Một chiếc tách gốm Chu Đậu bày bán ở vỉa hè Lê Công Kiều giá 200.000 đồng, một chiếc đĩa thời Nguyễn có dòng chữ Nội phủ trân chế giá 500.000 đồng. Giá cả có thể lên xuống tùy buổi chợ, mà những ai dám bỏ tiền mua hẳn phải có nghề mới biết đâu là thật giả.
Song đồ cổ vỉa hè không hẳn là phần “hạ cám” của một lĩnh vực bán buôn, sưu tập, nghiên cứu những đồ vật “thượng vàng”. Với cộng đồng những người chơi đồ cổ chuyên ngồi vỉa hè, nhiệt độ của thị trường đồ cổ và trình độ thẩm định cổ vật, đặc biệt ở những loại hàng khó, là mối quan tâm hàng đầu.
Không ai biết đích xác đường đi của những món đồ cổ. Thông thường mỗi chủ hiệu đồ cổ có đường dây thu thập cổ vật riêng. Tuy nhiên chính những người chơi đồ cổ vỉa hè có trong tay một lượng không nhỏ những cổ vật gốc, phần lớn do họ may mắn mua được tại đây.
Sáng ra, họ tụ họp ở lề đường Lê Công Kiều uống cà phê, tán chuyện. Dĩ nhiên là chuyện xoay quanh các loại đồ cổ và thị trường đồ cổ. Có lẽ không đâu những thông tin về đồ cổ truyền nhanh bằng chỗ này. Một tin tức đâu đó về đồ cổ tìm thấy ở trong nước hoặc các nước lân cận cũng khiến giới sưu tập vỉa hè quan tâm.
Cách đây 2 năm, khi vừa có tin phát hiện con tàu chở đồ cổ bị đắm ngoài khơi Bình Thuận, lập tức đã bắt đầu có người mang đồ cổ vớt từ biển Bình Thuận đến bán. Thị trường cổ vật Lê Công Kiều có được sự sớm sủa ấy hoặc do những ngư dân vớt được cổ vật mang đi bán, hoặc do ai đó tuồn cổ vật ra từ các đợt trục vớt...
Có một nguyên tắc chung tại phố đồ cổ này: đồ cổ đến phố, “hội vỉa hè” bao giờ cũng “nghía” trước các chủ cửa hiệu. Những món hàng giới vỉa hè chê đắt, các cửa hiệu mới mua. “Các chủ cửa hiệu là người làm ăn buôn bán lớn, trong khi những người chơi đồ cổ vỉa hè chúng tôi tìm đồ thật, độc đáo nhưng với giá rẻ” - anh Kiệt, một trong những người kỳ cựu của “hội vỉa hè”, cho biết.
Chính vì muốn “nghía” trước các món hàng được mang đến đây nên những nhà sưu tập vỉa hè ngày nào cũng ngồi ở góc phố, siêng như anh Kiệt, anh Nhị, anh Tấn, anh Quyền thì có mặt bất kể nắng mưa.
Cách đây 3 năm, thông tin chiếc đĩa mai hạc cổ của một ngôi chùa bị kẻ trộm lấy mất được lan truyền sớm nhất ở lề đường Lê Công Kiều; và sau đó “hội vỉa hè” cũng biết sớm nhất: có một người sưu tập đã mua lại chiếc đĩa ấy từ tay kẻ trộm rồi cho nhà chùa chuộc lại.
Một năm trước, khi có một số ngư dân ở Hàm Tân quay trở lại chỗ xác con tàu đắm đã được khai thác và vớt “vét” được một ít lọ, hũ, đĩa; khi báo chí chưa biết đến sự kiện ấy, nhóm ngồi lề đường Lê Công Kiều đã kháo nhau “mình vừa mua được mấy món”. “Hiện nay đồ cổ khô (hiếm) rồi, nhưng anh em vẫn giữ thói quen ngồi đây cho có “tụ” và lắm khi cũng tìm được nhiều món hay hay” - anh Kiệt nói vậy.
![]() |
Đồ cổ bày bán trên vỉa hè đường Lê Công Kiều. |
Đổ cổ “khô” tức là trên cả nước không có cuộc trục vớt hay phát hiện nào về cổ vật. Giá cả lúc này vì thế cũng lên cao hơn. Trên sạp bà Sáu ở vỉa hè bày bán một loạt cổ vật từ cù lao Chàm: các hũ sành, bình vôi nho nhỏ, có cả mấy chiếc đĩa “nội phủ trân chế” thời nhà Nguyễn, lại có chiếc đĩa vẽ tích “tầm mai” hơi lạ... tất cả với giá 200.000 - 300.000 đồng/món. Bởi vỉa hè là nơi tụ tập của nhiều chủng loại cổ vật nên người sưu tập có cơ hội chọn món mình thích.
Anh Huy Hoan sưu tập tiền cổ cũng ra đây đón tìm, anh Chương chuyên sưu tập gốm Biên Hòa hôm nào không rảnh vẫn dặn anh em nếu có ai đem gốm cổ Biên Hòa ra thì gọi anh ngay. Rồi gốm Lái Thiêu, gốm đen An Giang, cổ vật Cà Mau... tất cả các loại hàng khi về tới chợ Lê Công Kiều đều có ngay người chờ sẵn.
Thật ra “hội cổ vật vỉa hè” không đơn thuần là những người sưu tập hay mua bán cổ vật giá rẻ. Ở đây có cả những nhà nghiên cứu văn hóa bên cạnh các tay lơ tơ mơ vừa bước vào lĩnh vực chơi cổ vật. Nhưng cứ “vô tư”, nếu đã đến đây, gặp nhau và cùng hội cùng thuyền, ai có kinh nghiệm gì đều chỉ bảo cho người khác.
“Nói vậy nhưng cũng phải nghiên cứu nhiều. Đa phần anh em ở đây đều tìm đọc các sách về chơi cổ ngoạn của cụ Vương Hồng Sển, kể cả các tài liệu của Trung Quốc để mở rộng tầm nhìn, nhận biết các cổ vật” - anh Nhị cho biết.
Vài năm gần đây, khi Bảo tàng Lịch sử VN tại TP HCM mở rộng giao lưu với giới sưu tập tư nhân, các buổi triển lãm chuyên đề cổ vật đều có mặt nhóm sưu tập vỉa hè. “Có những cổ vật lạ chỉ Nhà nước mới có, mình phải đến xem triển lãm mới biết được. Nếu không, lỡ có gặp ngoài chợ mình cũng không biết đó là đồ quí”- anh Kiệt, người rất siêng năng xem các triển lãm cổ vật, tự rút kinh nghiệm.
Vỉa hè Lê Công Kiều là nơi khai tâm cho người mới tập tành sưu tập đồ cổ. Từng có một ông lão mang ra một bó tranh, dân đồ cổ vỉa hè “nghía” qua, song không ai biết đó thuộc dạng tranh gì. Nhưng sau đó có một tay chơi sách cũ đã kịp phát hiện bó tranh này, mua được với giá rẻ bất ngờ những bức tranh cổ đời Minh trị giá có đến cả nghìn USD. Tương tự, giới sưu tập vỉa hè có thể tậu được nhiều món quý hiếm với giá rất hời.
Một lão làng của nhóm chơi cổ vật tại đây là nhà nghiên cứu Lý Lược Tam mà những người buôn bán thường gọi ông là thầy Tám hoặc bác Tám; người quen thân thì gọi lão Lý, năm nay ông đã gần 80 nhưng vẫn tráng kiện, quắc thước, vẫn còn ra tận Khánh Hòa leo núi tìm ngoạn thạch.
Có thâm niên nghiên cứu, vốn kiến thức cổ vật uyên bác lại giỏi tiếng Hoa, ông thầy Tám biết rõ loại chén, đĩa, bát, hũ, loại nào, đời nào, có hình dáng, màu sắc ra sao. Và chính những nhà sưu tập cổ vật có tên tuổi của Sài Gòn như Trần Đình Sơn, Hoàng Văn Cường cũng từng ngồi vỉa hè, uống cà phê, chờ đợi những món cổ vật đâu đó trong dân gian được đem về nơi con phố đặc biệt này.
“Gần đây, lại có thêm những người mới tham gia giới sưu tập. Có người nguyên là giáo sư, luật sư, có người là công chức”- anh Nhị vui vẻ thông báo về sự phát triển “ngày một đông vui” của những người chơi đồ cổ.
(Theo Tuổi Trẻ)