![]() |
Fanny hứng thú với cuộc sống tại Anh. |
"Tôi sắp tới London để làm việc. Tại đó, bạn có thể làm được mọi thứ từ học điệu salsa cho tới bắt tay vào một công việc đầy thách thức”, Fanny nói.
Fanny là một trong những sinh viên ra trường ở Pháp đã tới sống tại Anh. Như những người khác, cô dự định dừng chân một thời gian nhưng cuối cùng ở lại hẳn. Rất khó hiểu tại sao ai đó lại rời bỏ một đất nước với đồ ăn ngon hơn, phương tiện giao thông tốt hơn, những bữa ăn trưa dài hơn và hệ thống phúc lợi xã hội rộng rãi hơn - những ưu điểm mà ai cũng phải thừa nhận ở Pháp. Câu trả lời đơn giản là phần lớn mọi người đến Anh để tìm việc.
Fanny đến làm việc cho chi nhánh tại Anh của Natoora, một công ty “cơm hộp” từ pho mát dê và xúc xích đến hoa quả và rau sạch theo mùa. “Dù không có nhiều kinh nghiệm kinh doanh, khởi nghiệp tại Anh khá dễ dàng”, Fanny nói. Việc tương tự khó có thể xảy ra ở Pháp.
Lý do của Fanny cũng là nguyên nhân chính khiến rất nhiều công dân trẻ trong độ tuổi 20-30 của Pháp bị hấp dẫn bởi Anh quốc. Họ chán nản với cách thức mà mọi thứ diễn ra ở Pháp. Tổng thống Mỹ George W Bush từng nói trong một bài phát biểu rằng: “Vấn đề đối với nước Pháp là họ thiếu tiếng nói của doanh nghiệp”. Có thể lời bình luận này gây ra nhiều khó chịu và cả những nụ cười mỉa mai, nhưng cũng có không ít người đồng ý với nhận định thẳng thắn của ngài Bush.
Đầu năm nay, Bộ trưởng tài chính Pháp Thierry Breton, than thở tình trạng “thiếu văn hóa kinh kế một cách đáng kể” của đất nước. Điều này phần nào giải thích tại sao 15.000 bỏ sang Anh mỗi năm. Đại sứ quán Pháp cho biết có 270.000 người Pháp sống tại Anh, nhưng nhiều nguồn khác cho rằng còn nhiều hơn thế, phải đến 350.000 người.
Boris Hure, đã tới Anh 10 năm trước và hiện làm việc cho một công ty tư vấn thông tin nói rằng các doanh nghiệp tại Pháp nằm dưới sự lãnh đạo của “những người tóc đã ngả màu”. “Tôi ra đi vì không chịu được ý nghĩ rằng kinh doanh có nghĩa là làm theo cung cách của các bậc cha chú”, Boris nói.
Hệ thống giáo dục của Pháp cũng đang chịu phê phán vì ngày càng khắt khe, tuyển chọn và không linh hoạt. Những sinh viên có năng lực đều lựa chọn các “Grandes Ecoles” - những trường đại học được đầu tư hàng đầu tại Pháp hay những trường đại học tiêu chuẩn. “Những sinh viên xuất sắc là những người được giáo dục một cách hàn lâm rất tốt nhưng họ không nhạy bén với thương trường” Guillaume Rigal, người đã bỏ Pháp để học MBA tại trường Quản trị kinh doanh London, nhận xét.
“Xu hướng tốt nhất ở Pháp là làm việc cho nhà nước”, anh nói thêm. Không như ở nhiều nước Anglo-Saxon, nhiều người Pháp vẫn giữ sự hoài nghi với chủ nghĩa tư bản giải phóng và nhiều doanh nghiệp Pháp vẫn “quyện chặt” vào nhà nước.
Hơn 1/5 những người Pháp trong độ tuổi 18 đến 25 thất nghiệp, gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia. “Ngay làm việc sơ đẳng tại một quán bar củaPháp cũng yêu cầu lý lịch và thư xin việc. Những ai đã tìm được việc ổn định, thì chẳng bao giờ dám bỏ” Boris chỉ trích thị trường lao động cứng nhắc ở Pháp.
Trong lúc đó, người lao động lại rất dễ tìm việc tại Anh “Kỹ năng duy nhất được tính đến là họ có một phẩm chất trên giấy tờ chứ không phải là kinh nghiệm” Magali Kerbellec, giáo viên người Pháp, 36 tuổi, nói. Cô đã theo bạn trai tới London, và tiếp tục ở lại cả khi 2 người đã chia tay.
Paskell Etesse, chuyên gia phân tích phần mềm của Reuters, đồng ý với quan điểm dễ tìm việc tại Anh: “Tại London, quan trọng là điều bạn có thể làm, chứ không phải là điều bạn đã làm”, anh nói.
![]() |
"London cởi mở với người nước ngoài hơn Paris", Agnes-Prune nói. |
Theo BBC, một vấn đề khác là chế độ bảo đảm công việc tại Pháp. Những hợp đồng ngắn hạn không có bảo hiểm là những luật định lao động tại Pháp. Chính điều này đã khiến Agnes-Prune Sene, 29 tuổi, rời khỏi Paris sau khi đã những ký hợp đồng ngắn hạn trong suốt 3 năm. "Vấn đề đối với người trẻ ở Pháp không phải là luật mà là tâm lý. Công việc không chắc chắn khiến cho khó thuê một căn hộ hay mở một tài khoản", cô nói.
Nhưng không phải tất cả đều tuyệt vời tại Anh. Tìm việc có thể dễ nhưng lương khởi điểm thường thấp. Fanny chỉ kiếm được 800 bảng/tháng khi là lễ tân tại nhà hàng Le Pont de la Tour tại London. Agnes-Prune kiếm được 14.000 bảng/năm tại công ty cá cược Swedish. Tuy nhiên, đối với nhiều người Pháp dễ kiếm việc và có cơ hội tiến bộ nhanh là những điểm hấp dẫn đủ làm họ hài lòng. Paskell kiếm được hơn 30.000 bảng và Boris được trả 50.000 bảng mỗi năm. Họ đều cho rằng chi phí ở London khá đắt đỏ nhưng cuộc sống của họ vẫn luôn đảm bảo
Mặc dù vậy, trong khi say sưa tán dương những ưu điểm, hấp dẫn của London suốt 1 giờ, Fanny vẫn nhấn mạnh rằng: “Pháp vẫn là ngôi nhà của tôi” và thêm rằng có nhiều khả năng cô sẽ quay lại quê mẹ một ngày nào đó. Tại Pháp, những chế độ trợ cấp gia đình từ nhà trẻ tới trợ cấp đi lại đều rộng rãi hơn ở Anh. “Nước Anh cung cấp cơ hội việc làm, còn Pháp lại dành cho dịch vụ xã hội”, nhiều người Pháp thừa nhận. Thêm nữa, đa phần đều nhớ đồ ăn Pháp. “Một thứ tôi thực sự thèm là pho - mát rất ngon của Pháp”, Guillame nói.
Thu Lê