bàng hoàng, xót xa, tiếc nuối khi thấy những danh thắng nổi tiếng, di tích lịch sử bao người mơ ước đến thăm một lần trong đời bị thiên tai phá hủy.
Từ khi còn trẻ, Đoan Trường dành nhiều thời gian, tiền bạc, công sức cho đam mê du lịch. Anh khám phá 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, 215 tỉnh thành khắp nơi trên thế giới, trong đó có nhiều nơi ít người có điều kiện đi như Sri Lanka, Lithuania, Belarus, Estonia, Uzbekistan, Latvia, Kazakhstan, Azerbaijan, Turkmenistan, Tajikistan, Jordan, Israel hay Palestine.
Ngày 22/2, nam ca sĩ lên đường thăm Ấn Độ 7 ngày. Tháng 3 năm nay, Đoan Trường trở lại châu Âu với kế hoạch chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Pháp, Đức, Hà Lan, Luxembourg, Bỉ. Tháng 4, anh có kế hoạch đi Morocco. "Trong tương lai, tôi sẽ đặt chân tới các quốc gia 'bí ẩn' như Triều Tiên, Cuba, Iran, Irag, Venezuela, Ả Rập Xê Út, Pakistan và 7 quốc gia trong liên bang Nam Tư cũ là: Croatia, Bosnia và Herzegovina, Bắc Macedonia, Serbia, Slovenia, Kosovo và Montenegro", Đoan Trường nói.
Đoan Trường tên thật là Đoàn Phước Trường, hoạt động nghệ thuật từ thập niên 1990. Anh được khán giả biết đến khi thể hiện ca khúc Đơn côi (nhạc Hàn Quốc, lời Việt) - nhạc phim Ước mơ vươn tới một ngôi sao. Đoan Trường sử dụng được 5 ngôn ngữ là Nga, Anh, Pháp, Hoa, Hàn. Năm 2008, nam ca sĩ tạm ngưng hoạt động nghệ thuật để làm việc cho các tập đoàn nước ngoài trong lĩnh vực dệt may, da giày ở nhiều vị trí quản lý cao cấp. Từ năm 2016, anh nghỉ hưu, bắt đầu hành trình du lịch, khám phá các quốc gia trên thế giới.
Ảnh: NVCC