![]() |
TS nộp hồ sơ xét tuyển NV2 vào ĐHBC Marketing năm 2004. Theo trường này, nếu không có gì thay đổi, tuyển sinh 2005 trường cũng sẽ lấy điểm trúng tuyển NV1 bằng điểm sàn. |
Nhưng đây cũng không phải là chuyện lạ, vì tuyển sinh năm nào cũng vậy, các trường này luôn tuyển theo "điểm chuẩn" do Bộ GD-ĐT đưa ra và "điểm chuẩn" ấy luôn nằm dưới cái tên "điểm sàn"...
Đối với các trường ĐHDL, bán công có tổ chức thi tuyển sinh, hầu hết đều có lượng thí sinh (TS) dự thi rất mỏng. Thêm vào đó, chất lượng đầu vào của TS lại không cao cũng là một trong các nguyên nhân khiến các trường này không dám đưa ra mức điểm chuẩn quá cao. Trong thực tế, cá biệt có thể có trường có kết quả thi cao, nhưng rốt lại cũng không dám mạo hiểm đưa ra mức điểm chuẩn thực mà trường mình có.
Lý do muôn thuở vẫn là sợ "ảo", sợ TS lựa chọn con đường vào trường mình chỉ là phòng hờ. Và vì vậy nếu tuyển với điểm chuẩn cao thì rõ ràng việc tuyển chọn các nguyện vọng (NV) 2, 3 sau đó chắc chắn là không khả thi, khi mà điểm xét tuyển các NV chí ít cũng phải bằng điểm chuẩn NV1.
Nhìn lại điểm chuẩn các trường có tổ chức thi tuyển trong năm 2004, ngoại trừ ngành công nghệ hóa học và khối H, tiếng Anh của ĐHBC Tôn Đức Thắng có điểm chuẩn lần lượt là 16, 17 điểm; tất cả các ngành còn lại của trường này và các trường khác đều có chung một điểm chuẩn khối A và D1 là 14, khối C và B là 15, bằng với điểm sàn mà bộ qui định. Thậm chí, khi xét tuyển đến NV2, điểm chuẩn xét tuyển cũng bằng luôn cả với điểm chuẩn của NV1. Như vậy, tổ chức thi tuyển sinh tốn kém để làm gì khi chỉ tuyển được TS có điểm thi bằng điểm sàn, trong khi kết quả tuyển được cũng tương tự như các trường không tổ chức thi tuyển?
Còn trong mùa tuyển sinh 2005, các trường khi đưa ra điểm chuẩn NV1 chắc chắn cũng sẽ công bố ngay điểm xét tuyển NV2 và 3. Mức điểm chuẩn cho NV1 có thể cũng chỉ bằng điểm sàn mà bộ quy định. Tại hai trường đã có kết quả chấm thi như ĐHDL Thăng Long (chỉ có 1.149 TS dự thi với chỉ tiêu tuyển sinh là 1.000) đã có thể tuyên bố ngay sẽ dành phần lớn chỉ tiêu để tuyển NV2.
Ở phía Nam, ĐH Công nghệ Sài Gòn cũng tương tự, chỉ có 1.231 TS dự thi/800 chỉ tiêu cho hệ ĐH. Các trường khác, lượng TS dự thi cũng không cao lắm, như ĐH Mở - Bán công 6.339 TS, ĐHBC Tôn Đức Thắng 5.479, ĐHDL Tin học - Ngoại ngữ 4.958, ĐHDL Kỹ thuật công nghệ 2.119, ĐHDL Lạc Hồng (Đồng Nai) 2.774... có lẽ điểm chuẩn trúng tuyển NV1 cũng không thể cao hơn điểm sàn.
Các trường ĐHDL có tổ chức thi tuyển là vậy, đối với các trường không tổ chức thi, chỉ xét tuyển cũng không khác là bao. Cho đến giờ này như ĐHDL Văn Lang - trường luôn có lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển hằng năm cao - cũng chỉ nhận được khoảng 2.500 hồ sơ đăng ký NV1 vào trường. "Chúng tôi cũng không hy vọng gì vào số lượng này lắm vì "ảo" nhiều, nên chỉ trông chờ vào NV2 mà thôi", một cán bộ của trường này cho biết.
Trong khi đó, hiện ĐHBC Marketing - trường vừa được thêm 200 chỉ tiêu tuyển mới hệ ĐH - cũng không yên tâm lắm với con số hơn 1.500 hồ sơ đăng ký NV1. Tại ĐHDL Văn Hiến, con số các nơi báo về cho trường này biết số đăng ký vào NV1 còn thấp hơn: chỉ có 850 hồ sơ. Bao nhiêu trường hợp "ảo"? Chưa có câu trả lời, nhưng kết quả tuyển NV1 hằng năm cho thấy không trường nào đủ can đảm tin tưởng vào con số này cả.
Và mặc dù tình hình kết quả thi năm nay có vẻ phấn khởi hơn mọi năm, dù điểm thi của TS có cao đến đâu, chắc chắn các trường không tổ chức thi tuyển cũng chỉ ở mức điểm sàn mà bộ quy định để làm điểm chuẩn và lấy luôn mức điểm này để làm điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển NV2, 3. Bởi nếu không làm theo quy trình này, chắc chắn các trường sẽ không có đủ người học vì điểm chuẩn NV1 nếu cao sẽ kéo theo điểm xét tuyển các NV2, 3 cao theo, có thể khiến TS ngần ngại không dám nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Trong tình thế này, dĩ nhiên các trường muốn chắc ăn nên phải chọn phương án xét tuyển cũng "ăn chắc mặc bền". Chỉ có TS lại tiếp tục đánh đố với chính mình bằng câu hỏi: chọn NV nào cho phù hợp? Trong tay TS chỉ có hai cơ hội trong tình hình điểm số cao thấp khó lường trước như hiện nay, để chọn được một NV với khả năng trúng tuyển cao nhất xem ra chẳng dễ chút nào.
Theo Tuổi Trẻ, tổ chức thi, cuối cùng cũng phải theo "sàn", không tổ chức thi cũng phải theo "sàn". Chưa có TS đăng ký, chưa có kết quả thi của TS nhưng các trường đã "biết trước" điểm chuẩn, đã lên sẵn phương án điểm sàn. Phải chăng sẽ có thêm một cái chung cho kỳ thi vốn có nhiều cái chung này: chung điểm chuẩn?