- Lý do gì khiến anh quyết định tham gia New York Fashion Week sau nhiều năm tổ chức show độc lập?
- Khi thành lập thương hiệu, chúng tôi đã hoạch định từng bước phát triển cụ thể. Trong đó, việc tiến ra thị trường quốc tế là một trong những mục tiêu lớn. Xây dựng chiến lược phát triển, cửa hàng, hệ thống network... là những phần cứng phải làm. Bên cạnh đó, để tạo dấu ấn, vẫn cần một điểm nhấn mở đầu.
Mỹ là một trong những thị trường thời trang lớn. Còn New York Fashion Week thì danh tiếng, chất lượng có lẽ không phải bàn thêm nữa. Vì vậy, chúng tôi đặt mục tiêu đây là điểm đến để mang SIXDO ra thế giới. Việc được xuất hiện, tham gia sự kiện này không hề dễ, nhưng chúng tôi thích sự thử thách và chinh phục. Khi chơi một trò chơi quá đơn giản, đôi khi ta dễ chủ quan và thấy nhàm chán. Sức mạnh của con người sẽ thể hiện rõ trong những thử thách. Hơn nữa, muốn phát triển phải hướng đến những điều mới mẻ.
Hơn chục năm hoạt động tại Việt Nam, đã tiên phong tổ chức nhiều show lớn độc lập nhưng không ít lần tôi được đặt câu hỏi: "Bao giờ tiến ra quốc tế?". Có người hỏi vì quan tâm, cũng có người mang ý giễu nhại. Có lúc tôi chọn im lặng, và có lúc đã lên tiếng. Tạm gác những điều đã đến trong quá khứ, tôi quan niệm: Hãy làm điều bạn muốn khi bạn sẵn sàng cho tất cả. Tôi không vì sự thúc ép, lời ra tiếng vào hay sự so sánh từ bên ngoài để buộc mình phải bước đi, khi bản thân chưa thực sự thoải mái, sẵn sàng.
Theo tôi, tham gia New York Fashion Week giống như việc bạn trồng cây vậy. Nó sẽ có từng giai đoạn phát triển phù hợp. Bạn cũng không thể đến một buổi tiệc thời trang mà mặc suit nhưng đi dép tông được. Nền tảng phải thực sự chắc và hoàn chỉnh, tôi mới tự tin bước ra bên ngoài.
- Anh trải qua quá trình đàm phán thế nào để có được một suất diễn chính thức trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang New York?
- Tháng 2/2021, chúng tôi bắt đầu làm việc với đội ngũ của IMG - đơn vị tổ chức New York Fashion Week. Chúng tôi cần chuẩn bị hồ sơ, thông tin cho họ biết chúng tôi là ai, tiềm lực phát triển ra sao tại Việt Nam, dấu ấn đã tạo ra như thế nào... Nghe sơ qua có thể đơn giản nhưng đó là sự tổng hợp tư liệu phát triển qua một chặng đường dài hơn chục năm. Tôi tin chắc khi hình dung sơ lược, mọi người có thể biết ngần ấy năm có đầy sự ngọt ngào và cũng lắm cay đắng, gian truân. Kinh doanh chưa bao giờ dễ giành phần thắng, chứ chưa tính đến việc duy trì được danh tiếng, vị trí trong thời gian dài. Cuối cùng, chúng tôi nhận được sự đồng ý.
Tháng 12/2021, chúng tôi lên đường sang Mỹ để khảo sát, chuẩn bị cho show diễn. Thời điểm này, đại dịch Covid-19 vừa được kiểm soát không lâu nên việc đi nước ngoài tương đối khó, cần nhiều thủ tục cũng như việc xét nghiệm. Khi đến Mỹ, biến chủng mới lại xuất hiện nên quá trình làm việc, khảo sát với phía IMG không thể diễn ra như dự kiến. Chuyến đi này tiêu tốn khá nhiều kinh phí nhưng chúng tôi đành trở về khi mọi việc chưa thể tiến hành.
Kế hoạch phải thay đổi sau đó, chúng tôi tiếp tục tổ chức các show trong nước vào năm 2022, đồng thời thương thảo, làm việc với phía IMG để chọn thời điểm thích hợp. Đến nay, sau hai năm rưỡi, kế hoạch mới thành hiện thực.
Tại Việt Nam, kế hoạch tổ chức show và thời gian, địa điểm luôn được chúng tôi chuẩn bị trước một năm để chủ động sắp xếp công việc, nhân sự. Tuy nhiên, tại New York Fashion Week, chúng tôi chỉ được thông báo về lịch trình, lựa chọn địa điểm, khung giờ trình diễn trước khoảng ba tháng. Nhiều khách hàng trước nay đều mong muốn biết kế hoạch của chúng tôi nhằm chuẩn bị mọi thứ để tham gia show, trong khi lần này sự chủ động không được như vậy. Nhưng nhìn chung, đây là một trải nghiệm đáng giá với tất cả.
- Anh gặp những thách thức nào khi làm show ở một trong 4 tuần lễ thời trang lớn nhất thế giới?
- Có rất nhiều khó khăn, khác biệt giữa cách làm việc của chúng tôi trước nay và quy định tại tuần lễ thời trang. Chẳng hạn, việc casting người mẫu phải thông qua các giám đốc tuyển chọn. Mỗi nhà thiết kế, thương hiệu cũng phải thuê stylist, nhưng tôi sẽ đảm nhận luôn vai trò này tại show sắp tới. Trước ngày diễn, chúng tôi phải tuân theo lịch trình được đưa ra, đảm bảo giờ giấc chính xác tuyệt đối. Từng bước đều được quy ra tiền.
Êkíp quay phim, chụp ảnh được chúng tôi đưa từ Việt Nam sang. Nhưng muốn sử dụng thêm thiết bị có sẵn tại studio, chúng tôi buộc phải trả thêm tiền. Chi phí thuê thiết bị tại đây, kể cả những vật dụng như sào treo quần áo ở hậu trường đều rất đắt đỏ vì được tính phí vận chuyển, bảo hiểm...
Lần này, chúng tôi thuê những đội ngũ có tiếng tại tuần lễ thời trang để làm việc. Phần makeup do êkíp Hung Vanngo đảm nhận, đội ngũ chuyên gia người Nhật phụ trách làm tóc cho dàn mẫu. Họ luôn yêu cầu xem trang phục trước để chọn layout phù hợp, tuyển lựa người mẫu đúng tinh thần trang phục... Người mẫu tại đây được chăm sóc rất kỹ, có nhiều khác biệt. Chẳng hạn, khi model bị dị ứng hoặc không thể sử dụng sản phẩm nào đó, khâu trang điểm phải cẩn trọng hết mức có thể. Hơn nữa, người mẫu chạy show khá nhiều trong suốt tuần lễ này nên việc makeup phải thực hiện nhanh chóng, theo guồng.
Tại Việt Nam, chúng tôi thường tổ chức show ở những địa điểm đặc biệt hoặc dựng bối cảnh hoành tráng tại các trung tâm sự kiện lớn. Còn ở Mỹ, ban đầu chúng tôi muốn thực hiện show tại Công viên Central Park hoặc một địa điểm mang tính biểu tượng của New York. Nhưng để làm được, chúng tôi phải mất thêm thời gian xin phép chính quyền, cộng với những thách thức về nhân sự. Cuối cùng, theo gợi ý từ tuần lễ thời trang, chúng tôi chọn Spring Studios.
Chúng tôi cũng phải làm việc với êkíp ở Việt Nam. Việc trái múi giờ là thách thức lớn trong quá trình tổ chức show lần này, và không phải nhân sự nào sang Mỹ cũng giỏi tiếng Anh. Thời điểm này, các tín đồ thời trang, khách du lịch toàn cầu sẽ đổ về New York. Vì thế, chi phí ăn ở, đi lại sẽ đắt đỏ hơn.
Trong show lần này có hàng trăm khách mời và thành viên êkíp từ Việt Nam. Việc xin visa đến Mỹ cũng rất khó khăn. May mắn, chúng tôi được Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và Tổng lãnh sự Mỹ tại TP HCM hỗ trợ. Có thể nói đây là việc chưa có tiền lệ, và chúng tôi rất biết ơn, trân trọng.
- Theo anh, đâu là những khác biệt khi hợp tác với đơn vị tổ chức New York Fashion Week?
- Một trong những điều đó là khách mời được quản lý thông qua agency, phải cung cấp thông tin lý lịch cơ bản để kiểm tra an ninh. Khi đến check-in tại show, chỉ những người có tên đúng với thông tin khai trước đó mới được vào. Vấn đề an ninh trong show được thắt chặt. Bất kỳ yếu tố nào liên quan đến show, dù lớn hay nhỏ, chúng tôi cũng phải ký kết xác nhận với đơn vị tổ chức để đảm bảo các vấn đề như: bảo hiểm, bản quyền, sự cố...
Khoảng ba tháng trước sự kiện, ban tổ chức thông báo lịch trình cụ thể cho các thương hiệu và họ sẽ được chọn giờ, suất trình diễn, địa điểm. Tuy nhiên, đôi khi khó chọn được giờ diễn như mong muốn vì các khung giờ đẹp thường được ưu tiên cho những nhà mốt đã hợp tác lâu năm với tuần lễ thời trang. Chẳng hạn, chúng tôi mong có thể tổ chức vào chiều 9/9 nhưng không được. Bù lại, chúng tôi vẫn may mắn chọn được giờ đẹp vào ngày 10/9, lúc 15h. Địa điểm trình diễn chỉ được sử dụng trước và sau show khoảng 6 tiếng để đảm bảo cho show của thương hiệu khác.
Về chi phí, mỗi lần thanh toán phải theo tỷ giá tiền tệ thời điểm đó. Chúng tôi phải có luật sư giám sát quá trình làm việc, hợp đồng giữa chúng tôi và IMG. Nếu việc thanh toán không đúng thời hạn đề ra, ví dụ bị trễ do lệnh chuyển tiền đi chậm, thì chúng tôi phải ký hợp đồng mới với các bên liên quan.
IMG là đơn vị tổ chức tuần lễ thời trang nhưng chúng tôi phải làm việc thông qua nhiều agency để hoàn thiện các khâu như: khách mời, địa điểm tổ chức, người mẫu. Chúng tôi mong muốn có người mẫu Việt Nam trình diễn nhưng phải có giấy phép từ tuần lễ thời trang. Mỗi bộ sưu tập trước đây của tôi đều có số lượng thiết kế lớn, có khi lên đến 180 mẫu. Tuy nhiên, ở New York Fashion Week, con số này phải rút xuống, ban đầu dự kiến 60, nhưng chốt lại còn 50 mẫu. Bởi thế, số lượng model cũng ít nhất từ trước đến nay, chỉ khoảng 25 người trình diễn.
Đây là show thời trang ngắn nhất, số lượng thiết kế và người mẫu trình diễn ít nhất, đường catwalk ngắn nhất... nhưng chi phí lớn nhất trong những show chúng tôi từng thực hiện.
- Cụ thể, anh đầu tư nguồn lực tài chính ra sao cho chương trình lần này?
- Con số ước tính vượt mức một triệu USD. Đây mới là chi phí cơ bản để tổ chức show, chưa bao gồm những khoản bên lề như vé máy bay, khách sạn... cho êkíp. Còn một việc khác chúng tôi đang đàm phán, nếu hiện thực hóa được thì kinh phí sẽ tăng lên rất nhiều nữa. Với mức tài chính này, ở Việt Nam, chắc chắn chúng tôi sẽ tổ chức được show diễn quy tụ vài ngàn khách mời.
Về nhân lực, chúng tôi cộng tác phần lớn với những người tại Mỹ theo yêu cầu từ đơn vị tổ chức. Tuy nhiên, cũng sẽ có đội ngũ chuyên môn như quay phim, chụp ảnh, trợ lý... từ Việt Nam sang, khoảng vài chục người. Vì đã quen với guồng công việc trước nay nên họ sẽ góp phần điều phối, giúp mọi việc trôi chảy hơn. Chi phí cho mỗi cá nhân khoảng vài trăm triệu đồng trong chuyến đi này.
Tuy phải chi một số tiền không nhỏ, chúng tôi luôn tin việc đầu tư vào con người chưa bao giờ là phung phí. Bởi khi nhân sự đủ tốt, chất lượng, công việc mới hoàn thành tốt được.
- Anh trông đợi sự xuất hiện của nhân vật nào nhất trên hàng ghế đầu?
- Show lần này có 350 khách mời, tất cả đều ngồi front row. Trong đó sẽ có số lượng lớn biên tập viên, người quản lý đến từ các tạp chí thời trang uy tín. Danh tính cụ thể sẽ được chúng tôi tiết lộ sau.
Dĩ nhiên, việc mời được một nhân vật có sức ảnh hưởng lớn là niềm vinh dự cho chúng tôi. Nhưng khi đến với show này, mỗi cá nhân đều là khách quý, đáng trân trọng, dẫu vị trí của họ ra sao. Trong thời buổi công nghệ số hiện đại, mỗi người đều có thể trở thành một kênh truyền thông lý tưởng. Chúng tôi xem trọng giá trị họ nhận được từ show diễn và quan điểm, cảm nhận của họ sau khi show khép lại. Vì thế, tôi trông chờ bản thân mình sẽ làm được những điều khiến họ thích thú, ấn tượng. Khi bạn làm tốt, tự khắc cái tốt, cái hay đó sẽ được lan truyền.
- Anh nghĩ sao về việc mời các người mẫu nổi tiếng thế giới catwalk trong show của mình để truyền thông quốc tế chú ý hơn?
- Tại Việt Nam, chúng tôi đã có vị trí vững vàng, sức ảnh hưởng lớn. Nhưng phải thừa nhận khi bước ra quốc tế, chúng tôi vẫn là tân binh và phải nỗ lực từng ngày để được chú ý nhiều hơn. Trong cố gắng đó, bên cạnh nguồn lực tự thân, sự cộng tác, hỗ trợ từ hiệu ứng bên ngoài cũng rất quan trọng.
Tôi đã gửi lời mời một siêu mẫu thuộc top đầu thế giới catwalk trong show. Mức cát-xê phía cô ấy đưa ra là hơn một triệu USD, đồng thời chúng tôi phải thuê phi cơ riêng và chăm sóc cả êkíp của cô ấy. Đây cũng là tiêu chuẩn thường thấy đối với các tên tuổi hạng A nên tôi không ngại đáp ứng. Hiện tôi chưa có câu trả lời chắc chắn và vẫn đang chờ kết quả tốt đẹp.
Tuy nhiên, hiệu ứng bên ngoài chỉ là một trong những yếu tố bổ trợ, bởi tôi vẫn giữ quan điểm tập trung phát triển, hoàn thiện nguồn lực bên trong. Lớp vỏ có hào nhoáng, lộng lẫy đến mấy mà bên trong rỗng tuếch thì cũng khó gây ấn tượng. Với thời trang, bản sắc là điều quan trọng hàng đầu. Vì thế, tôi mong tất cả sẽ thể hiện được rõ nét tinh thần của Đỗ Mạnh Cường trong thời trang: sang trọng, tối giản, thời thượng và nữ tính.
- Bộ sưu tập lần này của anh khác gì so với trước đây?
- Tôi đứng trước rất nhiều trăn trở cho sự xuất hiện lần này, bởi ấn tượng đầu tiên vô cùng quan trọng. Làm khác đi hay tiếp tục phát triển thế mạnh của mình, đó là hai câu hỏi từng khiến tôi đấu tranh không ít. Cuối cùng, tôi chọn đáp án là phát triển dấu ấn cá nhân, nhưng bằng cách làm khác đi.
Với bộ sưu tập này, mọi người có thể nhìn thấy những thế mạnh rất đặc trưng trong phong cách thiết kế của tôi, chính là Đỗ Mạnh Cường chứ không phải ai khác. Nhưng bạn cũng có thể đứng trước cảm giác băn khoăn, liệu đây có phải Đỗ Mạnh Cường không, với những nét khắc họa chưa từng thấy trước đó. Giữa sự quen và lạ này, tôi tin chúng đủ khiến những người từng biết đến tôi, biết đến thời trang của tôi phải bất ngờ.
Riêng với người mới, tôi muốn qua đây họ có hình dung rõ nét nhất về mình. Khi ấy, bắt buộc tôi phải là chính mình trong thời trang, bằng việc tiếp tục phát triển các dấu ấn cá nhân, tô đậm bản sắc. Thị trường thời trang thế giới rộng lớn, khắc nghiệt hơn nhiều, mà tôi tin chỉ khi bản sắc đủ lớn mạnh mới có thể tồn tại.
- Anh sẽ chú trọng yếu tố nào để giúp show diễn ghi dấu ấn ở New York Fashion Week?
- Trong điều kiện hiện tại, chúng tôi khó có được không gian trình diễn ấn tượng như ở Việt Nam. Thấy rõ sự hạn chế này, tôi tập trung đầu tư vào trang phục và cách kết hợp chúng để tạo ra những dấu ấn. Bạn có thể hình dung những xiêm y sang trọng nhưng mang hơi thở đường phố, chắc chắn sẽ là hương vị rất lạ. Tôi tự tin về kỹ thuật cắt may, cách "chơi" với màu sắc, họa tiết, hình khối trong các thiết kế. Người có gu chắc chắn sẽ chú trọng yếu tố này.
Tôi thực sự háo hức để xem các thiết kế của mình hòa vào dòng chảy thời trang tại New York trong những ngày tháng 9. Tôi chưa biết chắc kết quả, nhưng hài lòng với những gì bản thân đã cố gắng. Tất cả mới chỉ là khởi đầu và còn nhiều thử thách cần vượt qua.
- Anh đặt mục tiêu gì cho sự phát triển của thương hiệu sau lần đầu 'ra biển lớn'?
- Trước tiên, tôi mong có thể xây dựng bộ nhận dạng cơ bản nhất về phong cách, thương hiệu. Trước ngày làm show, chúng tôi cũng có những hoạt động tiếp cận, quảng bá trang phục đến khách hàng. Và show diễn sẽ là bước nhảy mạnh mẽ hơn nữa.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ hoàn thiện kế hoạch mở các showroom đầu tiên ở nước ngoài. Với giá thành có tính cạnh tranh cao nhưng chất lượng trang phục tốt, chúng tôi tin sẽ có nhiều cơ hội ở thị trường quốc tế khi bài toán chi tiêu cho mua sắm ngày càng được người tiêu dùng tính toán thông minh hơn.
Tôi hay nói đùa rằng mình mong có 1.000 cửa hàng trên khắp thế giới. Có thể giấc mơ này rất lớn. Đích đến là một phần của hạnh phúc, còn hành trình sẽ tạo nên hạnh phúc, khi chúng tôi có cơ hội hiểu biết, cọ xát và học hỏi những điều mới mẻ để hoàn thiện bản thân. Những giấc mơ lớn chưa bao giờ là viển vông nếu từ hôm nay bạn bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên một cách thông minh, vững chãi.
Giang Myt thực hiện