Sẹo- Scars (còn gọi là cicatrices) là các vùng mô xơ hóa thay thế da (hoặc mô) bình thường sau khi bị tổn thương. Sẹo là kết quả của quá trình sinh học phục hồi vết thương da và mô trên cơ thể. Vì vậy, sẹo là một phần của quá trình liền vết thương tự nhiên. Vết sẹo hình thành khi bị tổn thương lớp da hoặc bị tổn thương sâu quá lớp da. Ngoại trừ tổn thương rất nhỏ, còn lại mọi vết thương (ví dụ: sau khi tai nạn, bệnh lý hoặc phẫu thuật) đều để lại sẹo.
Mô sẹo không giống với các mô mà nó thay thế và thường có chất lượng chức năng kém hơn. Ví dụ, vết sẹo trong da ít khả năng chống bức xạ cực tím, tuyến mồ hôi và nang tóc không phục hồi trong mô sẹo.
Hầu hết các vết sẹo da ổn định phẳng, nhạt màu. Các vết sẹo đỏ chưa ổn định, chúng thường ổn định sau khoảng một năm, một số trường hợp có thể sau vài năm. Hình thức vết sẹo khác nhau phụ thuộc vào độ sâu, vị trí trên cơ thể, tuổi…
Phân loại sẹo (theo hình thức và tiến triển của sẹo)
Sẹo là kết quả của sự phát triển không bình thường của collagen, mô xơ và bó sợi collagen.
1. Sẹo phì đại (Hypertrophic): vết sẹo gồ cao so với da thường xung quanh, nhưng không phát triển vượt ra ngoài ranh giới của vết thương ban đầu, lớp biểu mô mỏng, không có xu hướng tiến triển và thường cải thiện trong một vài năm.
2. Vết sẹo lồi (Keloid): sẹo to dày căng chắc, chúng có thể phát triển vô hạn định như kiểu khối u (mặc dù lành tính). Sẹo lồi có thể xảy ra trên bất kỳ ai, nhưng phổ biến nhất gặp ở những người da đen, da màu. Sẹo lồi có thể do phẫu thuật, tai nạn, do mụn trứng cá, hoặc đôi khi từ xâu khuyên cơ thể. Ở một số người, vết sẹo lồi hình thức tự phát.
Mặc dù có thể là một vấn đề thẩm mỹ nhưng vết sẹo lồi chỉ là những bó sợi collagen mô xơ thoái hóa và hoàn toàn vô hại, không ung thư. Tuy nhiên, chúng có thể ngứa hoặc đau ở một số trường hợp, xuất hiện phổ biến nhất ở vai và ngực.
3. Sẹo phẳng: sẹo không gờ cao trên mặt da, sẹo cứng không mềm mại, thay đổi màu sắc so với da lành xung quanh. Ngoài ra còn một loại sẹo khác lõm dưới da (sẹo lõm) được hình thành khi bị tổn thương sâu dưới lớp da, chẳng hạn như đến lớp mỡ hay cơ… Loại sẹo là thường do mụn trứng cá, nhưng có thể do bệnh thủy đậu, phẫu thuật hay tai nạn.
Còn một số cách phân loại sẹo khác theo tính chất và phương pháp điều trị như: sẹo co kéo, sẹo dính, sẹo loét, ung thư trên nền sẹo…
Phương pháp điều trị sẹo
Các nghiên cứu nhận thấy không thể loại bỏ hoàn toàn vết sẹo. Tuy nhiên các mô bị tổn thương trong thời kỳ phôi thai có thể tái sinh mà không để lại sẹo.
Phương pháp sử dụng tấm silicon gel và tiêm thuốc steroid được chấp nhận rộng rãi nhất trong điều trị sẹo. Trị liệu corticosteroid bằng cách tiêm sẹo đã được giới thiệu trong những năm 1960, từ đầu thập niên 1970 trị liệu băng áp lực được sử dụng phổ biến để điều trị sẹo bỏng, tấm gel silicone được sử dụng từ những năm 1980.
Phương pháp điều trị sẹo phì đại, sẹo lồi
1. Băng áp lực
Băng áp lực thường được sử dụng để ngăn chặn sự phát triển của vết sẹo bỏng rộng, điều trị này chỉ có hiệu quả với những vết sẹo mới. Người ta thấy rằng bằng cách sử dụng áp lực liên tục để bề mặt sẹo làm giảm tăng sinh các mạch máu giúp vết sẹo phẳng và mềm mại hơn.
Băng áp lực thường được làm từ vật liệu chun dãn, có khả năng ép sát bề mặt sẹo, tốt nhất băng liên tục 24 giờ một ngày trong 6-12 tháng.
2. Steroid
Tiêm steroid có thể giúp làm phẳng và làm mềm mại seo, giúp ngăn chặn sự xuất hiện của sẹo lồi (keloid) hoặc sẹo phì đại (hypertrophic). Steroid khi tiêm vào sẹo được hấp thụ rất ít vào máu, tác dụng phụ của điều trị này là có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ vị thành niên. Điều trị nên lặp đi lặp lại sau khoảng 4-6 tuần.
Bôi steroid hầu như không có hiệu quả trong điều trị sẹo.
3. Tấm Silicone và gel Silicone
Silicone được sử dụng để ngăn ngừa và chữa trị sẹo phì đại (hypertrophic). Cơ chế chính xác của phương pháp này không biết rõ, một số nghiên cho rằng giúp giảm hoạt động của ion tại chỗ hoặc giảm việc sản xuất chất tiền viêm như TGFβ2. Dimethicone silicone gel có hiệu quả như tấm silicone trong việc cải thiện vết sẹo.
4. Siêu mài mòn
Sử dụng thiết bị để bào mòn sẹo trên bề mặt, kỹ thuật cần thực hiện dưới gây mê. Nó rất hữu ích với vết sẹo gồ cao trên mặt da, nhưng ít hiệu quả khi các vết sẹo nằm sâu dưới da.
5. Laser phẫu thuật & Laser bề mặt
Việc sử dụng laser trên vết sẹo là một phương pháp mới trong điều trị. FDA (tổ chức quản lý dược phẩm của Mỹ) chấp thuận cho điều trị các vết sẹo mụn bằng laser bề mặt. Laser mạch máu làm giảm đáng kể các vết sẹo đỏ khi điều trị, nhất là sau 6-10 tuần đầu. Một số tác giả cho rằng sử dụng carbon dioxide hay laser YAG có thể giúp sẹo phẳng hơn.
6. Phẫu thuật
Phẫu thuật sẹo giúp thu nhỏ kích thước của sẹo, một số trường hợp giúp giải phóng sẹo dính, sẹo co kéo để phục hồi chức năng vận động…
Phẫu thuật vết sẹo phì đại hoặc sẹo lồi thường phối hợp với phương pháp khác như băng áp lực hay dán tấm silicone. Cắt sẹo lồi (keloid) đơn thuần thấy tỷ lệ tái phát cao gần 45%. Nhiều nghiên cứu lâm sàng đang tiến hành để đánh giá lợi ích của kết hợp điều trị sẹo phì đại (hypertrophic) hoặc sẹo lồi (keloid) bằng phẫu thuật và laser.
Điều trị sẹo là một quá trình phức tạp, có thể không làm mất hoàn toàn sẹo, nhưng có thể cải thiện hình thức và chất lượng sẹo. Muốn điều trị sẹo có hiệu quả cần xác định chính xác vị trí, kích thước, tính chất… của từng vết sẹo. Trường hợp của bạn: "đã giải phẫu thành bụng, nhưng vết sẹo dài và xấu" cần khám và đánh giá cụ thể để lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu.
Tư vấn bởi Viện thẩm mỹ Hà Nội
23 Lê Văn Hưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 04 3945 4548
Email: vienthammyhanoi@fpt.vn