Nam diễn viên lộ vẻ bối rối khi chứng kiến phòng chiếu kín chỗ. Anh nói: "Tôi không nghĩ các bạn trẻ yêu lịch sử và ủng hộ phim Đào, phở và piano nhiều đến vậy. Đây là dự án Nhà nước đặt hàng, với mong muốn truyền tải thông điệp lịch sử cho thế hệ trẻ, đưa người xem hoài niệm ký ức xưa cũ. Chân thành cảm ơn quý khán giả ủng hộ dòng phim lịch sử của nước nhà. Có thể phim chưa xuất sắc 100%, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để phát triển thêm, để sau này có thêm nhiều phim lịch sử tốt. Đây là niềm động viên rất lớn cho những người làm nghệ thuật".
Sự xuất hiện của Doãn Quốc Đam cùng nữ chính Cao Thùy Linh và đoàn phim gây bất ngờ cho khán giả, bởi hoạt động giao lưu này không được thông báo trước. Hai diễn viên mặc đồ theo đúng tạo hình của nhân vật trong phim.
Trong Đào, phở và piano, anh hóa thân Văn Dân - anh lính Vệ quốc quân mang tinh thần quả cảm, dù tính tình hơi nóng nảy. Nam diễn viên thể hiện sự lăn xả vì vai diễn trong loạt cảnh giao đấu, đọ súng, rượt đuổi với giặc Pháp. Diễn biến tâm lý của nhân vật cũng được anh thể hiện thuyết phục. Trong các cảnh tình cảm, anh và bạn diễn Thùy Linh kết hợp ăn ý.
Lần thứ hai đóng phim điện ảnh, Doãn Quốc Đam tự nhận bản thân còn nhiều thiếu sót, nhưng anh cho rằng nên "học bò rồi mới lo chạy". Nhận xét về nam chính, đạo diễn Phi Tiến Sơn nói đùa: "Ở ngoài cậu ta đẹp trai thế này, chứ lên phim te tua". Càng về cuối phim, tạo hình của Doãn Quốc Đam càng lem luốc, trầy trụa vì nhân vật trải qua hành trình dài tìm quân trang, kiếm cành đào mang về trận địa.
Trên phim trường, anh thường xuyên được hóa trang đen đúa, bụi bặm. Riêng với cảnh cuối, anh được bôi nhiều máu giả, hóa trang đôi mắt trúng đạn. Khoảnh khắc gần như hóa điên của nhân vật ở cảnh này gây xúc động với nhiều khán giả. Nam diễn viên tiết lộ cảnh này được quay ba lần và anh thấy hài lòng.
Sau thời gian tập thoại và làm tiền kỳ, Doãn Quốc Đam theo đoàn phim Đào, phở và piano ghi hình ở Vĩnh Phúc trong 60 ngày, từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023. Nam diễn viên cùng các bạn diễn nếm trải tiết trời giá lạnh, đôi khi chịu cái nóng bất thường vì mặc những lớp áo dày. Trên phim trường, có lúc anh thử "học nghề" quay phim, đeo thử dàn máy quay cồng kềnh; cùng các bạn diễn bày trò hài hước.
Đào, phở và piano gói gọn câu chuyện trong một ngày và đêm cuối của chiến dịch Đông - Xuân 1946-1947, trước khi quân Việt Minh rút lên chiến khu Việt Bắc. Phim được Nhà nước đầu tư 20 tỷ đồng, thực hiện bởi đạo diễn Phi Tiến Sơn (từng làm phim Lạc giới, viết kịch bản phim Kiều).
Dịp Tết, phim chỉ chiếu duy nhất ở một cụm rạp tại Hà Nội với suất chiếu hạn chế. Nhờ một video phổ biến trên mạng xã hội, phim sốt vé từ mùng 7 Tết. Hiện tại, phim được mở thêm suất chiếu và có thêm hai hệ thống rạp nhận trình chiếu phim.
Phong Kiều