Xoay quanh câu chuyện của các nữ tù nhân trong buồng giam số 10, Điều ước cuối của tù nhân 2037 hướng máy quay về phía những người phụ nữ, để họ được kể câu chuyện đời mình, để khán giả nhận ra pháp luật, với những hạn chế và kẽ hở vốn có, vô tình gạt những người nữ yếu thế ra bên lề xã hội.
2037 là mã số nhận diện của tù nhân Yoon Young, cô gái 19 tuổi sống cùng mẹ tại một thị trấn ven biển. Cha qua đời, mẹ là người khiếm thính lại mắc bệnh hen suyễn, mọi gánh nặng cứ như vậy đặt lên đôi vai cô gái trẻ. Yoon Young phải nghỉ học, đi làm thêm ở quán cafe để có tiền phụ mẹ trang trải cuộc sống. Dẫu vậy, cô chưa bao giờ từ bỏ ước mơ trở thành công chức viên.
Một tối nọ, gã chủ xưởng may nơi mẹ Yoon Young làm việc giở trò theo dõi và cưỡng hiếp cô. Thủ ác xong, hắn còn hăm dọa sẽ tấn công mẹ nên Yoon Young dùng đá đập vào đầu hắn cho đến chết. Tại toà, Yoon Young từ chối tự bào chữa cũng như sự giúp đỡ của mọi người chung quanh vì mặc cảm bị thương hại. Kết quả, cô bị tòa tuyên án 5 năm tù do giết chết kẻ đã tấn công tình dục mình. Từ nạn nhân, Yoon Young trở thành kẻ sát nhân.
Trước pháp luật, hành động của Yoon Young không thể xem là tự vệ dẫn đến ngộ sát. Nhưng về tình, ai mà không đau và căm phẫn khi thấy cô gái nhỏ bị xâm hại bằng vũ lực, còn phải đứng lên bảo vệ cho người mẹ tật nguyền của mình?
Vậy mà Yoon Young không phải là người duy nhất chịu khổ vì lằn ranh mờ giữa tình và lý. Nỗi đau của một người mẹ mất con đã khiến Chị Đại phóng hỏa thiêu rụi gia đình năm mạng người. Nỗi đau của một đứa trẻ bị bỏ rơi từ nhỏ khiến bạn tù 1733 ghét bỏ sự tồn tại của mình và dùng vũ lực để giải tỏa cảm xúc. Mỗi thành viên trong phòng giam số 10 đều đã từng là nạn nhân trước khi trở thành kẻ phạm tội. Dõi theo câu chuyện của họ, khán giả khó che đậy sự xúc động hay những giọt nước mắt.
Yoon Young được khắc họa là một cô bé hiền lành, hiểu chuyện. Vì vậy, cô ít khi nói ra tâm sự của mình. Tính cách này của nhân vật tạo ra một thử thách lớn cho biên kịch và đạo diễn trong việc phát triển đường dây tâm lý. Việc thiếu sự kiện và giằng xé nội tâm trước mỗi quyết định quan trọng của Yoon Young khiến người xem hoài nghi động lực hành động của nhân vật chính.
Kịch bản điện ảnh phổ thông có hai cách phát triển nhân vật. Có nhân vật đi từ A đến B rồi kết ở vị trí C, tốt hơn hoặc xấu hơn vị trí ban đầu. Có nhân vật đi hết một vòng lại quay về xuất phát điểm. Yoon Young thuộc kiểu thứ hai. Cuộc sống tương lai cô đã lên kế hoạch chỉ có mẹ và cô. Cô từ chối sự lòng thương hại của xã hội, từ chối đứa trẻ trong bụng, mặc kệ những quan tâm chăm sóc của các chị em bạn tù và quản ngục. Cô đối thoại với thế giới nhưng không đối thoại với chính mình.
Bên cạnh tuyến truyện riêng dễ lấy nước mắt của từng nhân vật, bộ phim đôi khi phá đi sự u ám bằng những mảng miếng gây hài khi 6 nhân vật chung sống tại trại giam. Tuy tuyến nhân vật bi - hài được phân chia rõ ràng và mạch phim cũng không quá nhanh nhưng nguời xem lại có cảm giác các phân cảnh rời rạc, thiếu kết nối. Việc liên tục đan xen các cảnh gào khóc tuyệt vọng và các đoạn thoại hài châm biếm khiến người xem dễ đứt mạch cảm xúc và khó đồng cảm với nhân vật. Tựa đề tiếng Việt của phim chính là một bằng chứng cho việc người xem không hiểu được trọng tâm phim nằm ở đâu.
Hong Ye Ji lần đầu đảm nhiệm vai nữ chính đã diễn khá tốt hình ảnh một cô nữ sinh trong trẻo, chịu khó, thương mẹ và làm mọi thứ vì mẹ. Ở các phân cảnh đòi hỏi diễn đạt nội tâm phức tạp hơn, Ye Jin bị đuối, khiến nhân vật chính Yoon Young thiên về nét yếu đuối cố chấp hơn là quật cường.
Các miếng hài của phim được dàn cast nữ như Jeon So Min, Kim Mi Hwa, Hwang Seok Jeong... chuyển tải duyên dáng, tự nhiên, tạo nên một nửa phim tràn đầy hy vọng như một trong những taglines phim đề ra: "Những trái tim ấm áp tỏa sáng giữa ngục tù tối tăm". Và có lẽ, đây là điểm sáng duy nhất đọng lại trong tâm trí người xem sau khi rời rạp.
Điều ước cuối của tù nhân 2037 đang chiếu rạp toàn quốc.
Quế Thanh