Chất diệp lục là gì?
Diệp lục là một loại hóa chất thực vật chịu trách nhiệm cung cấp các sắc tố cho thực vật. Hai loại còn lại là carotenoid (vàng, cam và đỏ) và anthocyanin (đỏ, xanh và tím). Những chất này cũng chứa các chất dinh dưỡng hỗ trợ những quá trình khác nhau của thân cây, từ chuyển đổi năng lượng thành thức ăn đến đánh bật gốc tự do khỏi tế bào trước khi chúng có thể gây hại cho cây.
Chất diệp lục lỏng hoạt động như thế nào?
Để uống chất diệp lục lỏng, hãy làm theo hướng dẫn trên chai bổ sung mà bạn đã chọn. Diệp lục có dạng lỏng và bột, nhưng nhiều người chọn dạng lỏng vì nó dễ hòa tan hơn trong nước. Mặc dù không có khuyến nghị cụ thể, khẩu phần trung bình là 100 miligam trên 250 ml nước. Bạn cũng có thể cho thêm nó vào sinh tố như một cách bổ sung rau xanh hằng ngày.
Lợi ích của chất diệp lục là gì?
Làm sạch mụn trứng cá
Quang trị liệu (dùng bức xạ không ion hóa, chủ yếu trong phổ tử ngoại, để điều trị bệnh) thường được sử dụng để điều trị mụn trứng cá nặng. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2014 trên Tạp chí của Học viện Da liễu Hoa Kỳ cho thấy việc sử dụng chất diệp lục kết hợp với liệu pháp ánh sáng mang lại những cải thiện tốt hơn so với chỉ sử dụng đèn.
Làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư
Chất diệp lục tồn tại ở hàm lượng cao trong một số loại rau có màu xanh đậm. Nghiên cứu trước đó, như một bài báo năm 2005 trên Tạp chí Dinh dưỡng, cho rằng chất này có thể chống ung thư ruột kết.
Một nghiên cứu nhỏ khác trên 50 người trưởng thành được công bố vào năm 2019 trên tạp chí Chất dinh dưỡng cho thấy chế độ ăn nhiều rau lá xanh chứa chất diệp lục tự nhiên dồi dào làm giảm nguy cơ ung thư ruột kết.
Có thể chữa lành vết thương nhanh hơn
Diệp lục cũng hứa hẹn là một chất làm sạch trong chăm sóc vết bỏng. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2008 trên tạp chí Quản lý & Phòng ngừa Vết thương cho thấy việc bổ sung chất diệp lục giúp giảm đau do bỏng đáng kể.
Năm 2021, một nghiên cứu công bố trên tạp chí Da liễu cho thấy việc bổ sung chất diệp lục từ vi tảo giúp kích thích tái tạo da ở những vết thương ngoài da, không có bất kỳ tác dụng phụ nào.
Có thể chống bệnh thiếu máu
Những người ăn thuần chay có khả năng bị bệnh thiếu máu. Mặc dù nhóm dân số này có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do chế độ ăn của họ thiếu protein động vật, họ có thể khắc phục bằng cách ăn nhiều rau lá xanh đậm hoặc bổ sung chất diệp lục dạng lỏng.
Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tạp chí Điều chỉnh sinh học và Tác nhân cân bằng nội môi tiết lộ rằng việc sử dụng chất diệp lục trên bệnh nhân chạy thận nhân tạo giúp cải thiện số lượng huyết sắc tố và hematocrit (chỉ số tế bào hồng cầu trong máu). Nhóm bệnh nhân này cũng có sự gia tăng dự trữ sắt trong máu.
Tác dụng phụ tiềm ẩn
- Buồn nôn, nôn và co thắt dạ dày: Bạn có thể cảm thấy khó chịu ở bụng, đặc biệt nếu uống chất diệp lục lỏng khi bụng đói. Nó tương tự như việc uống sắt, tốt nhất nên uống cùng thức ăn.
- Tiêu chảy: Tiêu thụ liều lượng lớn chất diệp lục có thể gây tiêu chảy. Nó có thể làm bạn mất nước, đặc biệt nếu bạn vừa tiêu chảy vừa nôn.
- Nhạy cảm hơn với ánh sáng: Bạn có thể trở nên dễ bị cháy nắng hơn.
Các thực phẩm giàu diệp lục
Bạn có thể bổ sung chất diệp lục cho cơ thể thông qua việc ăn cỏ lúa mì, cải xoăn, xà lách arugula, rau chân vịt, mùi tây, bông cải xanh, cỏ linh lăng và măng tây. Phương pháp này được xem là khá ưu việt vì bạn có thể vừa bổ sung diệp lục vừa tăng các chất dinh dưỡng khác từ rau lá xanh.
Uống nước diệp lục hàng ngày có tốt không?
Bạn có thể uống nước diệp lục hàng ngày. Tuy nhiên, nên bắt đầu với một liều lượng thấp, phù hợp với khả năng chịu đựng của hệ tiêu hóa. Bạn cũng nên dừng lại nếu thấy có tác dụng phụ.
Có cần làm lạnh chất diệp lục lỏng không?
Nên làm lạnh chất diệp lục lỏng để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Diệp lục cũng ngon hơn khi uống lạnh.
Uống nước diệp lục có tốt cho sức khỏe không?
Chất diệp lục lỏng có thể tốt cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, những bệnh nhân bị viêm khớp đang dùng thuốc methotrexate nên thận trọng. Các chất bổ sung đã được chứng minh là làm chậm quá trình đào thải loại thuốc này. Nếu bạn dùng thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi bổ sung diệp lục để tránh bất kỳ tương tác nào.
Hướng Dương (Theo Eatingwell)