Các doanh nghiệp trên bao gồm 6 công ty liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài và 4 doanh nghiệp sản xuất điện tử dân dụng thuộc Tổng công ty Điện tử - Tin học Việt Nam (VIEC) và Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam.
Cụ thể, bắt đầu từ 1/1 thuế nhập khẩu nguyên chiếc các loại điện tử dân dụng sẽ giảm xuống chỉ còn 0-5%. Trong khi nếu tổ chức sản xuất trong nước, các doanh nghiệp điện tử đang phải chịu thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng điện tử 10-14%.
Sự chênh lệch quá mức về chi phí đầu vào này đang khiến các doanh nghiệp không thể cạnh tranh được và nguy cơ sẽ dẫn đến phá sản...
Nghịch lý bảo hộ sản xuất linh kiện
Ông Nguyễn Thịnh, Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh của VIEC cho biết: theo lộ trình cam kết từ 1/1, các sản phẩm điện tử nhập khẩu từ ASEAN được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0-5% phải có C/O form D (chứng nhận xuất xứ hàng hoá ASEAN), nhưng C/O form D cấp cho sản phẩm nguyên chiếc dễ dàng bao nhiêu thì đối với nhiều loại linh kiện, phụ tùng (nhất là linh kiện phụ tùng nhỏ lẻ, xuất xứ từ nhiều nguồn) lại khó khăn bấy nhiêu.
Trong khi đó có tới 60% linh kiện phụ tùng mà các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu để sản xuất có xuất xứ ngoài ASEAN (chủ yếu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan).
Điều này cũng có nghĩa các doanh nghiệp điện tử nội sẽ không được hưởng thuế suất ưu đãi theo CEFT/AFTA mà phải chịu thuế MFN (thuế tối huệ quốc) dẫn đến thuế nhập khẩu nhiều loại linh kiện, phụ tùng chắc chắn sẽ cao hơn thuế nhập khẩu nguyên chiếc.
Đây là một nghịch lý mà doanh nghiệp điện tử Việt Nam đang phải đối mặt. Ông Thịnh cho biết, hiện chi phí sản xuất sản phẩm điện tử trong nước chỉ chiếm từ 5 đến 15% giá thành, còn lại 85-90% giá thành là giá trị các vật tư, nguyên liệu nhập khẩu. Bởi vậy, chính giá vật tư, thiết bị và thuế đánh trên nó mới quyết định đến tính cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước.
Trong năm 2005, Bộ Tài chính đã chấp thuận điều chỉnh 31/90 dòng thuế (quyết định số 15/2005/QĐ-BTài chính ngày 17/3/2005) để xử lý những khó khăn cho các doanh nghiệp điện tử. Tuy nhiên, cho đến nay, một số dòng thuế được điều chỉnh vẫn chưa thoả đáng và các doanh nghiệp điện tử tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính có động thái điều chỉnh tiếp 26 dòng thuế nữa.
Trong một công văn mới đây gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng, thuế nhập khẩu ưu đãi linh kiện, phụ tùng vẫn ở mức rất cao.
Ví dụ: tivi 21” màn hình phẳng (phổ biến nhất hiện nay), theo phương án cắt giảm của Bộ Tài chính, thuế nhập khẩu ưu đãi bình quân vẫn là 8,34% (so với 9,04% theo thuế hiện hành). Các linh kiện đèn hình, lái tia, loa (chiếm khoảng 50% giá trị sản phẩm) dự kiến giảm xuống 10% thì thuế nhập khẩu bình quân vẫn là 6,35%, vẫn cao so với thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc từ ASEAN (0-5%).
Nguyên nhân sâu xa của việc đánh thuế linh kiện nhập khẩu là nhằm bảo hộ một số linh kiện điện tử trong nước đã sản xuất được. Chỉ tính 3 vật tư linh kiện quan trọng chiếm 50% giá trị tivi là đèn hình, cuộn lái tia và loa thì riêng đèn hình chiếm 35-40% giá trị của sản phẩm máy thu hình.
Các doanh nghiệp kiến nghị, thay vì thuế suất ở mức cao như hiện nay (15-12% MFN và 5% CEPT), mức thuế tương ứng cần điều chỉnh ở mức 10% và 0%. Đối với những loại màn hình dẹt (panel) sử dụng công nghệ cao (màn hình Plsasma, màn hình tinh thể lỏng - LCD) mà trong nước không có khả năng sản xuất, hiện áp thuế 5% theo các doanh nghiệp cần điều chỉnh ở mức 0% (cả MFN và CEPT).
Tương tự, cuộn lái tia và cuộn biến áp, các doanh nghiệp điện tử kiến nghị điều chỉnh ở mức 3% (MFN) và 0% (CEPT). Về loa, thay vì mức thuế bảo hộ 20% hiện nay, doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh giảm ở mức 3% (MFN) và 0% (CEPT).
Giảm thuế MFN bằng thuế CEFT/AFTA?
Do chênh lệch giữa thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng cao hơn nhiều lần thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc từ các nước ASEAN, nên từ đầu năm nay, các doanh nghiệp điện tử trong nước mặc dù đã tiên liệu trước nhưng vẫn khó lòng chống đỡ trước làn sóng nhập khẩu ồ ạt hàng nguyên chiếc với mẫu mã đẹp, chất lượng cao, giá thành hạ.
“Về lâu dài, nếu thuế suất vẫn không được cải thiện, nhiều khả năng các doanh nghiệp hoặc sẽ phải chuyển sang làm nhà phân phối, sửa chữa, bảo hành các sản phẩm ngoại nhập hoặc phải dừng sản xuất, chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực khác, kéo theo việc chấm dứt hoặc thu hẹp sản xuất của các nhà sản xuất linh kiện phụ trợ và cùng với đó là khoảng 10.000 lao động mất việc làm”, ông Nguyễn Thịnh không giấu giếm.
Mới đây, tháng 7/2005, Công ty 100% vốn nước ngoài Panasonic Holding được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép hoạt động theo mô hình công ty mẹ-con với mục tiêu lấy “ngoài nuôi trong” đã có chiến lược tập trung đầu tư vào các nước ASEAN để sản xuất, lắp ráp và xuất khẩu sản phẩm sang Việt Nam. Điều này rất có thể sẽ dẫn đến phản ứng dây chuyền đối với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Các bộ, ngành chức năng cũng đã lên tiếng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Bộ Tài chính giảm mức thuế nhập khẩu MFN đối với linh kiện phụ tùng điện tử trong nước sản xuất được đảm bảo chất lượng là 5%, các linh kiện còn lại đều áp mức 0%.
Bộ Công nghiệp đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh trên nguyên tắc, thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc phải cao hơn thuế nhập khẩu linh kiện phụ tùng và kiến nghị giảm xuống 0% đối với linh kiện phụ tùng trong nước chưa sản xuất được.
Bộ Bưu chính Viễn thông với chức năng quản lý ngành cũng lên tiếng đề nghị điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN đối với linh kiện, phụ tùng trong nước sản xuất được về mức 3%; những linh kiện còn lại trong nước không sản xuất được giảm xuống 0%.
Còn Bộ Thương mại cho rằng chiến lược đúng đắn lúc này là nên xem xét để đưa thuế suất nhập khẩu MFN về bằng với thuế suất CEPT/AFTA để tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử.
(Theo Thời Báo Kinh Tế VN)