Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu áo dài 2006 vừa diễn ra đã cung cấp tài liệu cho các thí sinh, rồi đặt câu hỏi xung quanh tài liệu đó. Trước đó, Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam 2005 cấp luôn câu hỏi và câu trả lời cho những người đẹp dự thi. Trong kỳ Hoa hậu Việt Nam lần 10 sắp tới đây, báo Tiền Phong, đơn vị tổ chức, cũng quyết định trưng cầu câu hỏi từ khắp nơi gửi đến rồi đăng lên báo để các thí sinh tham khảo.
![]() |
Không phải lúc nào người đẹp cũng có thể nhớ hết "bài". |
Thực tế, không ít chuyện dở khóc dở cười đã diễn ra xung quanh việc "cấp" đáp án trước này. Trong cuộc thi Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam 2005, với câu hỏi: "Trong các nữ anh hùng dân tộc VN, bạn yêu quý ai nhất?", thí sinh Lê Thị Kim Thi trả lời, cô nể phục Trưng Trắc - Trưng Nhị và "trong đó, em thích nhất là chị Võ Thị Sáu". Việc "gắn kết" 2 anh hùng khá xa nhau về thời đại này được "tác giả" giải thích: "Do run quá nên lắp vào cho đủ... những nhân vật đã có sẵn trong đáp án".
Cũng trong cuộc thi này, với câu hỏi: "Sắc đẹp có phải là yếu tố quan trọng cho sự thành công của phụ nữ không?", dựa vào đáp án: "Sắc đẹp chỉ là yếu tố quan trọng cho sự thành công của phụ nữ trong một số ngành nghề như người mẫu, diễn viên. Với những ngành nghề khác, sắc đẹp không phải là yếu tố quyết định bởi cần phải có tài năng", thí sinh Chung Thục Uyên (đang là người mẫu) khẳng định luôn người mẫu, diễn viên chẳng cần có tài vẫn thành công.
Đến Hoa hậu Áo dài 2006 thì phần thi ứng xử còn "kịch" hơn. Ban tổ chức đã "nhồi" các thí sinh bằng một tài liệu có tên Lịch sử phát triển áo dài Việt Nam. Tài liệu được ghép mỗi nơi một chút và khá dài nên trong các thí sinh tham gia vòng thi ứng xử, cô thì chồng đoạn trước ra đoạn sau, trả lời luôn những ý chẳng có liên quan gì đến câu hỏi của mình; cô thì chẳng nhớ nổi một chữ, cười trừ rồi xin lỗi khán giả. Ban tổ chức buộc phải trao vương miện cho thí sinh có ý định "tuyên truyền cho tà áo dài Việt Nam với tất cả mọi người trên thế giới", dù theo đánh giá của nhiều người, câu trả lời của cô này cũng chẳng phải thuộc dạng "hiểu biết tự nhiên" cho lắm.
![]() |
Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam 2006, thí sinh trả lời trên sân khấu, Ban tổ chức dò đáp án bên cánh gà. |
Hoa hậu báo Tiền Phong 1998, Ngọc Khánh, thẳng thắn nói về việc này: "Đừng biến cuộc thi ứng xử thành một cuộc hỏi đáp thuộc lòng, sẽ rất ngô nghê. Việc này chẳng những không nâng được tầm của thí sinh mà còn biến họ thành những "con vẹt" trước công chúng". Nhà thiết kế Sỹ Hoàng, thành viên Ban giám khảo của cuộc thi Hoa hậu Áo dài năm nay, cũng bức xúc: "Nếu cho câu hỏi trước và để các thí sinh học thuộc thì chẳng khác nào một cuộc thi trí nhớ. Việc này các học sinh cấp 1 cũng có thể làm tốt".
Người mẫu Thúy Hạnh - đại diện cho Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2004, thành viên Hội đồng giám khảo cuộc thi Hoa hậu Liên lục địa 2005 - rút ra kinh nghiệm: "Cung cấp trước câu hỏi và đáp án sẽ làm cho thí sinh bị chi phối là phải nhớ ra câu trả lời để nói, dù họ có muốn hay không. Tâm lý của thí sinh nào đi thi cũng sợ sai so với đáp án mà chính Ban tổ chức đã đưa ra".
Ngọc Khánh chia sẻ với tâm trạng lo lắng của các người đẹp trong phần thi ứng xử. Chị nói: "Thành phần tham gia các cuộc thi hoa hậu đa phần là những bạn gái trẻ tuổi. Giữa đám đông họ không thể chủ động trong việc diễn đạt tất cả ý của mình là một điều tự nhiên, dễ hiểu". Chính vì vậy, theo Ngọc Khánh việc cung cấp trước cho thí sinh nội dung của phần thi ứng xử là cần thiết. "Tuy nhiên chỉ nên cho biết trước chủ đề chứ không phải là câu hỏi và đáp án sẵn", hoa hậu nói.
Người mẫu Thúy Hạnh cũng đồng tình: "Ban tổ chức chỉ nên đặt sự quan tâm vào những vấn đề xã hội, đừng yêu cầu nặng quá về kiến thức. Ngoài ra cũng chỉ nên khoanh vùng, tránh cho chính xác là câu nào trước cuộc thi".
![]() |
Ba người đẹp dẫn đầu tại Hoa hậu Áo dài 2006. |
Thực tế, với những câu hỏi dạng "truy" kiến thức, câu trả lời của các thí sinh trong những cuộc thi người đẹp gần đây được đánh giá là chẳng khác nào học thuộc rồi trả bài. "Việc này giống như dựng bình phong cho người đẹp để qua mặt công chúng", một khán giả của cuộc thi Hoa hậu Áo dài 2006 nói. "Câu hỏi dạng như vậy quá khô cứng, thiếu phần cuộc sống, không làm thấy rõ cá tính của mỗi thí sinh", Ngọc Khánh nhận xét.
Chị nhìn nhận thêm: "Thật ra, thi hoa hậu chứ không phải thi đại học mà đòi hỏi là phải trên thông thiên văn dưới tường địa lý. Người bình thường có khi còn không biết hết vấn đề này thì nói gì đến các thí sinh". Chính vì vậy mà Ngọc Khánh cho rằng những câu hỏi ứng xử nên thuộc dạng mở, không có đáp án đúng hoặc sai. Qua những câu này, thí sinh có thể trình bày chính kiến, quan điểm và cả cá tính của mình.
Nhiều vị từng là thành viên Ban giám khảo trong cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia cũng chung quan điểm này. "Sự thông minh và khả năng ứng biến của thí sinh là những điều quan trọng không kém so với những câu trả lời suôn sẻ và có nhiều thông tin. Vì thực tế có những thí sinh dù đã tìm hiểu kiến thức trước mà lên đến vòng thi ứng xử thì cười trừ cũng bằng không", nhà thiết kế Sỹ Hoàng phát biểu. Ông Dương Xuân Nam - Tổng biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2006 - thì khẳng định: "Cung cách trả lời riêng được chú ý vì điều này thể hiện văn hóa ứng xử của mỗi thí sinh. Những câu trả lời rập khuôn đáp án sẽ không được đánh giá cao".
Ông Nam nhấn mạnh: "Việc công bố câu hỏi cũng là một cách để các thí sinh rèn luyện mình cho dù họ có đoạt giải hay không. Tuy nhiên, việc đánh giá chọn ra một thí sinh lại dựa trên nhiều yếu tố khác, trong đó có sự nhạy bén. Người thông minh chỉ cần nói ngắn gọn trong vài lời là đã có thể thuyết phục người khác".
(Theo VnExpress)