Hai công ty Long Hải (TP HCM) và Thăng Long (Hà Nội) là hai gương mặt xuất hiện đầu tiên trong làng vệ sĩ, lúc ấy tỷ lệ "chọi" tuyển dụng sát rạt: 300 hồ sơ chỉ chọn 37.
8 năm qua các công ty vệ sĩ ồ ạt ra đời, khoảng 30 công ty đang góp mặt làm "chợ " lao động nóng lên, diễn biến tuyển dụng thường xuyên trong tình trạng "sốt" vì lượng lao động phải chia đều các công ty, như Yuki Sepre 24 hằng tháng cần tuyển 100 lao động nhưng số hồ sơ gửi về không đủ đáp ứng và thị trường cứ thế mở dần đến các tỉnh thành xa.
Yuki Sepre 24 đã phải "chiêu quân" từ các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Anh Vũ Đức Mão, phó giám đốc hành chính - nhân sự, cho biết: "Tại thành phố, nhiều công ty cùng "chiêu quân" nên ít hy vọng. Mặt khác, qua hội chợ việc làm của các tỉnh, chúng tôi đem thông tin tuyển dụng đến đấy một phần cũng vì thanh niên thành phố công tử hơn thanh niên nông thôn, khó thích hợp với nghề gian khổ này".
Tuyển vệ sĩ vẫn đang khó như tuyển... người mẫu! Ngoài những tiêu chuẩn tuổi từ 18 đến 38 (tùy công ty), tốt nghiệp THPT, có sức khỏe, không tiền án tiền sự, biết võ thuật... thì ngoại hình cũng được chọn không khác gì người mẫu: nam cao từ 1,7m, cân nặng 60 kg; nữ cao từ 1,6m, nặng 50 kg (tỷ lệ nữ vệ sĩ chỉ chiếm 10-15%). Nhưng sự "vạm vỡ" cũng chưa phải là thử thách duy nhất...
Đòi hỏi hàng đầu của nghề, theo các "ông tổ nghề", chính là đạo đức, tinh thần trách nhiệm, vì thế phân nửa khóa huấn luyện từ 2 đến 6 tháng, học viên sẽ học về đạo đức, kỹ năng nghiệp vụ, chính trị... và phân nửa thời gian để luyện tập thể lực (võ thuật).
Để đeo "lon" vệ sĩ chính thức, người lao động phải mất tiền học phí cho khóa huấn luyện đó với mức từ 600.000 đến 750.000 đồng (tùy từng công ty), sau đó mới bước vào giai đoạn thử việc 1-2 tháng. Có "duyên" thì bạn sẽ trở thành vệ sĩ chính thức (thu nhập bình quân của vệ sĩ mới vào nghề từ 1.250.000 - 1.500.000 đồng).
"Những khóa huấn luyện rất thú vị! Không thành vệ sĩ cũng,... "bổ ngang dọc" đâu đó mà!", Phạm Thị Thanh Tuyền, cô gái vừa đậu vào Cao đẳng Sư phạm thành phố HCM nhưng muốn "oai" như anh trai nên thi vệ sĩ, cho biết. Gia đình cho cô thoải mái lựa chọn, muốn dịu dàng như cô giáo hay mạnh mẽ như vệ sĩ cũng được, nên cô đã "xách cặp" đi học làm vệ sĩ.
Theo Tuổi Trẻ, nghề vệ sĩ làm xôn xao dư luận mấy năm nay lại không hẳn vì chuyện hút "hàng" hay lương bổng, mà chính vì từ nghề này đã xuất hiện nhiều bạn trẻ có tư chất dũng cảm, xả thân vì người khác.
Nguyễn Ngũ Tín (Công ty dịch vụ bảo vệ Long Hải) là điển hình. Bỏ nghề quay phim đã đeo đuổi năm năm trời, theo nghề vệ sĩ được vài năm, tên tuổi anh "nổi như cồn" sau khi trở thành người hùng cứu người trong cơn hỏa hoạn của tòa nhà ITC vào cuối năm 2002.
Hình ảnh Tín "nhan nhản" trên truyền hình, báo chí... không khác gì "sao" trong làng biểu diễn! Trong buổi tuyên dương, nhận bằng khen của ban giám đốc Công an thành phố, Tín thú thật: "Tôi nghĩ chắc 99% mình sẽ chết khi quay lại đám cháy tìm người phụ nữ kêu cứu đó. Nếu tôi có chết thì cũng xứng đáng vì tôi đã cứu được sự sống của nhiều người khác. Tôi vẫn tâm niệm ai coi thường sự sống thì người đó không đáng sống".
Giữa sự sống và cái chết, phải chọn sự sống của người khác - đó là một trong những nội dung được giảng dạy cho người vệ sĩ khi bước chân vào nghề.
Ông Phan Văn Xoàn - Tổng Giám đốc Công ty Long Hải - luôn nhắc nhở nhân viên: "Chúng tôi muốn xây dựng hình ảnh vệ sĩ không chỉ là võ thuật, mà còn phải trí tuệ để xử lý tình huống vì đặc thù công việc luôn gặp những bất ngờ". Và từ hình ảnh các vệ sĩ đã quên mình cứu người trong đám cháy tòa nhà ITC vào cuối năm ngoái, ngay sau sự kiện đó, Công ty Long Hải đã phát động hẳn phong trào học tập thi đua những vệ sĩ trẻ này...