![]() |
Chánh văn phòng kho bạc nhà nước Nguyễn Quang Vinh. Ảnh: A.T |
- Giám đốc Kho bạc Hà Tây lý giải thế nào về việc 22 phong bì đã nhận, thưa ông?
- Ông ấy nói rằng đây là vay mượn cá nhân. Do bị ung thu gan, cần tiền chạy chữa nên phải làm vậy. Sau đó, ông ấy không đi chữa nữa nên đã trả lại số tiền vay trên, khoảng 90 triệu đồng.
- Nhưng tại sao trong phong bì vay tiền có cái lại ghi là Chúc mừng năm mới?
- Có khoảng vài cái như vậy. Giải trình với đoàn kiểm tra, ông Thường bảo có nhận tiền biếu Tết, mỗi cái khoảng 100.000-200.000 đồng. Tiền đó sau đấy được lấy ra tiêu, sẵn cái phong bì, ông ta để tiền vay vào đó, và đề tên người cho vay cùng số tiền bên ngoài để còn nhớ mà trả. Chứ không phải bản chất tiền chúc mừng năm mới là con số ghi trên phong bì.
- Những người biếu tiền Tết giải trình ra sao về việc này?
- Đó là những cán bộ công tác kho bạc của Hà Tây. Họ nhận có biếu ông Thường phong bì khoảng 100.000-200.000 đồng dịp Tết.
Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Phạm Sỹ Danh: "Sau khi kết thúc thanh tra, chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính và Tỉnh ủy Hà Tây. Lãnh đạo hai cơ quan này sau đó sẽ quyết định có đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ vấn đề này hay không". Trong thực tế chúng tôi biết, ở cấp như tỉnh Hà Tây không bao giờ có chúc Tết 500.000, 700.000 hay 1.000.000 đồng, thường chỉ 100.000-200.000 đồng. Nên cũng dễ tin tiền chúc mừng năm mới chỉ dừng ở đó, nếu là động cơ trong sáng. Quý nhau, anh em nhân dịp Tết chúc mừng thủ trưởng.
- Danh tính của những cán bộ trong ngành kho bạc mà ông Thường đề tên cùng số tiền trong 22 phòng bì đã được Thanh tra Kho bạc nhà nước xác minh thế nào?
- Đoàn kiểm tra đã xác minh rất kỹ những phong bì ông Thường đề tên người, nơi làm việc cùng số tiền. Kết quả cho thấy hầu hết là cán bộ trong ngành kho bạc tại các huyện của Hà Tây. Đặc biệt, trong số này có những người có chức, có quyền thuộc diện "cơ cấu" cán bộ để giữ những vị trí "nhạy cảm" trong cơ quan.
- Có bao nhiêu vị trí nhạy cảm?
- Khoảng hơn chục vị trí. Họ đều thừa nhận có cho ông Thường vay tiền và đã được trả xong. Trong số này, vài ba người hiện đưa được đề bạt vào vị trí công tác mới hoặc chuyển công tác.
- Người được đề bạt lên vị trí cao nhất là gì?
- Cấp trưởng phòng thì tôi không nhớ, nhưng cấp phó giám đốc kho bạc phụ trách kho bạc huyện thì có. Đó là bà Vũ Thị Thà, Kho bạc Thạch Thất. Trước là phó giám đốc, hiện là phó giám đốc phụ trách khi vị giám đốc về hưu.
- Ông đánh giá thế nào về việc một vị giám đốc vay tiền của cấp dưới, việc này có dấu hiệu bất bình thường như thế nào?
Sáng 30/10, đại diện Bộ Tài chính cùng Kho bạc Nhà nước đã công bố quyết định đình chỉ công tác ông Nguyễn Bá Thường. Phó giám đốc Kho bạc Hà Tây Trần Thị Chiến tạm thời đảm nhiệm công việc của ông Thường. |
- Chính vì điều đó mà ngành tôi đặt vấn đề phải xem xét đạo đức nghề nghiệp của ông Thường. Mình là thủ trưởng lại vay tiền nhân viên, lẽ nào họ không cho. Chính vì thế khi nảy sinh việc này lập tức uy tín của ông Thường giảm sút ngay. Kho bạc Nhà nước sẽ đề xuất cho ông Thường từ chức vì không đủ uy tín đề điều hành đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo.
Nếu không có gì thay đổi, trong tuần này sẽ thành lập hội đồng kỷ luật ông Thường. Theo tôi được biết, tinh thần là không thể để cán bộ này tiếp tục ngồi ở vị trí đó. Trường hợp của ông Thường, Bộ trưởng Tài chính sẽ quyết định cuối cùng theo đề xuất của Hội đồng kỷ luật.
Giữa tháng 10, trong bản tự kiểm điểm gửi Kho bạc Nhà nước, ông Thường xin được từ chức giám đốc Kho bạc Hà Tây vì thấy uy tín giảm sút, không còn khả năng lãnh đạo đơn vị.
- Từ trước tới nay, trong ngành kho bạc đã có tiền lệ nào về việc giám đốc vay tiền của cấp dưới để đi chưa bệnh?
- Đây là lần đầu tiên. Tôi tin rằng chưa có tiền lệ này bao giờ.
- Trở lại việc ông Thường đứng tên 9 sổ tiết kiệm, trị giá 1,4 tỷ đồng. Theo ông, việc đứng tên trong sổ tiết kiệm phải giải trình thế nào khi cán bộ phải kê khai tài sản?
- Ông ấy nói nguồn gốc tiền là của anh trai nhờ giữ hộ để mua nhà. Làm việc với đoàn thanh tra, họ thừa nhận có nhờ ông Thường làm việc này. Trong 1,4 tỷ đồng có một số ít là của ông ấy, còn lại hầu hết là người nhà gửi.
Về kê khai tài sản cán bộ, nếu là tiền của mình thì phải kê khai. Nhưng ông ta nói rằng là tiền người khác gửi nên không kê khai. Điều đó cũng phần nào có lý. Trong cuộc sống hằng ngày diễn ra vấn có chuyện người này giữ hộ tài sản của người kia. Quy định nhà nước không hướng dẫn cụ thể là kể cả đứng tên cũng phải kê khai, mà chỉ nói rằng tiền và tài sản của anh thì anh phải kê khai.
(Theo VnExpress)