Hiện Hà Nội có khoảng 10 DJ chuyên nghiệp, rải rác ở một số sàn chính như New Century, Hale, Hồ Gươm Xanh, 25 độ J, Oasis... 90% trong số đó là từ phía Nam ra Bắc hành nghề.
DJ xuất hiện tại Hà Nội từ khoảng năm 1995 ở một số sàn "chịu chơi" thời bấy giờ như Metal, Magic, QueenBee... Nhưng các DJ lúc đó chủ yếu được mời từ nước ngoài. Khoảng 1997-1998, Hà Nội có thêm sự góp mặt một vài DJ từ TP HCM như Phat P (QueenBee), Huy "Gô" (New QueenBee). Từ năm 2000, nhu cầu chỉnh nhạc ở Hà Nội bắt đầu "sốt". Các ông chủ vũ trường phải tức tốc mời một số DJ từ TP HCM ra làm việc. Rất nhiều trong số đó đã "ở đâu âu đấy", trụ luôn với đất Hà Thành. Sau đó, lớp DJ Hà Nội dần hình thành, nhưng đa phần là chơi nghiệp dư. Điển hình là anh chàng Kông Anh, chủ một bar trên phố Hàng Hành. Kông Anh có niềm đam mê âm nhạc đặc biệt và thường nhảy lên làm DJ trong bar của mình những lúc có hứng. Còn dân pro nổi nhất có Hùng, Vinh ở Hồ Gươm Xanh.
Tuấn Dũng đại diện cho DJ Hà Nội (cũng xuất thân TP HCM) vào vòng chung kết cuộc thi Tìm kiếm tài năng trẻ DJ lần 2 tổ chức tại CLB Mưa rừng vừa qua. Sau cuộc đua tài với Lê Trình (Cần Thơ) và Hoàng Anh (TP HCM), Dũng ngậm ngùi để giải nhất lọt vào tay Hoàng Anh với số điểm sít sao.
|
DJ Tuấn Dũng say mê bên bàn mixer |
14h phóng viên Ngôi Sao điện thoại, vẫn thấy Dũng đang "ngoài vùng phủ sóng, trong vùng phủ chăn". 15h, Dũng ngái ngủ: "Anh mới ngủ dậy, qua đi". 15h30 tới nơi, đã thấy Dũng say mê bên bàn mixer. Một "ngày mới" của DJ thường bắt đầu như vậy.
Cùng chơi với Dũng ở New Century còn có 3 DJ khác. Họ phân định rõ ràng, mỗi người thay phiên nhau chơi một tiếng đồng hồ. Trước đây, mỗi sàn thường chỉ có 2-3 DJ, trong đó một người chơi chính, những người khác chỉ là chân phụ. Nay các sàn chuyên nghiệp thường một lúc "nuôi" vài DJ. Không ai có thể chơi liên tục mấy tiếng đồng hồ, và mỗi người đều chơi một gu riêng, không ai đụng ai. Duy chỉ có Oasis và một sàn mới ở Hà Đông chỉ có 1 DJ bởi ở đây thường xen giữa bằng nhạc sống.
Cùng chơi trong một sàn, các DJ thường có tinh thần "tương thân tương ái", hết lòng vì nghệ thuật. Nhưng cũng không ít người vì muốn nổi mà tìm mọi cách chơi xấu. Huy "Gô", DJ New Century, ngậm ngùi kể: "Thường thì mỗi đêm đều đã có chương trình lên sẵn, nhưng không ít người trong giờ của mình đã sử dụng hết ngón nghề để cuốn khách, đến khi gần chuyển sang giờ người khác thì "chơi như phá" để khách "oải" và người sau bị "lạc đường".
Không ăn mặc ngỗ ngược như người ta thường định kiến về những người làm việc ở sàn nhảy, các DJ sau giờ làm cũng chỉ quần jean, áo pull như thường, các hình xăm được che giấu kỹ càng. Tuy vậy, nhiều người cũng không tránh khỏi việc đón nhận những cái nhìn nghi kị của người xung quanh. Có lẽ bởi vậy mà trong các DJ Hà Nội, chưa ai lập gia đình. Dũng vào nghề từ năm 1998, nhưng phải... 5 năm sau, khi giành giải Tài năng trẻ DJ, gia đình anh mới ngã ngửa: "Cứ tưởng nó chỉnh nhạc đám cưới". Huy "Gô" không những bị gia đình phản đối kịch liệt mà đã để tuột mất một mối tình chỉ vì không chịu "cắt tóc mặc đồ công sở".
Thế nhưng giới trẻ lại nhìn DJ như một thế giới đầy hấp dẫn. Mỗi đêm Dũng thường phải tiếp 2-3 cậu thanh niên chạy lên xin số điện thoại "Em muốn học làm DJ". Quả thật, nhìn qua, thế giới DJ rất cuốn hút. Họ như những phù thuỷ với bàn mixer (có nhiệm vụ "trộn" âm thanh từ các đĩa nhạc khác nhau) và bàn xoay (turntable - dùng để chơi đĩa than (đĩa nhựa). Từ khoảng gần 10.000 bài hát nằm im lìm trong những chiếc đĩa, họ phải chọn ra những bài phù hợp với phong cách, nhu cầu của khán giả mỗi đêm, thậm chí là mỗi giờ. Một DJ chuyên nghiệp phải chơi được khoảng 20 bài mỗi giờ. Không chỉ có thế, từ những bài đơn lẻ, họ phải biết tạo thành một dòng sao cho khán giả không nhận ra chỗ ghép nối giữa các bài đó. Thỉnh thoảng, họ ngẫu hứng đưa vào những tiếng cọ quẹt, tiếng còi xe, tiếng rin rít của cánh cửa... Họ còn phải biểu diễn, giao lưu khán giả... tóm lại là bằng mọi cách để hâm nóng khán giả phía dưới. Nếu mọi người đột nhiên ủi xìu, lặng lẽ về chỗ, coi như hôm đó họ "thua". Tuy vậy, DJ ở Việt Nam hầu như vẫn chưa đạt mức chuyên nghiệp thực thụ. Một DJ thực thụ còn phải tự sáng tác nhạc.
Trong cuộc khi Tìm kiếm tài năng DJ trẻ vừa qua, Dũng phải đứng sau Hoàng Anh cũng chính vì nhược điểm này. Hoàng Anh đã tự mix một bài do chính anh sáng tác mang tựa Màu hồng (Hoàng Anh vốn là sinh viên nhạc viện). Hiện nay, DJ kỳ cựu Phat P đã dừng việc chơi nhạc hàng đêm, tập trung vào sáng tác, "nuôi" ca sĩ và cuối năm nay dự định sẽ cho ra một đĩa nhạc dành cho các DJ. Phat P có điều kiện vì đã làm kinh nghiệm DJ tại Mỹ. Chính anh vừa là thầy, vừa là chồng của DJ số 1 Việt Nam 2003 Nguyễn Đình Mỹ Quyên.
Để trở thành một DJ chuyên nghiệp, ngoài năng khiếu, lòng đam mê, họ luôn phải tự mò mẫm học hỏi, luyện tập gian khổ, vì ở Việt Nam vẫn chưa có trường lớp đào tạo chuyên nghiệp. Như Dũng đã phải mất 1 tháng trời chỉ để... tập hai tay thực hiện hai thao tác khác nhau. Rồi thời gian đầu hành nghề, lương của anh chỉ 800.000 đồng một tháng, không đủ tiền mua đĩa hát. "Nhiều khi phải nhịn ăn để sắm đồ hành nghề", anh tâm sự. Giờ Dũng đã tự tậu một bàn mix giá 1.870 USD từ Singapore, chưa kể đĩa nhạc thu thập được từ nước ngoài, qua bạn bè, load trên mạng... Mỗi tháng Dũng chi 1 triệu đồng riêng cho khoản tiền Internet.
Vất vả là vậy, nhưng tuổi nghề của DJ thường ngắn ngủi. Bao nhiêu nguy cơ do thường xuyên tiếp xúc với âm thanh cường độ cao, bia rượu, sinh hoạt thất thường... Công việc buộc họ lúc nào cũng phải sung sức, đã mất "máu" với nghề thì chỉ có nước giải nghệ. Huy "Gô" giờ cũng đang học nhiếp ảnh để chuẩn bị cho một nghề mới. Anh tâm sự: "Đồng nghiệp ở nước ngoài được mặc sức tung hoành, dòng nhạc của DJ định hình phong cách cho bar đó. Nếu anh không thích nhạc tôi chơi? Xin mời qua bar khác. Còn ở đây, DJ phải chiều theo thị hiếu của khách. Mà khách hàng đến quán bar, vũ trường chủ yếu vẫn để "trình diễn", chơi là chính. Ít người đến để thưởng thức âm nhạc. Vì vậy, nếu chơi nhạc theo ngẫu hứng, khách sẽ kêu ngay: Chơi nhạc gì kỳ vậy, đổi bài nào quen quen coi! Điều đó gây nên sự ức chế, nhàm chán cho chúng tôi".
Đôi lúc, DJ cũng chưa được các chủ vũ trường đánh giá đúng mức. Ngày trước, trong vũ trường, họ chưa có môt bục biểu diễn như hiện nay mà phải ngồi ké bên người chỉnh âm thanh. Họ thường nhận những ánh mắt khinh thường của nhạc công trong các ban nhạc. Hiện nay, nhiều DJ trẻ mới vào nghề vẫn bị chủ chèn ép. Không những mức lương không thoả đáng, ban ngày họ còn phải làm trăm việc khác như lau chùi, lắp đặt thiết bị âm thanh... Thời còn làm DJ ở CLB Hale, Dũng từng đình công vì lối đối xử thiếu công bằng. Cuộc đình công đã kéo theo tất cả vũ công của đêm diễn. Cuối cùng yêu cầu của Dũng cũng được chấp nhận, nhưng sau khi nhận lương tháng đó, Dũng bỏ "ngang xương" vào Sài Gòn "nghỉ mát". Anh chỉ muốn tạo tiền đề cho những em sau được đối xử công bằng hơn.
Một điều nữa mà một DJ chuyên nghiệp không thể từ chối, đó là bia rượu. Không DJ nào cho phép mình từ chối lời mời của khách, mà những khách nhiệt tình như vậy mỗi tối không phải là ít. Quan trọng hơn, để chơi được thật "máu lửa" thì hứng thú với nhạc thôi chưa đủ, họ còn cần độ "phiêu" cho mình. Vì thế, Dũng cho biết các DJ mỗi khi bước đến bàn mixer, hầu như không ai còn tỉnh táo. Không chỉ rượu bia và thuốc lá, nhiều người còn tìm tới các chất kích thích mạnh hơn...
Dũng cũng như nhiều người khác mong Việt Nam sẽ sớm có một môi trường âm nhạc chuyên nghiệp để DJ tung hoành. Họ sẽ được học qua trường lớp chính quy và có tên trong danh mục nghề nghiệp, chứ không phải khai "nhạc công" trong lý lịch. Dũng mơ màng mơ ước về một sàn như bên Singapore, nơi mà vũ trường nằm trong một toà nhà 4 tầng, tầng 1 chơi Tech-no, tầng 2 Hip-hop, tầng 3 Trance, tầng 4 Drum 'n' Bass...
Thiếu Anh