“Nếu có vị trí đẹp sớm hơn thì không chỉ Louis Vuitton, mà rất nhiều đại gia khác trong làng thời trang, thương mại thế giới sẽ đổ bộ vào TP HCM từ sớm”, đó là chia sẻ của ông Thierry De Longevialle, Giám đốc điều hành Louis Vuitton Thái Lan và Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam mới đây.
Tương tự Louis Vuitton, Vertu và Gucci đã phải kiên nhẫn chờ đợi mới thuê được vị trí ngay mặt tiền đường Đồng Khởi của khách sạn Sheraton Sài Gòn. “Đó là vì bắt buộc phải vào để cạnh tranh thị phần với Louis Vuitton và các hãng thời trang khác, chứ Gucci vẫn chưa hài lòng với vị trí hiện tại”, đại diện Gucci tại Việt Nam lý giải.
Đây chỉ là hai trong hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng khác của nước ngoài đang rất muốn đổ bộ vào TP HCM thời kỳ “hậu WTO” khiến nhu cầu thuê mặt bằng trung tâm thương mại tại đây tăng đột biến trong 2 năm nay.
Không chỉ các hãng thời trang danh tiếng, ngay các hãng thực phẩm như KFC, Lotteria hoặc Gloria Jean Coffe đã sắp đặt kế hoạch “đổ bộ” vào thị trường TP HCM từ rất lâu với dự kiến mở rộng mạng lưới kinh doanh theo cấp số nhân. Tuy nhiên, chỉ KFC và Lotteria là có vẻ đạt được tốc độ đề ra, vì vị trí yêu cầu của họ chỉ là ngay ngã tư, đông người qua lại.
Trong khi đó, yêu cầu đặt ra khi tìm mặt bằng của các đại gia thời trang là vị trí phải đẹp, lãng mạn, trung tâm, thuận lợi về giao thông, có tính bao quát, chất lượng phải đạt chuẩn 5 sao về dịch vụ, tính liên thông với khu vực hạ tầng xung quanh phải tốt, diện tích phải lớn bình quân tối thiểu 1.000 m2.
Đặc biệt, nơi đó phải có đông người qua lại và theo quan điểm mỹ thuật là phải hút được tầm mắt của người lưu thông trên tuyến... Với một loạt các yêu cầu này thì số vị trí đáp ứng được ở TP HCM nhỏ hơn 10. Đây chính là lý do phải săn tìm mất 10 năm, Louis Vuitton mới khai trương hoạt động của mình tại Việt Nam.
Trong khi đó, theo khảo sát mới đây của CBRE, thị trường trung tâm thương mại cho thuê của TP HCM hiện nay khan hiếm nguồn cung.
Khảo sát này cũng cho biết, từ nay đến năm 2010, TP HCM sẽ có thêm 30.000 m2 trung tâm thương mại mới được đưa vào khai trương, trong đó có khoảng 4.275 m2 dành cho kinh doanh thời trang; 5.700 m2 dành cho đồ nội thất; 1000 m2 cho ẩm thực... Nhưng hầu hết các vị trí đẹp của các dự án này đều đã có chủ từ cách nay 2 năm, dù các dự án phải mất 2-3 năm nữa mới hoàn tất.
Chính việc chênh lệch cung cầu này đã khiến giá thuê mặt bằng trung tâm thương mại tại TP HCM liên tục tăng với tần suất 21%/năm và dự báo trong năm nay, mức tăng sẽ vào khoảng trên 30% với giá thuê trung bình 80-130 USD/m2. Mức giá này đã góp phần đưa giá thuê trung tâm thương mại của Việt Nam lên hàng thứ 7 trong top 10 thành phố có giá thuê trung tâm thương mại cao nhất châu Á.
Đó là chưa kể, theo dự báo của Hiệp hội Doanh nghiệp bất động sản TP HCM (Horea), nhà đầu tư bán lẻ, tập đoàn thương mại từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong đang nỗ lực rút ngắn tiến trình khảo sát để sớm xác định sự có mặt của mình tại Việt Nam, trong khi các thị trường lân cận như Trung Quốc, Thái Lan đang có nhiều bất ổn.
Theo ông Marc Towsen, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, chênh lệch cung cầu trong lĩnh vực mặt bằng trung tâm thương mại tại TP HCM sẽ còn mất cân đối trong 2-3 năm nữa khiến giá thuê sẽ tiếp tục được đẩy lên cao, trở thành rào cản lớn cho nhiều nhà đầu tư đến sau.
Để giải quyết bài toán này, Tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Horea cho rằng, chính quyền thành phố và Trung ương cần sắp xếp lại một cách hợp lý diện tích đất mà các cơ quan nhà nước đang sử dụng, nhằm tạo thêm quỹ đất để xây dựng các trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê. Vì nếu tình trạng khan hiếm văn phòng cho thuê cao cấp kéo dài, sẽ có thể làm cho đối tác nước ngoài chuyển hướng đầu tư đến các quốc gia lân cận.
(Theo Đầu Tư)