![]() |
Giá điện thoại thẻ vẫn còn bất hợp lý nên không khuyến khích được nhiều người sử dụng |
Ra đời từ tháng 11/1997, điện thoại thẻ (ĐTT) đã phủ sóng tại tất cả các tỉnh, thành phố với khoảng 11.000 cột ĐTT. Nếu dịch vụ điện thoại di động VinaPhone vẫn còn ở thế hệ công nghệ trung bình so với thế giới thì công nghệ áp dụng cho ĐTT đã được Công ty Dịch vụ viễn thông (GPC) sử dụng công nghệ hiện đại nhất: công nghệ thẻ điện tử, cho phép tính tiền các cuộc gọi một cách chính xác nhất. Điều này chứng tỏ GPC không muốn bỏ qua một cơ hội kinh doanh ngàn vàng.
Song, những gì đã diễn ra không hoàn toàn theo mong đợi của GPC và VNPT. Mặc dù đã đầu tư vào ĐTT 260 tỷ đồng nhưng doanh số thu về hằng năm cũng chẳng đáng bao nhiêu. Năm 2001, doanh thu ĐTT đem lại 48 tỷ đồng. Năm 2002, mặc dù GPC đầu tư lắp mới 4.500 cột ĐTT nhưng doanh thu cũng chỉ tăng thêm được 5 tỷ đồng (đạt 53 tỷ) và năm 2003 đạt 54 tỷ. Đã vậy, những con số này chưa phải là doanh thu thực mà phải trừ mất một nửa cho các khoản chi phí khấu hao tài sản, tiền trả cho các mạng khác theo nguyên tắc kết nối giữa các nhà khai thác viễn thông.
6 tháng đầu năm 2004, tình hình cũng không sáng sủa lên bao nhiêu khi doanh thu do ĐTT đem lại chưa đạt được 50% doanh thu của năm 2003. Tính trung bình hằng năm, ĐTT và nhắn tin (sẽ chính thức khai tử vào 1/9) chỉ chiếm chưa tới 5% tổng doanh thu từ ba dịch vụ của GPC.
Một đại diện của GPC khẳng định dù điện thoại di động có phát triển đến mức nào thì ĐTT vẫn sẽ tồn tại bởi không ai có thể phủ nhận sự tiện lợi của nó ở những nơi công cộng như nhà ga, sân bay, bệnh viện, trường học, khách sạn... Ngoài ra, việc phát triển hệ thống ĐTT sẽ góp phần làm giảm bớt những đại lý điện thoại công cộng thường xuyên tính ăn gian tiền của khách.
Nhưng, theo Tuổi Trẻ, thực tế thời gian qua lại cho thấy chính vì không xâm nhập được vào những khu vực công cộng nên ĐTT đã không phát huy hết tác dụng của mình. Ý kiến phản ảnh từ bưu điện các tỉnh cho thấy việc lắp đặt các cột ĐTT tại những khu vực công cộng hết sức khó khăn do đơn vị chủ quản khu vực đó thường gây khó dễ. Những nơi này không muốn cho lắp cột ĐTT tại khu vực cơ quan mình mà muốn cho các cá nhân thuê làm đại lý điện thoại công cộng.
Một trong những nguyên nhân khác dẫn tới việc ĐTT không đem lại hiệu quả kinh doanh cao chính là do giá cước bất hợp lý mà VNPT đã đặt ra. Hiện nay, người sử dụng ĐTT phải chịu sự bất hợp lý khi gọi nội hạt (cuộc gọi trong cùng quận, huyện, thị) dù một phút, hai phút hay ba phút cũng đều bị tính tiền thành ba phút (1.200 đồng). Chỉ từ phút thứ tư trở đi VNPT mới tính sòng phẳng 400 đồng/phút.
Ngoài ra, chỉ có Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng được áp dụng mức cước nội hạt cho các cuộc gọi từ quận này sang quận khác (đường dài nội tỉnh), còn tất cả các tỉnh, thành khác đều chịu một mức cước đường dài nội tỉnh cao hơn so với cước nội hạt. Mặt khác, dù là loại hình điện thoại công cộng, không người phục vụ nhưng VNPT vẫn “chém” của khách hàng 500 đồng “cước phục vụ” đối với mỗi cuộc gọi đường dài nội tỉnh, liên tỉnh và cuộc gọi vào thuê bao di động.
Theo dự kiến, GPC sẽ đầu tư lắp mới thêm 10.000 cột ĐTT để mở rộng mạng lưới phục vụ. Tuy nhiên, nguy cơ ĐTT bị “khai tử” là có thể xảy ra nếu những vấn đề có tính sống còn như đã nói ở trên không được thay đổi.