Trong cuộc phỏng vấn với Ngôi Sao, đạo diễn Trần Anh Hùng cho biết toàn bộ đồ ăn thức uống trong Muôn vị nhân gian được chế biến thật, có thể ăn được, thay vì dùng các vật liệu giả, chỉ phục vụ hình ảnh đẹp mắt. Món ăn được chuẩn bị bởi cố vấn ẩm thực - đầu bếp 14 sao Michelin Pierre Gagnaire cùng các cộng sự của ông, mang hương vị hấp dẫn. Nhiều lúc, đạo diễn đã hô "cắt", nhưng diễn viên vẫn "nhập vai" và tiếp tục ăn.
Với các cảnh nấu nướng, dàn diễn viên tự tay chế biến thật nhưng làm dang dở. Phần còn lại được hoàn thiện bởi đội ngũ chuyên nghiệp. Cuối ngày quay, đồ ăn được chia đều cho toàn bộ thành viên êkíp, mỗi người một phần mang về nhà thưởng thức. Điều này khiến ai cũng tăng cân theo bộ phim. Đội ngũ của đạo diễn mỹ thuật - phục trang Trần Nữ Yên Khê phải sửa chữa tủ đồ của phim liên tục.
Đạo diễn Trần Anh Hùng hóm hỉnh kể lại: "Yên Khê phải nới đồ cho diễn viên. Đến cảnh quay cuối cùng, diễn viên không còn cài được nút áo".
Câu chuyện của Muôn vị nhân gian dẫn dắt người xem vào thế giới của ẩm thực và tình yêu. Thao tác nấu nướng được diễn tả tự nhiên, đời thường, không nặng tính kỹ thuật hay gồng mình cho nghiêm trang. Dù vậy, hình ảnh những món ăn bóng nhẫy mỡ màng, những nồi súp bốc khói nóng hổi và tưởng như quyện theo mùi thơm béo ngậy, những loại xốt được pha chế cầu kỳ từ thịt thà, rau củ cũng đủ khiến người xem mê mẩn thị giác. Âm thanh sôi xèo trên chảo mỡ, tiếng nhai rôn rốt biểu thị sự ngon miệng cũng góp phần khơi gợi cảm giác thèm ăn.
Được truyền cảm hứng lớn hình ảnh căn bếp của mẹ trong ký ức ngày thơ ấu và bàn tay bếp núc đảm đang của người vợ, đạo diễn Trần Anh Hùng luôn thích đưa không gian nhà bếp vào các tác phẩm của mình. Muôn vị nhân gian là phim đầu tiên anh khai thác đề tài ẩm thực.
Anh nói về ý tưởng làm phim: "Rất hiếm phim chứa đầy nguyên liệu rau, thịt, cá, lửa, nước. Người ta liên tục làm việc với nó, chạm vào nó. Các phim khác chỉ có trò chuyện, ăn uống, yêu nhau, làm tình, không có công việc liên quan ẩm thực. Nếu được thể hiện rõ ràng, ẩm thực sẽ tạo được chất đời trong đó. Tôi muốn làm ra một tác phẩm mà nếu sau này có ai định làm phim ẩm thực, họ sẽ thấy khó vượt qua phim của tôi".
Mặc dù kịch bản dựa trên một tiểu thuyết Pháp, kể về câu chuyện ở Pháp cuối thế kỷ 19, nhiều chi tiết nhỏ thấm đẫm chất liệu đời sống Việt Nam. Nổi bật là hình ảnh các nhân vật nữ múc nước dưới giếng rồi rửa rau cạnh giếng; nhúng chân gà vào nước sôi để lột da, thay vì đem thui rồi lột như cách làm của người Pháp...
Nhà bếp là bối cảnh được vợ chồng Trần Anh Hùng - Trần Nữ Yên Khê đầu tư nhất trong dự án. Phim sử dụng lượng lớn thực phẩm làm đạo cụ. Cảnh làm cá cần chuẩn bị 6-7 con cá. Cảnh làm gà cũng dùng vài con gà. Thách thức lớn nhất là cảnh mở đầu với thời lượng khoảng 15 phút, khi các nhân vật nấu cùng lúc nhiều món phức tạp, gồm món khai vị, món chính, món tráng miệng; chuẩn bị cho một bàn tiệc đãi khách.
Đạo diễn Trần Anh Hùng cho hay: "Chúng tôi chia cảnh này thành ba cú máy dài. Nhân vật di chuyển và thao tác liên tục. Tôi không muốn họ dừng giây nào vì ẩm thực là sự chuyển động không ngừng. Tôi ưu tiên điều đó trên hết, máy quay bắt được gì cũng tốt, đi lướt qua cũng được. Tôi không đòi hỏi sự hoàn hảo hay tuyệt đối ở đây. Chúng tôi quay ba ngày cho cảnh này, việc này rất khó. Nhưng làm khó dù hỏng cũng vẫn tốt hơn chọn phương án dễ từ đầu".
Đồng hành với ông xã trong vai trò đạo diễn mỹ thuật - phục trang của phim, nghệ sĩ Trần Nữ Yên Khê cho hay hai phim nói về nước Pháp của đạo diễn Trần Anh Hùng - Vĩnh cửu và Muôn vị nhân gian - đều được nhà sản xuất giao cho số vốn đầu tư rất thấp. Dù vậy, chị đánh giá anh đã tạo nên sản phẩm có chất lượng vượt trội so với kinh phí.
Chị bày tỏ quan điểm: "Đây là cái hay, cũng là cái dở. Sau này, khi anh Hùng làm phim, các nhà sản xuất sẽ nói tiền đổ vào không nhiều, anh Hùng vẫn làm được dự án tốt, nên họ không cần bỏ thêm vốn. Chúng tôi không còn là những người 25 tuổi nữa. Chúng tôi cần số tiền vừa đủ để làm phim không còn quá mất sức nữa".
Điện ảnh của Trần Anh Hùng làm nên dấu ấn bằng vẻ đẹp duy mỹ, tinh tế, gợi cảm. Ngay cả các tựa đề phim của anh cũng giàu chất thơ, sâu ý vị, ấn tượng với Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng, Vĩnh cửu... Muôn vị nhân gian có tên gốc là La Passion de Dodin Bouffant, nghĩa là "niềm đam mê của Dodin Bouffant" (tên nhân vật nam chính).
Khi được hỏi về hai tựa đề tiếng Việt và tiếng Pháp không liên quan, đạo diễn cho hay anh và nhà phát hành tại Việt Nam cân nhắc nhiều phương án, nhưng anh khó chọn được cái tên ưng ý. Anh muốn tìm tựa đề phù hợp với chủ đề sự hòa trộn của ẩm thực và tình yêu. Anh đã nghĩ đến từ "Vị yêu", nhưng được góp ý tên này nhịp điệu bị cụt, không đủ bắt tai. Anh bằng lòng với tựa đề Muôn vị nhân gian.
Nhà làm phim Việt kiều coi đây là món quà anh mang về với khán giả Việt Nam. Anh mong tác phẩm xứng đáng với số tiền khán giả bỏ ra mua vé và được nhiều người yêu thích. Về việc phim của mình thường gắn với nhận định hàn lâm, khó tiếp cận, Trần Anh Hùng nói: "Họ cảm thấy như vậy có lẽ cũng đúng. Câu chuyện của tôi luôn đơn giản, ít mâu thuẫn, không có căng thẳng và gay gắt. Những phim như vậy rất khó làm để khán giả bước vào phim".
Muôn vị nhân gian kể về nhịp sống thường ngày gắn bó căn bếp của chuyên gia ẩm thực Dodin và đầu bếp Eugenie. Họ bên nhau 20 năm, chàng biên công thức và nàng biến chúng thành những món ăn. Đã bao lần, Dodin ngỏ lời cầu hôn nhưng Eugenie đều né tránh.
Đạo diễn Trần Anh Hùng cho biết mong muốn làm phim đến từ cuộc hôn nhân của vợ chồng anh. Anh dành tặng cuốn phim cho bà xã Trần Nữ Yên Khê. Lần đầu nhìn thấy dòng chữ "Gửi Yên Khê" hiện lên cuối phim, nữ nghệ sĩ đã bật khóc. Tác phẩm mang về cho anh giải thưởng "Đạo diễn xuất sắc" tại Liên hoan phim Cannes 2023. Phim hiện trình chiếu các rạp ở Việt Nam.
Phong Kiều