Tiếp nối phong trào phản đối tại Paris, nhiều người Trung Quốc đang học tập và làm việc ở Madrid (Tây Ban Nha) tập trung bên ngoài một cửa hàng Dior hôm 30/7 để yêu cầu thương hiệu danh tiếng nước Pháp phản hồi về vấn đề "đạo nhái". Theo những người đứng đầu phong trào, các cuộc biểu tình tương tự sẽ diễn ra ở Barcelona (Tây Ban Nha), London (Anh), New York (Mỹ) và Kuala Lumpur (Malaysia) trong vài ngày tới.
Tính đến hiện tại, phía Dior chưa có bất kỳ động thái rõ ràng nào ngoài một email ngày 25/7 cho biết họ đã nhận được thông tin và chuyển nó đến bộ phận liên quan: "Ý kiến và đề xuất của bạn có giá trị lớn với chúng tôi vì những điều đó cho phép chúng tôi liên tục cải thiện dịch vụ khách hàng của mình".
Tuy nhiên, từ chiều 31/7, chiếc váy gây tranh cãi không còn xuất hiện trên trang web của Dior ở nhiều quốc gia.
Thương hiệu xa xỉ Dior gần đây trở thành tâm điểm tranh cãi trên mạng xã hội khi nhiều người yêu thích Hán phục cho rằng nhà mốt Pháp sao chép thiết kế váy Mã Diện truyền thống thời nhà Minh. Sản phẩm thuộc bộ sưu tập Dior Pre-Fall 2022 được xếp ly ở hai bên hông, để phẳng mặt chính giữa trước và sau, xẻ tà phần mép váy, có dây buộc hai bên. Những chi tiết này đều là đặc trưng của váy Mã Diện. Tuy nhiên, Dior lại giới thiệu đây là thiết kế mới mang tính biểu tượng của hãng mà không ghi thêm thông tin gì về việc lấy cảm hứng từ váy Trung Quốc.
Zhuzhu và Miao Jiujiu - hai trong số những người biểu tình ở Madrid hôm 30/7 - cho biết chỉ sau 5 ngày chuẩn bị, hơn 30 người hâm mộ Hán phục đã tập trung trước cửa hàng Dior với khoảng 600 tờ rơi và áp phích. "Chúng tôi chỉ muốn Dior thừa nhận đã lấy cảm hứng từ váy Mã Diện của Trung Quốc thay vì ăn cắp văn hóa nước khác như vậy", Miao Jiujiu nói. Zhuzhu bổ sung: "Văn hóa Trung Quốc cởi mở và hòa nhập. Chúng tôi hoan nghênh việc tham khảo các yếu tố văn hóa Trung Quốc để nhiều người trên thế giới biết về chúng. Nhưng Dior phải nêu rõ nguồn gốc của mẫu váy kia".
Theo Miao Jiujiu và Zhuzhu, cuộc biểu tình kéo dài hai giờ đã diễn ra suôn sẻ. Nhiều người qua đường cũng thể hiện sự ủng hộ với họ sau khi biết vụ việc. "Một phụ nữ Nam Mỹ làm việc tại quán cà phê gần đó đến nói với chúng tôi rằng đây không phải lần đầu Dior chiếm đoạt văn hóa và cô ấy ủng hộ hoạt động này. Chủ một nhà hàng trên con phố đối diện bảo chúng tôi có thể nghỉ ngơi trong quán của ông ấy nếu họ cảm thấy mệt mỏi", hai cô gái Trung Quốc chia sẻ với Global Times.
Trong khi đó, làn sóng phản đối Dior vẫn tiếp tục diễn ra ở Trung Quốc. Ngày 26/7, một người hâm mộ Hán phục họ Bao tiết lộ cô bị mời ra khỏi cửa hàng Dior tại trung tâm thương mại ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang vì mặc váy Mã Diện để chụp ảnh và quay video trước gương trong cửa hàng. Một nhân viên đã đến ngăn cô hai lần và yêu cầu cô rời đi. Sau đó, Bao chụp ảnh trước logo Dior bên ngoài cửa hàng và cũng bị nhân viên trung tâm mua sắm ngăn lại. Cô đăng video về chuyện này lên Weibo, khiến nhà mốt Pháp nhận nhiều chỉ trích.
"Chúng tôi sẽ không tức giận nếu Dior chú thích về nguồn gốc những thiết kế lấy cảm hứng từ Hán phục, giống như cựu giám đốc sáng tạo John Galliano của hãng từng nhiều lần sử dụng yếu tố văn hóa Trung Quốc và luôn làm rõ điều đó", Bao nói.
Theo Zhang Yiwu - một giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, người Trung Quốc đang ngày càng nâng cao tinh thần bảo vệ và yêu văn hóa truyền thống. "Trước đây, một số thương hiệu quốc tế nghĩ việc sử dụng các yếu tố văn hóa Trung Quốc sẽ thúc đẩy chúng và nên được người Trung Quốc đánh giá cao. Nhưng hiện nay giới trẻ Trung Quốc rất lo ngại về sự chiếm đoạt văn hóa", ông Zhang Yiwu cho hay.
Mi So (Theo Global Times)