Trong các thập niên trước, không ít nghệ sĩ Hong Kong và Đài Loan từng sang Trung Quốc làm việc, song tần suất rất nhỏ lẻ, chưa đủ tạo thành xu hướng. Họ chủ yếu duy trì hoạt động song song ở Đại lục và quê nhà như một động thái thăm dò thị trường mới. Tới năm 2009-2010, trào lưu Bắc tiến ngày càng nở rộ. Đó là thời điểm phim thần tượng Đài Loan, phim tâm lý và gia đình Hong Kong bắt đầu thoái trào rõ rệt. Chính sách hạn chế phim nhập ngoại và kiểm duyệt khắt khe từ cơ quan quản lý Trung Quốc càng khiến sản phẩm phim ảnh của hai vùng lãnh thổ này khó tiếp cận với công chúng bên kia bờ biển.
Sao muốn kiếm tiền lớn, phim cần tìm người tài
Trang tin QQ đánh giá, diễn viên của Hong Kong và Đài Loan diễn xuất tốt, đóng đa dạng vai, tinh thần làm việc chuyên nghiệp, nhiều sao lớn lại có lượng fan đông đảo tại Trung Quốc nên rất được các nhà sản xuất và hãng phim ở đây săn đón. Người thành công nhất thời gian gần đây là Xa Thi Mạn. Nhờ hiệu ứng của Diên Hy công lược, “Kế hoàng hậu” thêm đắt show sự kiện, chương trình truyền hình.
Từ phía các nghệ sĩ, Trung Quốc là “mỏ vàng” để họ gia tăng thu nhập. Thị trường tỷ dân tỏ ra chịu chi trong lĩnh vực văn hóa nghe nhìn, mỗi năm đều đặn tung ra các chế tác lớn. Với lợi thế diễn xuất, sao Hong Kong và Đài Loan thường không gặp trở ngại khi thể hiện vai diễn tại Đại lục. Thêm nữa, họ có cơ hội xuất hiện với tạo hình ấn tượng trong bối cảnh đẹp và bỏ túi mức cát-xê đáng mơ ước.
Khảo sát năm 2011 của trang QQ cho thấy, nhiều sao hạng nhất của xứ Đài nhận thù lao đóng phim trung bình cao gấp 5 lần khi tấn công thị trường Trung Quốc. Được trả 80 nghìn NDT cho một tập phim ở Đài Loan, Ngô Kỳ Long nhận được 500 nghìn NDT, Tô Hữu Bằng nhận 450 nghìn NDT, Từ Hy Viên nhận 350 nghìn NDT một tập khi tham gia dự án tại Đại lục. Tương tự, Châu Du Dân, Lâm Y Thần, vợ chồng Lâm Tâm Như - Hoắc Kiến Hoa... cũng vậy.
Không ít người tìm thấy mùa xuân thứ hai trong sự nghiệp khi chuyển hướng hoạt động sang Trung Quốc. Bị xem là ngôi sao hết thời tại Đài Loan, Ngô Kỳ Long chuyển mình rực rỡ với siêu phẩm ngôn tình cổ trang Bộ bộ kinh tâm. Lận đận cả thập kỷ không được lên vai chính ở Hong Kong, Lưu Khải Uy vừa sang Trung Quốc đã trở thành hiện tượng. Một số người ngày càng nâng tầm tên tuổi nhờ việc mở công ty riêng tại đại lục như Lâm Tâm Như, Vương Tổ Lam...
Tuy vậy, sau tai tiếng trốn thuế của Phạm Băng Băng, chính phủ Trung Quốc đã thắt chặt thu nhập của nghệ sĩ. Triệu Vy và Thư Kỳ mới đây buộc phải trả lại 4 nghìn NDT cho nhà sản xuất chương trình Nhà hàng Trung Quốc. Dàn sao Hong Kong, Đài Loan có lẽ cũng khó tránh khỏi chuyện này.
Đóng khung hình tượng, hạn chế vai chính
Đóng bom tấn và kiếm bộn tiền song các sao Cảng – Đài cũng phải đánh đổi không ít khó khăn khi gia nhập thị trường Trung Quốc, ít ai được giao vai chính trong phim lớn ngay khi mới Bắc tiến. Là một trong những hoa đán hàng đầu của TVB nhưng tại Trung Quốc, Hồ Hạnh Nhi chỉ được giao vai nữ phụ khiêm tốn đất diễn trong hai series lớn Mỹ nhân tâm kế và Năm ấy hoa nở trăng vừa tròn. Chưa kể, hình tượng “bánh bèo” trong hai phim này không hợp với người mang phong cách mạnh mẽ như Hồ Hạnh Nhi, khiến cô trở nên nhạt nhòa. Hay trước khi tỏa sáng với Diên Hy công lược, Xa Thi Mạn từng góp mặt nhiều phim của Trung Quốc, được đánh giá tốt về diễn xuất nhưng không tạo được tiếng vang lớn.
Sau nhiều năm, Chung Hán Lương, Lâm Chí Dĩnh và Lưu Khải Uy vẫn bị đóng khung mãi vào hình tượng soái ca, doanh nhân thành đạt, không tạo nên dấu ấn và gây nhàm chán. QQ cho rằng khi chi khoản tiền lớn để làm phim và mời ngôi sao, nhà sản xuất cần đảm bảo tính an toàn cho dự án. Họ không muốn cho diễn viên thử thách hình tượng quá mới, phòng trừ rủi ro từ hiệu ứng khán giả.
Nghệ sĩ lớn tuổi hoặc sao hạng B càng khó tìm cơ hội tại Trung Quốc. Trong phim Các cô gái thân yêu lên sóng năm 2017, diễn viên gạo cội Đài Loan Tần Hán (vai Hải Mặc trong Hoa tàn hoa nở) đóng một người đàn ông Đài Loan, còn sao phim cấp ba một thời của Hong Kong Ông Hồng thì đảm nhận vai diễn một phụ nữ gốc Hong Kong. Đạo diễn Thôi Lượng của phim nói với China News, anh mời hai nghệ sĩ hợp tác đơn thuần phục vụ cho bối cảnh của nhân vật.
Ngoài việc hãng phim Trung Quốc ưu tiên diễn viên nội địa, tiếng Trung Quốc phổ thông thiếu lưu loát của dàn sao Cảng - Đài cũng là một trở ngại của họ khi làm việc tại đây. Khi Diên Hy công lược gây sốt, một video hậu trường ghi lại cảnh đối thoại của Nhàn phi với mẹ được lan truyền, gây hài hước cho khán giả. Trong khi Đới Xuân Vinh nói tiếng phổ thông, Xa Thi Mạn lại nói tiếng Quảng Đông. Quy trình lồng tiếng cho diễn viên tốn kém thời gian và tiền bạc mà không phải đoàn phim nào cũng sẵn lòng đầu tư.
Phong Kiều