Đãi cát tìm... sỏi
Nhắc đến chuyện tìm ngoại binh, Trưởng đoàn bóng đá Nam Định Nguyễn Hưng Thái như bị chạm đúng... chỗ ngứa, ông kêu: "Kiếm người (ngoại binh) bây giờ khó quá. Phổ biến trên thị trường bây giờ vẫn là hàng dạt, hàng trôi nổi. Có cầu thủ nào mà tàm tạm thì ông môi giới hét toáng lên: 'Ông không lấy là người khác lấy mất ngay đấy'".
Thế là lao vào nâng giá. So với các nước xung quanh, các CLB VN phải trả lương cho ngoại binh cao hơn mà chất lượng chuyên môn lại không bằng. Ông Thái kể, giai đoạn một, Nam Định đã thử việc 7-8 cầu thủ nhưng không được ai.
Bây giờ, họ cũng tìm được một người bổ sung cho giai đoạn hai, nhưng thông qua con đường vòng. Một cầu thủ trong đội giới thiệu, chất lượng thì chỉ biết... trông cậy vào "mắt xanh" của người giới thiệu mà thôi.
Cũng trong tình cảnh tương tự, GĐĐH SLNA Hồ Văn Chiêm cho biết đến giờ, SLNA vẫn đang tìm một vị trí ngoại binh mà chưa ra, vì "thị trường cầu thủ ngoại ở VN bây giờ toàn hàng trôi nổi, tìm mỏi mắt cũng không ra một cầu thủ tạm được".
Không khá hơn, GĐKT của HN.ACB Lê Khắc Chính lo lắng vì CLB đã thử việc 6 cầu thủ ngoại chỉ để tìm một tiền đạo, nhưng hiện chưa chọn được ai.
![]() |
HAGL cũng đang lao đao vì ngoại binh chưa phát huy hiệu quả. |
Ở giai đoạn một, HAGL thử mười mấy cầu thủ nhưng không ai vừa ý, kể cả cầu thủ được giới thiệu từng đá World Cup. Giai đoạn hai này "đốt đuốc" đi tìm thì được hai cầu thủ Brazil chất lượng cũng ở mức... tàm tạm, nhưng vẫn phải dùng vì hàng tiền đạo đang bị... liệt.
Bóng đá VN đã làm chuyên nghiệp được 7 năm, ngân sách của mỗi CLB đều tăng lên rất nhiều và VN cũng đã có những nhà môi giới chuyên nghiệp được FIFA cấp phép. Nhưng chuyện thuê ngoại binh vẫn trong tình trạng ăn đong, bấp bênh như cũ. "Ngay cả những nhà môi giới cũng không nắm được thông tin chính xác về chất lượng cầu thủ, tất cả đều chỉ biết qua trích ngang trên mạng. Những cầu thủ giỏi một chút thì lại không chọn VN, bởi họ chẳng biết gì về BĐVN, họ coi VN là đất trũng trong vùng trũng Đông Nam Á", ông Lê Khắc Chính bày tỏ.
Trưởng đoàn Nam Định thất vọng cho rằng: "Không thể trông cậy vào các nhà môi giới, kể cả đại lý chính thức của VN được FIFA cấp phép. Thử nhìn xem, họ đã giúp được CLB nào đâu. Không hiệu quả, giá rất cao mà chất lượng chuyên môn không cao". GĐKT của HAGL Nguyễn Văn Vinh cũng nêu hai lý do đơn giản để những ngoại binh có chất lượng không mặn mà đến VN: "Thứ nhất, họ sợ không phát huy được khả năng ở VN. Thứ hai, cầu thủ có chất lượng thật sự thì giá cao".

Không nhiều CLB có những ngoại binh chất lượng như Philani (xanh).
Tìm một lối thoát
"Tự thân vận động", một số CLB bắt buộc phải chọn cách này. Nam Định cho biết không thể "há miệng chờ sung" nên cuối năm nay chắc chắn sẽ phải "khăn gói quả mướp" lên đường tự đi tìm cầu thủ chuẩn bị cho V-League 2008. Tuy nhiên, bài học của Đà Nẵng chịu chơi hồi đầu mùa giải tốn cả đống tiền sang Brazil mua cầu thủ, nhưng cuối cùng ra về tay trắng vì đắt quá không kham nổi, cũng là một bài học và kinh nghiệm quý cho những CLB muốn chọn con đường này.
HAGL từng hướng đến thị trường Đông Âu nhưng rồi cũng chào thua vì những cầu thủ... chơi được ở đây không biết gì về bóng đá VN và không thích đến VN. Không nhiều CLB có mối quan hệ rộng và đặc biệt như Thể Công để có thể có nhiều lựa chọn khi có chủ trương thuê ngoại binh. Đa số CLB đành chọn cách như HN.ACB là "Trông chờ vào uy tín của các nhà môi giới". Và như thế, chuyện thuê ngoại binh đối với BĐVN vẫn không tránh khỏi cảnh bị động.
GĐ kỹ thuật HAGL Nguyễn Văn Vinh: |
"Tôi thiết nghĩ, sao VFF không gửi công văn đến Bộ Ngoại giao và nhờ họ đề nghị các vị đại sứ hay tuỳ viên văn hoá của VN ở nước ngoài giúp đỡ trong việc tìm và giới thiệu cầu thủ cho các CLB, như trước kia các vị đại sứ đã làm nhiệm vụ giới thiệu hàng hoá VN ra nước ngoài vậy? Ở cương vị của mình, các vị đó có thể làm việc với LĐBĐ các nước bạn, đặt ra yêu cầu giới thiệu cầu thủ ở đẳng cấp phù hợp. Hoặc VFF có thể đề nghị các doanh nhân VN có điều kiện tiếp xúc, đi nhiều nước đặt vấn đề tìm giúp. Tôi nghĩ đó cũng là một cách để tiếp thị hình ảnh bóng đá VN, nhưng cần nhất là phải có một tổ chức đứng ra làm việc đó, không ai khác là VFF". |
(Theo Lao Động)